Mượn kinh nghiệm tên lửa S400 phục dựng nỏ thần
Trong truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, nỏ thần được nhắc đến như là thứ vũ khí có thể bắn một lúc nhiều mũi tên. Thậm chí, chỉ cần vài lần bắn, quân giặc đông đến hàng vạn cũng phải tan tác bỏ chạy.
Những mũi tên bằng đồng được khai quật ở di tích Cầu Vực, Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định tính xác thực về chiếc nỏ thần huyền thoại. Trong đó, những nhà nghiên cứu đặc biệt lưu tâm đến mũi tên ba cạnh. Loại vũ khí này có những ưu điểm vượt trội so với mũi tên hai cạnh cùng thời như có độ xoáy rất lớn nhờ khí động học, đầu mũi tên xoay như một mũi khoan, khi chạm mục tiêu không chỉ găm vào như mũi tên bình thường mà đủ sức khiến vết thương lan rộng. Nếu bắn ở cự li gần, mũi tên 3 cạnh có thể "xuyên táo" vài mục tiêu.
Đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu phục dựng nỏ thần (nỏ liên châu), nhưng đa số những mũi tên 3 cạnh được lắp theo thiết kế thông thường. Các mũi tên được lắp trên cán gỗ, xếp hàng ngang, sao cho sau khi bắn ra mũi tên không bị chúc xuống đất. Tuy nhiên, mô hình kiểu như vậy gặp giới hạn về số lượng tên bắn, thường là 5 mũi một lúc. Tính cả thời gian lắp tên, rất khó để nỏ thần làm khiếp sợ hàng vạn quân giặc như truyền thuyết mô tả.
Là một kỹ sư chuyên nghiên cứu vũ khí, Vũ Đình Thanh bị thôi thúc tìm ra “bí quyết” của vua An Dương Vương khi xưa trong chế tạo nỏ thần. Anh tâm niệm, nếu chứng minh được nỏ thần của triều đại Âu Lạc khoảng hơn 2.000 năm trước là khả thi và có thật, triều đại An Dương Vương, các Vua Hùng cũng là có thật. Từ đó, góp thêm tiếng nói khẳng định cho việc người Việt là chủ nhân của đất nước ta từ thuở hồng hoang.
Đề bài được kỹ sư Thanh tự đặt ra cho bản thân: nỏ phải bắn được nhiều mũi tên cùng lúc, các mũi tên phải bay xa hơn tầm tên của nỏ thông thường (cụ thể là trên 600m), các mũi tên phải bay đúng hướng về mục tiêu. Nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Nga, những người có kinh nghiệm chế tạo tên lửa S300, S400…, anh Thanh nhận ra điểm cốt yếu.
Nỏ thường có dây tác động lực trực tiếp vào mũi tên. Người bình thường chỉ có thể giương cung đến sải cánh cung khoảng 1,5m. Nếu to hơn sẽ không bắn được bởi mũi tên phải to và dài tương ứng, hoặc giảm độ chính xác do mũi tên bị bật tung sau hành trình dài ở rãnh nỏ. Do đó, “nỏ thần” phải có những bộ phận đặc biệt nhưng phải dễ tìm, dễ chế tạo phù hợp với bối cảnh nước Việt hàng ngàn năm trước.
Bộ phận ấy, sau nhiều ngày tháng nghiên cứu được anh tìm ra, đó là một ống tre rỗng cỡ lớn. Một đầu đựng mũi tên đồng bằng vách thân, một đầu được đục lỗ trên thân, có tác dụng giống như chốt an toàn. Khi bắn, “chốt” được gài vào nỏ và bỏ ra khi không dùng. Thêm một điểm đáng chú ý nữa, chốt phải cứng, giữ được ống tên, hình dạng như một quả chuối nhỏ, và không gì thích hợp hơn “vuốt rùa” như truyền thuyết đã kể.
Vài năm trước, Vũ Đình Thanh cũng là người phát hiện ra thứ vũ khí được vua Quang Trung - Nguyễn Huệ sáng tạo khi đại phá quân Thanh. Đó là chất phốt pho làm đạn hỏa cầu. Khi sử dụng, vũ khí này sẽ đốt cháy nhanh chóng oxi trong không khí và gây ngạt kẻ thù.
Chưa tìm hết bí quyết "độc quyền" của vua An Dương Vương
Sau khoảng hai năm đi khắp vùng miền để tìm ra giống tre, luồng đủ sức “gánh” thành những cánh cung cỡ lớn nhưng bất thành, Vũ Đình Thanh quyết định chế tạo một chiếc nỏ bằng thép. Duy có chiếc ống đựng tên, anh vẫn giữ ý tưởng ban đầu là bằng tre.
