Cây có múi đang phát triển ồ ạt tại khu vực Bắc Trung Bộ. Ảnh: Võ Dũng. |
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin, tổng diện tích cây ăn quả có múi vùng Bắc Trung Bộ hiện có khoảng 27,94 nghìn ha, chiếm khoảng 11,5 % so với cả nước. Quy mô không quá lớn nhưng cây ăn quả trong khu vực này rất có tiềm năng, đặc biệt có nhiều cây lợi thế đã hình thành thương hiệu, điển hình như bưởi Phúc Trạch, cam Bù (Hà Tĩnh), cam Vinh (Nghệ An), bưởi Thanh Trà (Huế), bưởi đỏ Luận Văn (Thanh Hóa).
Diễn đàn về "Giải pháp phát triển sản xuất hiệu quả cây có múi" đã mổ xẻ các vấn đề hiện tại. Ảnh: Võ Dũng. |
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi theo hướng bền vững, thời gian qua các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, nhờ đó góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước tăng khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng sản phẩm.
Quá trình canh tác, mặc dầu có những lợi thế nhất định về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giống đặc sản bản địa… nhưng nhìn chung việc triển khai trồng cây có múi toàn vùng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đánh giá chung, khó khăn nhất lúc này bắt nguồn từ thực trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán (diện tích bình quân vườn quả phổ biến từ 0,2 – 0,6 ha/hộ), kéo theo quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Vấn đề nan giải khác là tư tưởng của nhà nông, số đông hình thành ý thức phát triển cây ăn quả theo phong trào, chủ yếu là dạng tự phát. Điều này dẫn đến tình trạng trồng, phá bỏ liên miên, rất lãng phí, dần dà khiến cho vùng nguyên liệu thiếu sự ổn định cần thiết.
Thực tế bấy lâu nay chủ yếu cơ cấu giống ngay tại địa phương, nguồn giống này không đảm bảo quy chuẩn, giống chất lượng cao không nhiều, một số đã đến thời kỳ thoái hóa, một số khác lại cho nhiều hạt đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh, bất luận là sản phẩm ăn tươi hay trong chế biến công nghiệp…
Nhìn chung nhà nông đang đối diện với muôn vàn khốn khó. Ảnh: Võ Dũng. |
Tại Nghệ An, toàn tỉnh có 10.614 ha cây ăn quả có múi. Trong đó diện tích cam đạt hơn 6.000 ha, bưởi 1.100 ha, còn lại là các cây trồng có múi khác. Một số giống thích ứng rất tốt với điều kiện tại địa phương và cho chất lượng cao, đủ điều xuất khẩu như như cam Xã Đoài, cam Vân Du, cam Valencia, bưởi hồng Quang Tiến. Theo quy hoạch đến năm 2030, Nghệ An đặt ra mục tiêu 10.160 ha cây có múi, sản lượng đạt khoảng 141 ngàn tấn...
Từ nhu cầu thực tế, các cơ quan chuyên ngành định hướng phát triển cây có múi vùng Bắc Trung Bộ bằng cách bám vào những nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát triển sản xuất cây ăn quả có múi, đặc biệt là các giống đặc sản, có tính cạnh trạnh cao ở từng địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ hai là tập trung triển khai theo hình thức thâm canh để nâng cao năng suất lẫn chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cây có múi muốn phát triển bền vững nhất thiết phải áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Quá trình canh tác không chỉ gói gọn trong việc sản xuất, tiêu thụ đơn thuần mà phải tiến tới tổ chức theo chuỗi, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ và chế biến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường nhằm gia tăng tính ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm…
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Văn Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng. Ảnh: Võ Dũng. |
Phát biểu kết luận, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN-PTNT đánh giá, hiện nay cây trồng có múi đang phát triển nóng, cơ cấu sản xuất chưa đồng đều, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ nên nhiều vùng cam bị suy thoái, hiệu quả chưa cao. Vì thế, cần phát triển các vùng cây có múi gắn với thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu; phát triển những giống tốt; xây dựng mô hình chuỗi liên kết nông dân với các đơn vị liên quan.
Ông Đức nhấn mạnh: “Quan trọng nhất phải sản xuất được cây có múi cho chất lượng sản phẩm an toàn, làm được như thế mới kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia trị bền vững cho nông dân”.