| Hotline: 0983.970.780

Giá tôm vụt tăng: [Bài 2] Công nghệ cao lên ngôi

Thứ Ba 08/10/2024 , 07:59 (GMT+7)

Giá tôm tăng khiến người nuôi tôm mạnh dạn thả nuôi vụ nghịch. Trong khi người nuôi tôm vụ nghịch ‘vừa nuôi vừa run’ thì người nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc vẫn tự tin…

Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lan tỏa nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc

Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, hiện nay, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi-Biofloc ở tỉnh đang phát triển mạnh. Hiện trên địa bàn Bình Định có 65ha tôm nuôi theo công nghệ này. Địa phương có nhiều diện tích nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc nhất là huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm thâm canh-bán thâm canh ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng phát triển bền vững tại tỉnh Bình Định”. Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, là chủ nhiệm đề tài.

Sau 23 tháng triển khai nghiên cứu, khảo nghiệm, giữa tháng 7/2022, đề tài được Hội đồng Khoa học-Công nghệ tỉnh Bình Định nghiệm thu.

Theo ông Trần Quang Nhựt, công nghệ Semi-Biofloc giúp năng suất tôm nuôi tăng gấp đôi so với thông thường. Sản lượng tôm nuôi áp dụng công nghệ Semi-Biofloc tăng cao do mật độ thả nuôi có thể cao đến 200 con/m2, trong khi nuôi thông thường chỉ khoảng 100-150 con/m2, nuôi quảng canh còn thấp hơn, chỉ từ 50-60 con/m2. Hơn nữa, chi phí đầu vào giảm 10-15% so với nuôi thông thường do giảm chi phí thuốc kháng sinh phòng bệnh và hao hụt thức ăn. Đồng thời, hạn chế sử dụng lượng nước ngầm so với nuôi tôm thông thường nhờ ổn định môi trường nước bằng vi tảo.

Để áp dụng công nghệ Semi-Biofloc, người nuôi tôm phải trang bị hệ thống ao nuôi phủ bạt, mái che, hệ thống xử lý nước, hệ thống quạt sấy và áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn. Tôm giống sau khi nuôi ương thời gian 25-30 ngày đạt kích cỡ từ 600-800 con/kg thì được chuyển sang ao nuôi, mật độ thả nuôi từ 180-200 con/m2. Trong quá trình nuôi, người nuôi ủ mật rỉ đường để kết dính thức ăn, nuôi cấy floc cung cấp cho ao nuôi.

Ông Trần Quang Nhựt chia sẻ thêm: Nuôi tôm vụ nghịch trong điều kiện thời tiết bất thuận do mưa gió, công nghệ Semi-Biofloc càng phát huy hiệu quả. Bởi cách nuôi này khống chế được tác động của thời tiết bên ngoài nên có thể nuôi quanh năm, mỗi năm có thể được 4 vụ, nếu nuôi theo công nghệ cũ, mỗi năm chỉ được 2 vụ.

Ông Phạm Xuân Phương ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện phù Cát, Bình Định), vụ vừa rồi áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trên diện tích ao nuôi 1.000m2. “Đây là công nghệ nuôi mới, giúp tôm giảm dịch bệnh và giảm hoặc không sử dụng kháng sinh nên giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng thu nhập cao hơn so với cách nuôi trước đây”, ông Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Châu ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) là người đầu tiên tiếp cận công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Châu ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) là người đầu tiên tiếp cận công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, do giá tôm đang tăng cao, các chủ hồ tôm ở vùng cao triều đang háo hức thả giống nuôi vụ nghịch, để lúc thu hoạch bán được giá cao vào dịp cuối năm. Thời điểm này, người nuôi tôm nếu áp dụng công nghệ Semi-Biofloc thì càng mạnh dạn thả nuôi.

“Nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc chỉ cần nuôi ao nhỏ khoảng 1.000m2 để dễ quản lý. Ao nuôi thì có hệ thống lưới bên trên nên khống chế được tác động của thời tiết bên ngoài. Những ao trang bị lưới xung quanh hồ còn ngăn được cái lạnh của gió mùa đông bắc”, ông Trần Quang Nhựt chia sẻ.