Anh lý giải, do dây nỏ luồn qua ống đựng trên nên các mũi tên sẽ không bị bay tứ tung trong khi bắn. Một ưu điểm nữa, đó là ngay cả với những chiếc nỏ cỡ lớn, sải cánh hai bên 5 - 6m, hoặc bố trí 3 - 5 tầng cánh, thân nỏ dài 6m, thì người sử dụng vẫn chỉ cần một ống tên to hơn điếu thuốc lào một chút. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thiết kế của kỹ sư Thanh giúp giải quyết trọn vẹn các vấn đề như nỏ chỉ cần một người bắn, có thể bắn được hàng chục mũi tên cùng lúc. Quan trọng nhất, là đường đi của mũi tên được ống tre định hướng chính xác. Đồng thời, số lượng tên bắn và tầm xa có thể tùy biến phụ thuộc kích thước nỏ.
“Cách làm này cũng không cần phần thân mũi tên dài nữa. Người Việt cổ chỉ cần tập trung sản xuất mũi tên sao cho ngắn nhất và nhỏ nhất có thể”, anh chia sẻ.
Tại các di chỉ khảo cổ ở Cổ Loa, mũi tên được tìm thấy có hàm lượng đến hơn 90% bằng đồng. Thiết kế của anh Thanh thỏa mãn điểm này bởi mũi tên đồng đủ sức nặng để thắng lực cản không khí, giúp mũi tên không bị liệng khi được bắn với lực lớn. Ngoài ra, mũi tên theo cách chế tạo của kỹ sư Thanh cũng không cần cánh ở đuôi, đúng với tiêu bản mũi tên Cổ Loa mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho anh mượn.
Ngay những lần khảo nghiệm đầu tiên đã chứng tỏ được tính đúng đắn của thiết kế này. Mũi tên sau khi rời nỏ thực hiện hai chuyển động: vừa bay về phía trước, vừa xoay quanh trục.
Anh Thanh lý giải, do đầu lớn nên trọng tâm của mũi tên dồn về phía trước, khiến mũi tên khi bắn khỏi nỏ sẽ bay theo quỹ đạo cầu vồng, rất phù hợp với việc phòng thủ từ trên thành Cổ Loa của An Dương Vương. Các mũi tên được làm thủ công, chiều dài khó đồng nhất, giúp chúng tỏa ra thay vì chụm một chỗ sau khi bắn, làm tăng phạm vi sát thương. Cũng bởi cấu tạo không đồng đều, 3 cánh của mũi tên chịu sức cản không khí khác nhau, và thuận tiện hơn cho mũi tên quay quanh trục khi bay trên không.
Theo anh, đầu mũi tên cũng là một bí quyết, có thể được vua An Dương Vương giữ... độc quyền. Cánh 1 của mũi tên ngắn hơn cánh 2, cánh 2 ngắn hơn cánh 3, tạo thành một bước của ốc vít, đồng thời mỗi cánh cong theo cùng chiều kết hợp với chuôi nhỏ dần đều nên mũi tên bay ổn định, không bị quay ngang và luôn quay quanh trục sau khi rời nỏ. Nếu được tẩm độc, mũi tên sẽ khiến quân giặc tổn thương ngay cả khi bay sượt qua.
“Về lí thuyết, ta có thể làm nỏ to bao nhiêu cũng được, bắn xa bao nhiêu cũng được. Việc bắn ở mức khoảng 70 mũi tên cùng lúc, đạt tầm xa khoảng 900 - 1.000m, dựa trên nghiên cứu của tôi, là hoàn toàn khả thi”, anh nhấn mạnh.
Yếu tố lợi hại cuối cùng của “nỏ thần” là mũi tên thường bay với vận tốc lớn hơn vận tốc bắn của nỏ bình thường. Một số vị trí, vận tốc của mũi tên có thể đạt gấp đôi. Anh Thanh nhận định, có lẽ chỉ có vua An Dương Vương mới biết vị trí này. Tùy thuộc vào số lượng, vị trí tướng giặc, ông sẽ căn chỉnh để đạt hiệu quả như mong muốn khi bắn nỏ.
Điểm yếu của chiếc nỏ, theo phỏng đoán của tác giả, cũng nằm ở chính cấu tạo của nó. Do cần “chốt” giữ bằng vuốt rùa, nỏ sẽ không bắn được nếu bị Trọng Thủy đánh tráo như trong truyền thuyết. Ở góc độ khoa học, anh Thanh phỏng đoán là vua An Dương Vương không kịp làm lẫy nỏ thay thế và buộc phải bỏ chạy. Việc quân giăc truy sát bằng được vua An Dương Vương khiến nhà nước Âu Lạc không thể chế tạo chiếc nỏ thần thứ hai. Bí mật về nỏ liên châu, vì thế, trở thành một câu đố thú vị suốt hàng nghìn năm.
Phương pháp bắn nỏ bằng ống tên của kỹ sư Vũ Đình Thanh đã được cấp bằng độc quyền sáng chế toàn thế giới số 33480 vào ngày 25/8/2022 . Đây là phương pháp duy nhất trên thế giới cho phép bắn cùng lúc nhiều mũi tên.