| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm 2 giai đoạn, kiểm soát tốt dịch bệnh, năng suất tăng 15%

Thứ Năm 03/10/2024 , 08:57 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Quảng Bình có khoảng 70% số hộ đã chuyển qua nuôi tôm hai giai đoạn. Hình thức nuôi này giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, năng suất tăng 15% so với cách nuôi truyền thống.

Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, mô hình có quy mô 2,7ha, trong đó năm 2023 thực hiện 1,4ha và năm nay thực hiện 1,3ha, gồm 5 hộ dân tham gia. “Chúng tôi xây dựng kế hoạch năng suất nuôi trong mô hình đạt khoảng 12 tấn/ha. Tuy nhiên thực tế bà con nuôi đã đạt đến 19 tấn/ha, vì vậy người nuôi tôm có lãi lớn” - ông Hải cho biết.

Kiểm tra tôm nuôi ở giai đoạn 1 trước lúc chuyển sang nuôi giai đoạn 2. Ảnh: T. Trang.

Kiểm tra tôm nuôi ở giai đoạn 1 trước lúc chuyển sang nuôi giai đoạn 2. Ảnh: T. Trang.

Chúng tôi về xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) - nơi đang triển khai mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Ông Đàm Văn Thuyên, một trong những hộ tham gia mô hình cho hay, đã nhiều năm gắn bó với nghề “đánh bạc với trời” này và cũng trải qua nhiều lần thất bát.

“Để tìm được hướng đi vững chắc trong nghề, tôi đã tham gia mô hình với do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai từ năm ngoái. Hiện tôi đã nắm bắt được kỹ thuật sản xuất, tuân thủ quy trình hướng dẫn nên tôm sinh trưởng và phát triển tốt theo đúng tiến độ” - ông Thuyên phấn khởi.

Nói về nuôi tôm hai giai đoạn, ông Thuyên cho biết giai đoạn 1 ương dèo tôm với mật độ 1.500 con giống/m2, giai đoạn 2 nuôi tôm thương phẩm với mật độ 135 con/m2.

“Điều khác biệt với nuôi tôm truyền thống là nuôi hai giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được quá trình sinh trưởng của tôm và giảm tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi tôm thương phẩm” - ông Thuyên nói.

Sau hơn 2 tháng nuôi, khi kiểm tra, tôm tại ao của gia đình ông Thuyên đã đạt trung bình khoảng 58 - 60 con/kg. Giai đoạn này tôm có sức khỏe tốt, nhanh lớn. Khi tôm tới thời điểm xuất bán có thể đạt kích cỡ khoảng 30 - 35 con/kg.

Trong năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình tiếp tục thực hiện mô hình nuôi tôm hai giai đoạn tại xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch). Xã Hạ Trạch là địa phương có truyền thống nuôi tôm. Tuy nhiên những năm qua, tình trạng tôm bị dịch bệnh, mất mùa thường xuyên nên người nuôi bị thua lỗ. Từ đó, nhiều diện tích ao đã bị bỏ hoang.

Nuôi tôm hai giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được dịch bệnh và có lãi lớn. Ảnh: T. Trang.

Nuôi tôm hai giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được dịch bệnh và có lãi lớn. Ảnh: T. Trang.

Để hỗ trợ bà con, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xử lý ao nuôi trước khi thả tôm, lựa chọn con giống phù hợp. Bà Hồ Thị Thủy, Phó phòng Chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình) cho biết đã hướng dẫn bà con cách chăm sóc tôm theo từng giai đoạn, kỹ thuật san tôm...

“Điều quan trọng nữa là bà con ghi chép nhật ký hàng ngày từ lúc thả giống đến khi thu hoạch để nắm chắc tình trạng tôm trong ao nuôi và xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra” - bà Thủy nói.

Là một trong những hộ nuôi tham gia mô hình, ông Lê Chiêu Quân (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết, ông có 0,6ha nuôi tôm thẻ hai giai đoạn trên ao đất lót bạt.

“Thực tiễn trên ao nuôi của gia đình cho thấy hình thức nuôi tôm hai giai đoạn góp phần hạn chế được dịch bệnh và nâng cao năng suất, chất lượng tôm. Ngoài ra, người nuôi cũng kiểm soát tốt môi trường cũng như mật độ tôm trong quá trình nuôi”.

Theo bà Hồ Thị Thủy, sản phẩm tôm từ mô hình nuôi tôm hai giai đoạn luôn đảm bảo truy xuất nguồn gốc thông qua nhật ký nuôi nên phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

“Theo đánh giá, mô hình cho năng suất cao hơn 15% so với nuôi tôm truyền thống, tôm có chứng nhận VietGAP, lại được kết nối với các đầu mối thu mua tiêu thụ sản phẩm nên người nuôi chủ động và yên tâm trong quá trình sản xuất” - bà Thủy cho biết thêm.

Đến nay, Quảng Bình có khoảng 70% số hộ đã chuyển qua nuôi tôm hai giai đoạn, tập trung tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Quảng Trạch. Nhiều hộ nuôi đã áp dụng các hình thức nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp với cá, nuôi xen trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem thêm
Nghịch lý tại cảng cá Cửa Hội: Chỉ có 1 tàu cá neo đậu

Được đầu tư xây dựng, nâng cấp với kinh phí 126 tỷ đồng nhưng hệ thống cầu cảng quy mô của cảng cá Cửa Hội hiện chỉ phục vụ 1 tàu cá vào neo đậu.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.