"Cắt trộm" chính sầu riêng vườn mình
Năm nay, Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk) ký hợp đồng với đối tác phía Trung Quốc xuất khoảng 3.000 tấn sầu riêng tươi. Để có sản phẩm đạt chất lượng và đúng các quy định của nước nhập khẩu, từ đầu năm Công ty Ban Mê Green Farm đã liên kết với HTX để xây dựng mã vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch khi giá thị trường cao hơn giá doanh nghiệp ký hợp đồng thì người dân sẵn sàng bỏ cọc khiến cho công ty “méo mặt”.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cho biết, thời gian vừa qua xảy ra chuyện buồn trong chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu xuất khẩu đối với sản phẩm sầu riêng.
Theo bà Thanh, ban đầu cứ nghĩ các mối liên kết bền vững nên doanh nghiệp đã có nhiều hỗ trợ nông dân, HTX trong việc thiết lập mã vùng trồng, kỹ thuật.
Tuy nhiên khi vào vụ, đứng trước cơn bão giá và lợi nhuận quá lớn nên nông dân không giữ được cam kết về giá đã thống nhất với doanh nghiệp.
"Cụ thể, nông dân ký hợp đồng với công ty ở mức giá từ 65.000 - 75.000 đồng/kg từ đầu mùa, khi vào thời vụ hàng hóa khan hiếm nên giá cao thì vô hình chung nông dân phá vỡ hết các liên kết đấy. Người dân bắt doanh nghiệp nâng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, đây là hình thức bẻ cọc, phá vỡ hợp đồng.
Để duy trì mối liên kết thì doanh nghiệp phải chịu nâng giá. Việc này ảnh hưởng đến kế hoạch giao hàng với đối tác bên Trung Quốc và các nước khác. Vì thiếu hụt nguồn hàng nên doanh nghiệp bị đưa vào thế bị động phải tức tốc kiếm hàng hóa bên ngoài. Việc này gây nên việc hỗn loạn về chất lượng cũng như giá cả”, bà Thanh nói.
Bà Thanh cho biết thêm, việc bẻ gãy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến toàn cuộc của vụ mùa. Bên cạnh đó, một đội ngũ "cò" gây ảnh hưởng lớn đến giá cả, chất lượng sầu riêng.
“Mặc dù không biết kỹ thuật chốt vườn và tất cả mọi thứ nhưng 'cò' vẫn vào chốt vườn tạo nên giá ảo. Hiện nay, Đắk Lắk còn 10 ngày nữa vào chính vụ do vậy các doanh nghiệp hiện tại đồng loạt ngưng thu mua, tạm không đóng hàng trong vòng từ 5-7 ngày, hoặc họ có đóng nhưng sản lượng giảm đến 2/3. Việc này nhằm kéo giảm giá nguyên liệu đầu vào để bình ổn giá ngoài thị trường”, bà Thanh nói thêm.
Cũng theo bà Thanh, doanh nghiệp nắm được giá ngoài thị trường Trung Quốc dao động từ 109.000-120.000 đồng/kg. Như vậy, giá sầu riêng tại Việt Nam đang được thu mua tại vườn 90.000 đồng/kg là quá cao.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu không thể nào đáp ứng được mức giá ngoài thị trường được, dẫn đến việc ngưng mua. Khi thời điểm thu hoạch sắp đến, người nông dân sẽ bị 'cò' hoặc lái bỏ cọc dẫn đến sầu rụng, mất giá và lặp lại câu chuyện của Bình Phước.
Do đó, doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc cơ quan truyền thông vào cuộc để đưa nhiều thông tin về thị trường cho nông dân hiểu thêm. Nông dân cần xác định giá trị sản phẩm của mình ở mức nào là đủ để duy trì thị trường được bền vững hơn, các mối liên kết không bị bẽ gãy”, bà Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, Công ty TNHH Thương mại thương hiệu G1 Việt Nam cho biết, doanh nghiệp gặp phải trường hợp người dân “cắt trộm” chính sầu riêng tại vườn của mình để mang ra ngoài bán khi giá cao, hợp đồng đã chốt.
Theo bà Hương, việc nông dân cắt mang ra ngoài bán đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp khi hợp đồng đã ký với phía đối tác về sản lượng.
“Nếu nông dân cắt trộm đi bán thì sẽ làm thâm hụt nguồn sản phẩm xuất cho khách hàng. Khi chốt non, giá sẽ thấp tầm 55.000-60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi giá thị trường lên, doanh nghiệp đã thông báo sẽ tăng thêm nhưng người dân vẫn âm thầm cắt sạch vườn với sản lượng hơn 15 tấn. Khi đến thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp đến vườn mới tá hỏa phát hiện không còn quả nào”, bà Hương chia sẻ.