Công nghệ cao “lên ngôi”

Ở Khánh Hòa, tại vùng nuôi trồng thủy sản Ninh Phú thuộc thị xã Ninh Hòa, hiện nay, nhiều hồ tôm đã ngưng sản xuất, nhưng khu nuôi tôm lót bạt của HTX Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú đang nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc kết hợp 3 giai đoạn, các ao vẫn thả giống bình thường, máy quạt nước sục khí tạo oxy hoạt động liên tục.

Theo ghi nhận chúng tôi, hộ ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú, đang thả nuôi tôm 8 ao, mỗi ao có diện tích 1.600m2, đến nay tôm đã được 50-60 ngày tuổi. Dự kiến, các ao nuôi khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Tuy nhiên, đối với những ao sinh trưởng và phát triển tốt, ông sẽ giữ lại để tiếp tục nuôi, nhằm thu tôm cỡ lớn sẽ bán được giá cao.

Ông Nguyễn Ngọc Châu kiểm tra sự phát triển của tôm nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Châu kiểm tra sự phát triển của tôm nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Minh Chính cho biết, Hợp tác xã có 6 thành viên nuôi tôm với tổng diện tích khoảng 10ha, trong đó khoảng 5ha là ao nuôi, còn lại là các ao chứa lắng. Thời gian qua, Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc kết hợp 3 giai đoạn thả nuôi tôm từ 3-4 vụ/năm, sản lượng dao động từ 300-400 tấn.

Theo ông Chính, công nghệ Semi-Biofloc hiện không còn mới nhưng mang lại nhiều lợi ích giúp làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong khi đó nuôi tôm 3 giai đoạn giúp giảm chi phí thức ăn, tiền điện cũng như kiểm soát được mầm bệnh từ lúc thả con giống. Do đó, trong quá trình nuôi, nếu có rủi ro xảy ra, người nuôi có thể hủy bỏ sớm để tránh thiệt hại nặng.

Ông Chính chia sẻ cách nuôi tôm 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn 1, tôm được ương trong bể hơn 100m2, mật độ 25-50 vạn con giống, thời gian ương khoảng 30 ngày. Khi đó, tôm sẽ đạt kích cỡ từ 1.000-1.200 con/kg và sẽ chuyển giai đoạn 2.

Ở giai đoạn 2, toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi ngoài trời, áp dụng nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc. Thời gian nuôi giai đoạn 2 khoảng 25 ngày, khi đó tôm đạt kích cỡ 200-250 con/kg, mật độ 500 con/m2 rồi chuyển sang giai đoạn 3.

Ở giai đoạn 3, mật độ nuôi được giảm xuống một nửa, tức mật độ thả từ 250-300 con/m2. Sau đó nuôi đến khi kết thúc khoảng 90 ngày, tôm sẽ đạt kích cỡ trung bình 50 con/kg. Mỗi ao cho thu hoạch bình quân từ 6-7 tấn/vụ (1.600m2), có lúc đạt 8 tấn/vụ.

Được biết, với mật độ nuôi 300 con/m2, ông Chính thả nuôi 60 ngày, tôm sẽ đạt kích cỡ 100 con/kg, chi phí đầu tư khoảng 50-60 ngàn đồng/kg. “Hiện nay, mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc của Hợp tác xã kết hợp 3 giai đoạn đã giúp cho các thành viên thả nuôi với tỷ lệ thành công đạt từ 70-80%”, ông Chính cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Tiện, người nuôi tôm thâm niên ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), dù trong vùng tôm nuôi bị dịch bệnh uy hiếp do thời tiết bất thường, nhưng diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc của tôi, tôm vẫn phát triển tốt, không xuất hiện dịch bệnh, nhờ đã được hướng dẫn lấy nước, xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo biofloc.

“Những diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc ở Bình Định trong những năm qua cho năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, tăng 2-4 tấn/ha so với nuôi tôm truyền thống. Công nghệ Semi-Biofloc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước nhờ các khối biofloc, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh; nhờ đó, giúp giảm chi phí đầu vào và góp phần tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm”, ông Trần Quang Nhựt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…

Bình luận mới nhất