| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán nông nghiệp & nông dân

Thứ Sáu 04/12/2020 , 09:10 (GMT+7)

Nước ta có đến 63% dân số sống ở nông thôn. Họ về cơ bản là những người nông dân. Chính vì vậy họ chưa giàu thì đất nước ta chưa giàu.

Thu hoạch ngô sinh khối trên cánh đồng của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Thu hoạch ngô sinh khối trên cánh đồng của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An).

GDP có tăng lên bao nhiêu chăng nữa, mà những người nông dân vẫn nghèo, thì sự tăng lên đó vẫn ít có ý nghĩa đối với đa số người Việt chúng ta.

Tuy nhiên, làm thế nào để những người nông dân có thể giàu lên một cách vững chắc quả thực là điều không dễ. Gần như một vài năm chúng ta lại thấy cảnh những người nông dân ngồi khóc bên ruộng dưa hấu, bên ruộng thanh long, ruộng hành tím... Bao nhiêu công sức, bao nhiêu hy vọng của họ đã bị đổ xuống sông, xuống biển.

Các loại quả này không bán được và chưa biết đến bao giờ mới bán được. Chính vì vậy lựa chọn duy nhất mà họ phải chấp nhận là để chúng thối hỏng trên ruộng. Đây là một lựa chọn khó khăn, đau đớn. Nhưng dù sao thì để thối hỏng trên ruộng vẫn còn đỡ lỗ lã hơn là để thối hỏng trong nhà, trên xe.

Sản xuất nông nghiệp chỉ là một phần khá nhỏ của kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, đa số những người nông dân của chúng ta chỉ đảm nhận được phần này.

Các phần khác như thị trường, tiêu thụ, thương hiệu, khoa học - công nghệ, quan hệ khách hàng… thường ít được quan tâm. Mà thực ra, có quan tâm, thì họ cũng khó có thể làm được gì nhiều. Đây là những công việc đòi hỏi phải đầu tư rất lớn về tài chính, về tri thức và kỹ năng.

Thế nhưng, quy mô nhỏ lẻ, tiềm lực mọi mặt hạn chế không cho phép những người nông dân làm được điều trên. Mà như vậy thì rủi ro của việc ngồi khóc bên ruộng dưa hấu, ruộng hành tím, ruộng thanh long… sẽ lặp lại gần như vô tận.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài đang tràn vào nước ta ngày một nhiều hơn. Táo, lê của Mỹ; cam, quýt của Úc; xoài, ổi của Thái… được bày bán ở khắp nơi. Và có vẻ như sau các hiệp định thương mại tự do, sau CPTPP, EVFTA…, các mặt hàng nông nghiệp của nước ngoài chỉ ngày càng có cơ hội nhiều hơn để xâm nhập và nước ta. Những người nông dân của chúng ta sẽ cạnh tranh như thế nào đây?

Lối ra có lẽ nằm ở khả năng hình thành các doanh nghiệp (hoặc chí ít, các trang trại) có quy mô đủ lớn để làm kinh tế nông nghiệp (chứ không chỉ để sản xuất nông nghiệp) và cạnh tranh với nước ngoài. Các công ty sử dụng công nghệ cao (như công ty TH Milk, công ty cổ phần Vinanilk, tập đoàn Vingroup… chẳng hạn) là lựa chọn hợp lý cho tương lai nông nghiệp nước nhà.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của các công ty muốn đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. Đất đai đều đang nằm trong tay của những người nông dân. Nhưng chúng ta không thể thu hồi đất của nông dân để giao lại cho các công ty được. Điều này là không thể chấp nhận được cả về pháp lý lẫn đạo lý.

Chính sách phù hợp nhất là phải tạo ra cung về đất đai trước. Điều này có thể làm được bằng cách chuyển đổi lao động nông nghiệp sang cho công nghiệp và dịch vụ. Khi thu nhập ở trong các ngành công nghiệp và dịch vụ cao hơn, lao động nông nghiệp sẽ được chuyển đổi tự nhiên cho các ngành này. Nhu cầu bán đất cũng sẽ hình thành trong quá trình chuyển đổi lao động như vậy.

Có hai vấn đề cần được quan tâm ở đây. Một là, bảo đảm quyền tự do tài sản đối với đất nông nghiệp cho người dân. Điều này sẽ giúp cho việc mua bán, chuyển nhượng đất được diễn ra dễ dàng và với chi phí thấp. Hệ quả là việc tích tụ ruộng đất cũng sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nếu quyền tự do tài sản đối với đất đai được bảo đảm, thì người nông dân còn có thể góp vốn, góp cổ phần bằng đất hoặc cho thuê lại đất. Đây cũng là cách tích tụ ruộng đất tự nhiên và tự nguyện hơn việc thu hồi của chính quyền.

Hai là, tạo điều kiện để những người nông dân nhập cư đang làm việc ở các thành phố, ở các khu công nghiệp có thể sinh cơ, lập nghiệp ngay tại những nơi đó. Nếu những người nông dân này, vẫn phải gửi con về cho ông bà ở quê nuôi nấng hoặc chỉ làm việc ở các khu công nghiệp, các đô thị một thời gian rồi lại quay về làm nghề nông trở lại thì đây sẽ là một thất bại chính sách nặng nề của chúng ta.

Tái cơ cấu nông nghiệp cốt lõi là tái cơ cấu lực lượng lao động nông nghiệp. Không có cách gì để chúng ta có thể cạnh tranh với các nước khác trên thế giới, nếu như họ chỉ có 3 - 5% dân số làm nông nghiệp, mà ta lại có đến trên 60%!

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.