Người này cho biết thêm, mặc dù hợp đồng đã ký với nông dân nhưng do không có công chứng, khi kiện ra tòa thì không biết khi nào mới giải quyết xong. Do đó, doanh nghiệp chỉ lấy lại tiền cọc, ngậm bồ hòn làm ngọt chứ không còn cách nào khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhiều trường hợp khi chốt vườn giá thấp, đến thời điểm giá cao, người dân sẵn sàng bẻ cọc hoặc thậm chí cắt sầu riêng của chính mình mang ra ngoài bán. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chốt vườn thời điểm cao, đến lúc giá xuống thấp đã treo vườn, lấy lý do để ép người dân hạ giá.
“Giá ảo hơn nhu cầu thật của thị trường”
Ông Phạm Tươi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Lan Tươi (thị xã Buôn Hồ) cho biết, năm nay giá sầu riêng cao nên việc xuất khẩu của HTX chậm hẳn so với năm trước.
Theo ông Tươi, giá hiện tại gần 100.000 đồng/kg nên các doanh nghiệp xuất khẩu đều lỗ. “Hiện nay giá bên thị trường Trung Quốc cũng dao động quanh mức 100.000 đồng/kg. Bây giờ mua vườn với giá cao như vậy cộng thêm chi phí và số hàng không đạt chất lượng xuất khẩu thì các đơn vị đang lỗ nặng. Năm nay, doanh nghiệp mỗi lần chốt với đối tác Trung Quốc từ 5-10 container chứ không dám chốt nhiều vì giá cả bấp bênh. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã lỗ một số lô hàng khi chốt giá cao với người dân. Vì sản lượng không thể đạt 100% xuất khẩu mà có những hàng dạt”, ông Tươi thông tin.
Giám đốc HTX cho rằng hiện nay mức giá đang rất ảo so với thực tế. Cụ thể, giá sàn không chênh lệch nhiều như hiện nay. Trên thực tế, giá sàn chỉ 70.000 đồng/kg trở lại thì doanh nghiệp xuất khẩu mới có lời nhưng nhiều thương lái chốt giá 80.000 - 90.000 đồng/kg.
“Bây giờ giá không thực tế, nếu đúng theo nhu cầu thì giá chỉ ở mức 70.000 đồng/kg thì các doanh nghiệp xuất khẩu mới có lời. Đằng này, tại các vườn, người dân đòi giá 80.000 - 90.000 đồng/kg thì quá là ảo tưởng”, ông Tươi nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, năm nay địa phương có sự biến động giá rất cao so với trước đây. Mặc dù địa phương mới bước vào vụ thu hoạch sầu riêng nhưng đã xuất hiện 2 vấn đề lớn.
Cụ thể, giá lớn hơn giá đã chốt với doanh nghiệp thì người dân sẵn sàng bỏ cọc dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp. Việc bỏ cọc khiến doanh nghiệp không có hàng xuất cho đối tác Trung Quốc. Từ đó, phía đối tác Trung Quốc sẽ tìm hàng từ những nơi khác nên ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến ngành hàng.
Trường hợp thứ 2, giá chốt vườn cao hơn giá thị trường thì doanh nghiệp sẽ thu mua chậm, ghim hàng. Như vậy sẽ dẫn đến sầu riêng quá tuổi, khi cắt sẽ không đưa đi xa được. Ngoài ra, doanh nghiệp có cắt thì sẽ chọn những quả tốt, chất lượng cao, còn sản phẩm tại vườn thì sẽ không bán được nhiều.
“Khi giá xuống, người nông dân, nhà vườn cần đàm phán, đưa ra mức giá hợp lý. Như vậy sẽ giảm thiệt hại cho 2 bên. Nếu các bên vẫn giữ quan điểm của mình thì người nông dân sẽ thiệt thòi nhiều hơn”, ông Côn nói.
Từ 8h00-11h45 ngày 11/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Sở NN-PTNT Đắk Lắk và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk phối hợp tổ chức. Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Địa điểm: Trực tiếp tại Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê, số 1 - 3 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và trực tuyến tới khoảng 1.000 điểm cầu trong cả nước.
Thành phần tham dự: Đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT: Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Cục Trồng trọt; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và các đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... Đại diện Sở NN-PTNT các địa phương có vùng trồng sầu riêng. Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Quý vị có thể tham dự diễn đàn trực tuyến qua Zoom ID: 921 5055 3574; Mật mã: 230911