Người nuôi tôm cầm được đồng lãi
Những ngày này, về các vùng nuôi tôm ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), đến đâu chúng tôi cũng thấy nụ cười tươi rói của những chủ hồ nuôi tôm và không khí nô nức chuẩn bị bước vào vụ tôm mới. Hỏi ra thì biết, thời gian gần đây, giá tôm thương phẩm tăng cao đột biến. Trong vụ 2 năm 2024, nhiều chủ hồ tôm ở đây trúng đậm vì tôm nuôi vừa đạt năng suất vừa được giá.
Anh Đỗ Văn Định ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đang sở hữu 2 ao tôm với tổng diện tích 2.000m2, một ao có diện tích khoảng 800m2, một ao có diện tích 1.200m2 ở khu phố Tân Thạnh. Sau 3 tháng rưỡi thả nuôi, thời điểm tôm nuôi đạt cỡ 80 con/kg, anh Định thu tỉa được 3 tấn tôm. Cách đây hơn nửa tháng, anh Định thu 1 lần khi tôm có kích cỡ 30 con/kg. Tổng cộng cả vụ, anh Định thu được 9 tấn tôm.
Phấn khởi hơn, vụ này, giá tôm thương phẩm tăng đột biến. Nếu như từ tháng 8 trở về trước, tôm 30 con/kg có giá chỉ 140.000đ/kg thì nay tăng đến 200.000đ/kg. Vụ nuôi này, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, anh Định lãi ròng gần 1 tỷ đồng.
“Giá tôm đột ngột tăng mạnh nên người nuôi tôm cầm được đồng lãi. Sau khi thu hoạch, tôi lập tức cải tạo lại ao nuôi để ngày 4/10 tới đây thả nuôi vụ mới”, anh Định chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), thời gian gần đây, giá tôm thẻ cỡ lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm khi tôm đã bắt đầu bước vào vụ nghịch, rất khó nuôi.
Cụ thể, giá tôm loại 24 con/kg hiện được thương lái thu mua từ 230.000-240.000đ/kg, còn loại 30 con/kg có giá khoảng 200.000đ/kg, tăng 30.000đ/kg so với nửa tháng trước. Trong khi đó, giá tôm loại 100 con/kg suốt 2 tháng gần đây vẫn duy trì ổn định mức khoảng 96.000đ/kg.
“Hiện nay, người nuôi thu hoạch tôm cỡ lớn có lãi khá. Thời điểm này thời tiết bắt đầu thất thường, nên việc nuôi tôm về cỡ lớn là rất khó, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ”, ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.
Ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết thêm, thời gian gần đây, nhiều bà con trên địa bàn xã Ninh Phú nuôi tôm có lãi nhờ giá tôm cỡ lớn ở mức cao. Hơn nữa, do thị trường thiếu tôm nguyên liệu nên thương lái thu mua không đòi hỏi khắt khe về màu sắc như thời gian đầu năm nay.
“Vụ đầu năm nay, gia đình tôi nuôi đạt sản lượng được 5-7 tấn/ao 1.600m2. Tuy nhiên, do xuất bán đúng thời điểm giá tôm hạ thấp, chỉ 110.000đ/kg (loại 30 con/kg) nên không có lãi”, ông Chính chia sẻ.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú đã thả nuôi 2 vụ, thu hoạch với tổng sản lượng đạt hơn 150 tấn. Riêng gia đình ông Lê Minh Chính thu hoạch gần 100 tấn, sau khi trừ chi phí lãi gần 2 tỷ đồng.
Nỗi lo nuôi tôm mùa nghịch
Năm 2024, theo kế hoạch, trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ thả nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 2.000ha mặt nước. Theo lịch thời vụ do ngành nông nghiệp Bình Định ban hành, đối với vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 vụ/năm, mật độ nuôi 300-500 con/m2, vụ 1 thả nuôi từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5, vụ 2 nuôi từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9, vụ 3 nuôi từ đầu tháng 11/2024 đến cuối tháng 1/2025.
Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), tôm thẻ chân trắng thương phẩm trong vụ 1 giảm sâu, dao động từ 80.000-90.000đ/kg loại 100 con/kg, nhưng đến tháng 9 đã tăng mạnh nên người nuôi đẩy mạnh sản xuất. Đến nay, diện tích nuôi tôm trên địa bàn Bình Định đạt trên 1.953ha; trong đó, vụ 1 thả nuôi được hơn 1.667ha, vụ 2 là gần 240ha.
Bà Mai Thị Mỹ Trúc, người đang sở hữu 6 ao nuôi tôm, mỗi ao có diện tích hơn 1.000m2 ở phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), cho hay, suốt 2 năm nay những ao tôm của bà nuôi đạt sản lượng, nhưng vụ nào cũng thất bại vì giá tôm quá thấp. Vụ nuôi đầu năm 2024, bà Trúc thu tôm cũng bán với giá thấp, bán xong giá tôm trên thị trường mới tăng cao khiến bà tiếc “đứt ruột”. Hiện bà Trúc mới thả tôm giống nuôi vụ mới trong 2 ao. Bà lo lắng: “Vụ này rất khó nuôi, nếu thành công thì đón được giá cao vì thu hoạch vào thời điểm cuối năm, người dân ăn Tết dương lịch, tiệc tùng nhiều”.
Còn theo anh Đỗ Văn Định, vụ tôm nuôi trong mùa mưa bão sẽ đối mặt với bệnh đỏ thân. Nếu người nuôi chăm sóc tôm tốt, tôm không dính bệnh thì chắc chắn khi thu hoạch sẽ trúng giá.
“Bệnh đỏ thân trên tôm là bệnh do virus gây ra, hiện chưa có thuốc đặc trị, nhưng người nuôi có thể phòng bệnh bằng cách cho tôm ăn kháng sinh và giữ môi trường nước cho tốt. Con virus đó lúc nào cũng tồn tại trong ao nuôi, nhưng thời tiết bất thuận trong mùa mưa bão sẽ khiến tôm nuôi yếu đi, mất sức đề kháng, cũng là điều kiện thích hợp để con virus này phát triển, tấn công tôm nuôi”, anh Định cho hay.
Cũng theo anh Định, nuôi tôm trong vụ nghịch, người nuôi phải "đánh" men vi sinh, "đánh" khoáng để giữ môi trường nước thật tốt, nhằm để tôm tăng sức đề kháng mà đối phó với bệnh đỏ thân. “Mùa mưa bão, cò xuất hiện nhiều. Cò chính là tác nhân gây lây lan dịch bệnh cho tôm nuôi. Bởi, cò kiếm thức ăn ở những ao tôm đã dính bệnh, sau đó bay sang kiếm ăn ở những ao nuôi chưa dính bệnh sẽ làm lây bệnh cho tôm nuôi ở những ao khác”, anh Định lo lắng.
Theo ông Phạm Thanh Nhân, vụ tôm nuôi trong mùa mưa bão là vụ nghịch, chỉ những diện tích cao triều thì mới nuôi được vì tránh được ngập lũ. Vì là vụ phụ, thời tiết không thuận lợi nên người nuôi phải lưu ý quy trình chăm sóc hơn những vụ khác. Nhất là thời tiết trong thời điểm giao mùa sẽ gây sốc cho tôm nuôi, nên người nuôi cần phải phòng bệnh cho tôm thật tốt. Đến mùa mưa chính vụ, người nuôi tôm càng phải cần phải quan tâm chăm sóc cho tôm nuôi hơn, nhất là không được để dư thừa thức ăn trong ao suốt quá trình nuôi và đặc biệt quan tâm đến màu nước để phòng dịch bệnh đường ruột xảy ra.
“Đối với nuôi tôm vụ 2, các hộ nuôi cần lưu ý phải xử lý ao nuôi ban đầu, tiêu diệt các vật chủ trung gian mang mầm bệnh lây truyền như cua, còng, tôm, tép, cá tạp… bằng các loại hóa chất đã được phép lưu hành. Trước khi thả giống, nước trong ao nuôi phải được xử lý qua hệ thống ao chứa (lắng, lọc); sau đó tiến hành diệt virus, vi khuẩn, vi bào tử, diệt nguyên sinh động vật bằng các loại hóa chất như: Formaline, vôi CaO hoặc Chlorine rồi mới lấy nước vào ao nuôi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, khuyến cáo.