| Hotline: 0983.970.780

Giá rau sẽ sớm 'hạ nhiệt', nguồn cung dồi dào dịp cuối năm

Chủ Nhật 21/11/2021 , 18:31 (GMT+7)

Nguồn cung rau vụ đông sớm hiện đang hạn chế, giá cao. Tuy nhiên, dự báo dịp cuối năm nguồn cung rau sẽ dồi dào, giá rau cũng sẽ 'hạ nhiệt' trong thời gian tới.

Rau trà sớm giá cao, thương lái tranh nhau đặt hàng

Tại vựa rau vụ đông huyện Gia Lộc (Hải Dương), người dân đang tích cực thu hoạch trà rau vụ đông sớm, làm đất, gieo trồng trà rau chính vụ.

Anh Phùng Danh Công, thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc) có 20 mẫu trồng bắp cải cho biết: Năm nay, thời điểm người dân xuống giống trà rau sớm gặp mưa kéo dài, làm hầu hết các diện tích đều bị hỏng, dẫn tới lượng cung rau bị giảm mạnh. Do vậy, hiện toàn bộ sản lượng rau thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó, thậm chí còn không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường.

Hiện, bắp cải đang có giá bán từ 13.000 - 14.000 đồng/kg (so với cùng kỳ năm trước là 7.000 - 8.000 đồng/kg); xu hào chọn có giá 7.000 - 7.500 đồng/củ, mua xô 4.000 - 4.500 đồng/củ.

Nông dân Hải Dương đang tích cực thu hoạch trà rau sớm, do nguồn cung giảm mạnh nên giá bán rau đang ở mức tương đối cao. Ảnh: Trung Quân.

Nông dân Hải Dương đang tích cực thu hoạch trà rau sớm, do nguồn cung giảm mạnh nên giá bán rau đang ở mức tương đối cao. Ảnh: Trung Quân.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thịnh, làng Côi Hạ, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) trồng 1 mẫu bắp cải chia sẻ: Gia đình bà vừa mới xuất bán 4 sào bắp cải với giá 11 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, hiện giá đã tăng lên 12 - 13 triệu đồng/sào, không những thế các thương lái còn tranh nhau để đặt hàng.

“Theo thông tin từ các thương lái, năm nay rau trà sớm ở nhiều tỉnh đều bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài, khiến lượng cung rau thời điểm giáp vụ đang khan so với mọi năm. Mặc dù sản lượng trà rau sớm giảm mạnh, không đẹp mã như mọi năm, nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng”, bà Thịnh nói.

Ông Nguyễn Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn (Gia Lộc, Hải Dương) thông tin thêm: Ngoài nguyên nhân thời tiết mưa nhiều làm lượng cung rau giảm, thời điểm xuống giống trà rau sớm, nhiều hộ dân mang tâm lý lo lắng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ khó khăn cho tiêu thụ nên đã không xuống giống hoặc xuống với lượng rất hạn chế. Bên cạnh đó, những diện tích xuống giống gặp phải thời tiết mưa kéo dài nên sản lượng không như dự kiến.

Cũng theo ông Thư, thông thường mọi năm HTX sẽ tập trung gieo trồng nhiều diện tích trà rau sớm. Tuy nhiên, do đánh giá tình hình từ đầu vụ nên HTX đã chủ động kéo giãn thời gian mùa vụ. Trước đây su hào, bắp cải tập trung thu bán vào thời điểm tháng 11, 12, kéo dài đến tháng 1 năm sau là chủ yếu. Nhưng năm nay, HTX đã lên kế hoạch gieo trồng và thu hoạch kéo giãn thời gian tới tháng tận tháng 4 mới kết thúc.

Bắp cải đang có giá bán từ 13.000 - 14.000 đồng/kg (so với cùng kỳ năm trước là 7.000 - 8.000 đồng/kg); xu hào chọn có giá 7.000 - 7.500 đồng/củ, mua xô 4.000 - 4.500 đồng/củ... Ảnh: Trung Quân.

Bắp cải đang có giá bán từ 13.000 - 14.000 đồng/kg (so với cùng kỳ năm trước là 7.000 - 8.000 đồng/kg); xu hào chọn có giá 7.000 - 7.500 đồng/củ, mua xô 4.000 - 4.500 đồng/củ... Ảnh: Trung Quân.

