| Hotline: 0983.970.780

Cần 'nhiều Hải Dương' hơn cho sản xuất cây vụ đông

Thứ Ba 12/10/2021 , 18:33 (GMT+7)

Ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông cũng như công tác khắc phục sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng mưa bão tại Hải Dương.

Hải Dương luôn là tỉnh đi đầu trong các tỉnh phía Bắc về sản xuất cây vụ đông. Theo Sở NN-PTNTN Hải Dương, đến thời điểm này, diện tích lúa vụ mùa của tỉnh đã thu hoạch xong 35.000 ha, đạt 63,4% tổng diện tích.

Trong đó, có 16.000 ha lúa đã chín chưa thu hoạch, tập trung ở khu vực Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, TP. Hải Dương và trên 4.000 ha lúa mùa muộn, chủ yếu là nếp như nếp cái hoa vàng, nếp xoắn, nếp quýt đang thời kỳ trỗ bông, phân bố ở Kim Thành, Kinh Môn, Chí Linh, Ninh Giang.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình sinh trưởng rau vụ đông tại huyện Gia Lộc, Hải Dương. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình sinh trưởng rau vụ đông tại huyện Gia Lộc, Hải Dương. Ảnh: Bảo Thắng.

Khoảng 36% diện tích rau màu bị ảnh hưởng do mưa lớn

Về rau màu, đến ngày 9/10, toàn tỉnh Hải Dương đã gieo trồng được 7.500 ha rau màu vụ đông các loại, đạt 35,7% kế hoạch. Các cây vụ đông sớm chủ yếu là cây ưa ấm như ngô (1.500 ha), dưa bí các loại (876 ha), hành tỏi (729 ha), cà rốt (900 ha), su hào, cải bắp, súp lơ (2.500 ha). Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão những ngày qua, khoảng 2.700 ha (chiếm 36% diện tích) rau màu các loại bị ảnh hưởng. 

Nhìn những cánh đồng bắp cải xanh mướt, trong chuyến công tác ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh vui mừng khi biết Hải Dương tiếp tục là tỉnh triển khai sớm vụ đông. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hải Dương, tỉnh đã  gieo trồng được 8.000 ha trong tổng số khoảng 20.000 ha vụ đông theo kế hoạch.

"Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao Hải Dương. Tỉnh đã có nhiều chính sách cụ thể, phù hợp, thúc đẩy nông dân gieo trồng cây vụ đông", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Ngoài thời vụ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao trình độ canh tác, thâm canh của nông dân. Ông cho rằng, quy trình sản xuất của bà con rất căn cơ, bài bản, cho hiệu quả kinh tế cao.

"Bà con không chỉ lựa chọn được những cây trồng phù hợp, mà còn hình thành nhiều vùng chuyên canh như bắp cải, cà rốt, hành... Chúng tôi đánh giá cao việc chỉ đạo điều hành, tổ chức sản xuất của tỉnh, đặc biệt là việc kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá.

Trong ngày 12/10, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông tại một số địa phương trọng điểm của tỉnh Hải Dương như huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách... Đây đều là những vựa rau màu chủ chốt của tỉnh, có điều kiện tổ chức đầy đủ các khâu từ chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và quan trọng hơn là dễ tiêu thụ sản phẩm. Diện tích các vùng sản xuất vụ đông đa cây, canh tác theo phương thức quảng canh của tỉnh ngày càng được thu hẹp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao kỹ thuật canh tác của bà con nông dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao kỹ thuật canh tác của bà con nông dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại huyện Cẩm Giàng và Nam Sách, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đặc biệt lưu ý tới kỹ thuật phủ rơm rạ trên ruộng rau màu, giúp hạn chế cỏ dại, giữ độ ẩm, tăng độ tơi xốp cho đất và cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây trồng.

"Tôi đi nhiều nơi, thấy người dân giờ tập trung nhiều vào phương thức canh tác trong nhà màng, nhà kính. Tuy nhiên, chi phí xây dựng ban đầu khá lớn, và chưa chắc hiệu quả bằng những phương pháp canh tác truyền thống thế này. Đây chính là ví dụ cho việc đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ và triển khai các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giúp tăng giá trị thặng dư cho người dân", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ.

Khẩn trương khắc phục ảnh hưởng mưa bão

Có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng những ngày qua, Hải Dương vẫn chịu nhiều thiệt hại mưa, gió lớn bởi ảnh hưởng của bão số 7 và gió mùa đông bắc.

Đến ngày 12/10, Hải Dương ước có khoảng 5.761 ha lúa bị đổ, trong đó diện tích đổ nặng, ngập khoảng 1.267 ha, chủ yếu là lúa đã chín ở Tứ Kỳ, Bình Giang và TP. Hải Dương.

Hiện ngành nông nghiệp Hải Dương và các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo bơm gạn, tiêu úng, nhất là các vùng lúa bị đổ; tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân huy động mọi nguồn nhân lực ngay sau khi tạnh mưa, khẩn trương thu hoạch lúa đã chín, nhất là các diện tích lúa bị đổ. 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm cơ sở chế biến khoai tây xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm cơ sở chế biến khoai tây xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Để đảm bảo vụ đông thắng lợi, cũng là xây dựng nông nghiệp tỉnh thành mô hình điểm cho cả nước, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Hải Dương tập trung tập trung khoanh vùng, ưu tiên bơm tiêu nước nhanh những diện tích rau màu bị ngập úng, nhất là các vùng xen kẹt, khơi thông rãnh thoát nước trong ruộng để thoáng đất, tạo điều kiện cho bộ rễ hồi sinh. Ngoài ra, tỉnh cần tiến hành xới xáo phá vàng khi đất ráo và tưới phân, tạo thuận lợi cho cây phát triển.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Hải Dương chỉ đạo, khuyến cáo bà con tranh thủ thời vụ để sản xuất vụ đông bằng các biện pháp ươm cây giống trong bầu, trồng cây trên nền đất ướt, làm đất tối thiểu.

Đối với các diện tích rau bị thiệt hại hoàn toàn, tỉnh cần chủ động chuẩn bị hạt giống rau màu để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày, còn thời vụ, những cây có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, đảm bảo không để tình trạng khan hiếm rau màu xảy ra.

Do gió to, kèm theo mưa lớn làm dập lá, lật dây, lay gốc là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh phát sinh, gây hại nhất là bệnh thối nhũn trên bắp cải, cải dưa... Bệnh thán thư, thối gốc, héo xanh trên cây dưa hấu, dưa chuột, bầu bỉ, củ đậu, cà rốt... Chính vì vậy, cần hướng dẫn nông dân phun phòng trừ bệnh ngay khi trời tạnh mưa.

Đón nhận những cảm hứng được khơi gợi từ Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, lãnh đạo UBND và Sở NN-PTNT Hải Dương cam kết xây dựng các chuỗi liên kết với cây vụ đông nói riêng, và nông sản Hải Dương nói chung, đồng thời xây dựng các cơ sở bảo quản chế biến nông sản nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nông sản được duy trì thường xuyên, giảm áp lực khi vào thời vụ.

Hải Dương cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT sâu sát với thực tiễn sản xuất của tỉnh hơn nữa, đồng thời cung cấp thông tin và dự báo kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, để địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.