Ông Thư cũng đánh giá: Hiện tại, thời tiết thuận lợi, cộng với quy định phòng chống dịch Covid-19 đã thay đổi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông nên người dân trong vùng đang tranh thủ từng ngày để xuống giống trà rau chính vụ kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán.

“Khoảng 20 - 30 ngày nữa, lượng cung rau ngoài thị trường có thể lại dồi dào như mọi năm”, ông Thư nhận định.

Đối với các loại rau ăn lá, rau gia vị, mặc dù không còn sốt giá như thời điểm trước, nhưng giá bán vẫn đang ở mức tương đối cao.

Bà Nguyễn Thị Lụa, thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện, Hải Dương) cho biết: Gia đình bà có 7 sào trồng các loại rau gia vị, hiện tại giá rau đã có chiều hướng giảm so với thời điểm trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì giá bán rau vẫn ở mức cao như: Xà lách (18.000 đồng/kg), thì là (25.000 - 30.000 đồng/kg), hành lá (18.000 - 20.000 đồng/kg), cải ngồng (15.000 đồng/kg), cải canh (13.000 đồng/kg), súp lơ (10.000 đồng/cây)...

Dự báo nguồn cung dồi dào dịp cuối năm

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, trong vụ đông 2021 - 2022, kế hoạch toàn tỉnh gieo trồng 21.000 ha cây vụ đông. Trong đó, diện tích rau các loại 18.000 ha, các loại rau chủ lực là hành, tỏi củ (6.500 ha), cà rốt (1.200 ha), bắp cải, su hào, súp lơ (4.500 ha), khoai tây (1.000 ha), ngô (1.500 ha), cây khác (1.500 ha). Gía trị sản xuất 4.700 tỷ đồng (bình quân 220 triệu/ha). Tỉnh cũng phấn đấu mở rộng thêm 10% diện tích cây vụ đông so với kế hoạch (tương đương 2.100 ha).

Tại huyện Gia Lộc, bà Tăng Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Gia Lộc thông tin: Trong vụ đông 2021 - 2022, toàn huyện kế hoạch gieo trồng 2.700 ha cây vụ đông, giá trị sản xuất ước đạt 405 tỷ đồng (trên 150 triệu đồng/ha).

Bà Nguyễn Thị Thịnh, làng Côi Hạ, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) chia sẻ, mặc dù sản lượng trà rau sớm giảm mạnh, không được đẹp mã như mọi năm, nhưng luôn trong tình trạng 'cháy hàng'. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, làng Côi Hạ, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) chia sẻ, mặc dù sản lượng trà rau sớm giảm mạnh, không được đẹp mã như mọi năm, nhưng luôn trong tình trạng "cháy hàng". Ảnh: Trung Quân.

Hiện toàn huyện đã gieo trồng được hơn 2.500 ha (đạt trên 93%). Trong đó, bắp cải (900 ha), su hào (450 ha), cải dưa (180 ha), bầu bí mướp (100 ha), còn lại ngô rau các loại…  Hiện, có khoảng 400 ha cải bắp, 150 ha su hào và 80 ha cải dưa trồng sớm đã cho thu hoạch.

Cũng theo bà Tăng Thị Hạnh, vụ đông năm nay toàn huyện sẽ gieo trồng tăng thêm 300 ha diện tích rau các loại. Thời điểm đầu vụ, tiến độ gieo trồng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, cộng với thời tiết thuận lợi, người dân đã tích cực xuống giống, chăm sóc các trà rau tiếp theo, nên dự báo nguồn cung cho dịp cuối năm sẽ tăng lên.

“Với tốc độ, tiến độ quay vòng liên tục các trà rau của người dân như hiện nay, không khó để đạt được kế hoạch đặt ra”, bà Tăng Thị Hạnh cho hay.

Theo nhận định của Sở NN-PTNT Hải Dương, vụ đông 2021 - 2022, Hải Dương có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất: Dự báo thời tiết rét sớm, thuận lợi cho cây rau ưa lạnh. Diện tích trà lúa mùa sớm, cho thu hoạch trước 30/9 trên 15.000 ha, đảm bảo dư quỹ đất cho phát triển cây vụ đông, nhất là cây vụ đông sớm và ưu ấm.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến sản xuất tại nhiều địa phương trong cả nước, dẫn tới nguồn cung rau giảm mạnh. Trong khi Hải Dương đã khống chế rất tốt dịch bệnh, cộng với kinh nghiệm canh tác thuần thục của người dân là cơ hội để nông sản của tỉnh cung ứng cho các tỉnh thành khác.

Bên cạnh đó, theo thông tin nắm bắt được, một số địa phương của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, việc sản xuất, xuất khẩu giảm, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng. Đây sẽ là cơ hội cho nông sản vụ đông của Hải Dương ngoài tiêu thụ trong nước còn hướng tới xuất khẩu. Một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng chuyển nguồn nhập khẩu rau từ Trung Quốc sang Việt Nam…

Linh hoạt rải vụ, lách vụ, lệch vụ, hạn chế trồng cuối vụ

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, giúp tăng thu nhập cho nông dân và đóng góp chính cho tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, trong vụ đông 2021 - 2022, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích sản xuất ở các vùng sản xuất cây vụ đông truyền thống, nhóm cây có thị trường tiêu thụ ổn định như: Hành, tỏi (Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà), cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh…), su hào, bắp cải (Gia Lộc, Tứ Kỳ), rau các loại (Kim Thành)…

Rau gia vị mặc dù không còn 'sốt giá' nhưng vẫn ở mức cao, người dân tích cực quay vòng các trà rau để đảm bảo nguồn cung liên tục. Ảnh: Trung Quân.

Rau gia vị mặc dù không còn "sốt giá" nhưng vẫn ở mức cao, người dân tích cực quay vòng các trà rau để đảm bảo nguồn cung liên tục. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo trồng rải vụ, lách vụ, lệch vụ và hạn chế mở rộng diện tích cuối vụ đối với nhóm rau ăn lá, ăn quả khó bảo quản tại nông hộ và thường bị áp lực tiêu thụ để tránh áp lực giai đoạn cuối vụ, cần thu hoạch gấp để giải phóng đất cấy lúa xuân.

Trong đó, đối với cà rốt, khoảng 80% phục vụ xuất khẩu. Chính phủ đã có những giải pháp tạo điều kiện thông thoáng cho vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nên việc tiêu thụ cà rốt ít bị áp lực bởi thị trường trong nước. Do vậy, cần mở rộng tối đa diện tích trồng trên các chân đất phù hợp, đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu và một phần phục vụ nhu cầu trong nước.

Đối với hành, tỏi, trên 90% tiêu thụ trong nước, sau khi thu hoạch nông dân có thể bảo quản tại nông hộ để tiêu thụ dần nên không bị áp lực tiêu thụ tươi hoặc tiêu thụ tập trung trong thời gian ngắn. Do vậy, tập trung phát triển tối đa diện tích tại các vùng trồng truyền thống như Nam Sách, Kinh Môn và mở rộng ra các vùng lân cận để tăng sản lượng phục vụ tiêu thụ cả năm 2022.

Đối với su hào, bắp cải, súp lơ, rau ăn lá, 70 - 80% tiêu thụ nội địa, 10 - 20% phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, tập trung mở rộng tối đa diện tích trồng vụ sớm, trồng rải vụ lứa 2 (rau chính vụ) và xem xét hạn chế trồng rau lứa 3 (nếu tình hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa còn khó khăn do dịch Covid-19 chưa kiểm soát được) để tránh áp lực tiêu thụ cuối vụ, dọn ruộng để cấy lúa xuân và trồng nhóm rau vụ xuân hè.

Đối với khoai tây, 100% tiêu thụ trong nước phục vụ ăn tươi và chế biến, với lợi thế thời gian sinh trưởng ngắn, thời vụ trồng có thể kéo dài đến tháng 11/2021. Bên cạnh đó, khoai tây có thể bảo quản tại nông hộ trong thời gian ngắn nên chịu ít chịu áp lực tiêu thụ tươi. Do vậy, tập trung mở rộng tối đa diện tích khoai tây trên đất cấy 2 vụ lúa ở tất cả các địa phương trong tỉnh…

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.