Nhân rộng những cánh đồng thí điểm
Là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn, Kiên Giang đăng ký tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án), với diện tích 200.000 ha. Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2024, tỉnh Kiên Giang đã khởi động các cánh đồng thí điểm tại các địa phương, các vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Đây chính là cơ sở để đánh giá, nhân rộng diện tích tham gia Đề án.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (thứ 2 từ trái qua) cùng với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang và các đại biểu đánh giá cánh đồng thí điểm tham gia Đề án tại huyện Hòn Đất. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang cho biết, trong năm 2024, tỉnh thực hiện Đề án với tổng diện tích 511 ha. Trong đó, mô hình thí điểm của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) với diện tích 151 ha từ nguồn kinh phí của tỉnh và hỗ trợ của doanh nghiệp.
Cụ thể, mô hình thí điểm ở huyện Tân Hiệp được thực hiện tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội) với diện tích 50 ha, sản xuất trong 2 vụ liên tiếp. Mô hình thí điểm ở huyện An Minh được thực hiện trên mô hình lúa - tôm tại Hợp tác xã Dịch vụ Tôm Cua Lúa Thạnh An, với diện tích 11 ha.
Mô hình được thực hiện theo hướng “lúa hữu cơ - tôm sinh thái”, tiến tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và tăng trưởng xanh. Mô hình thí điểm này sẽ có nhiều điểm mới, nông dân sẽ có những thay đổi về tập quán sản xuất, giảm chi phí đầu tư thông qua việc giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm vật tư đầu vào và sản xuất giảm phát thải. Mô hình còn lại được thực hiện tại huyện Giồng Riềng với diện tích 50 ha.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng thí điểm tham gia Đề án được Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang triển khai thực hiện tại huyện Hòn Đất. Ảnh: Trung Chánh.
Mô hình thí điểm của tỉnh với diện tích 250 ha từ nguồn kinh phí của tỉnh gồm các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Giang Thành, Gò Quao và Châu Thành, mỗi huyện 50 ha. Mô hình Dự án Khuyến nông Quốc gia từ nguồn kinh phí của Trung ương thực hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với diện tích 100 ha tại huyện Giồng Riềng và Gò Quao, mỗi huyện 50 ha. Các điểm mô hình này thực hiện quy trình canh tác lúa theo Đề án, áp dụng 100% diện tích cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ gồm sạ hàng, sạ cụm, sạ cụm kết hợp bón vùi phân, sạ drone.
Nông dân tham gia thực hiện các mô hình thí điểm được tham gia các lớp tập huấn về “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” (theo Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27/3/2024 của Cục Trồng trọt) áp dụng cho canh tác lúa trong Đề án. Theo đó, áp dụng quy trình sạ thưa với lượng giống gieo sạ 70 kg/ha, sử dụng tiết kiệm phân bón, giảm lượng nước tưới theo quy trình và có lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước để giảm phát thải. Sau khi thu hoạch lúa, rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng hoặc băm nhỏ rơm rạ và cày vùi kết hợp với xử lý chế phẩm vi sinh phân hủy nhanh thành phân bón hữu cơ.
Những kết quả khả quan
Theo kết quả đánh giá cánh đồng thí điểm đầu tiên tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa trên diện tích 50 ha, trong vụ lúa thu đông 2024, đã giảm 15% chi phí đầu vào. Trong đó, giảm 30% lượng lúa giống gieo sạ, giảm 57% phân bón trong mô hình, giảm 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%. Nhờ đó, đã giảm giá thành sản xuất trung bình khoảng 900 đồng/kg lúa. Kết quả giảm phát thải tại mô hình thí điểm từ 7,5-8,1 tấn CO2 quy đổi/ha. Lợi nhuận trung bình đạt hơn 25 triệu đồng/ha, tăng hơn so với đối chứng hơn 6 triệu đồng/ha và gia tăng lợi nhuận 32% so với ngoài mô hình.

Trong vụ đông xuân 2024-2025, giống lúa ĐS1 được đánh giá mang lại cho nông dân tỷ suất lợi nhuận cao nhất tại các cánh đồng thí điểm tham gia Đề án trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.
Vụ đông xuân 2024-2025, tỉnh Kiên Giang thực hiện 10 mô hình thí điểm tại các địa phương với tổng diện tích 461 ha. Các điểm thực hiện áp dụng tốt “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” với kết quả thu được rất khả quan. Hiện tại các điểm thực hiện mô hình đã thu hoạch xong, do điều kiện thời tiết vụ đông xuân khá thuận lợi, năng suất trung bình 8,2 tấn/ha, giá bán 6.700 đồng/kg, riêng giống lúa ĐS1 giá bán 8.000 đồng/ha. Tổng thu trung bình đạt gần 60 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 38 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận so với đối chứng hơn 7 triệu đồng/ha.

Nông dân thực hiện biện pháp thu gom, đưa rơm ra khỏi ruộng nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Trung Chánh.
Theo mục tiêu của Đề án thì hiệu quả kinh tế thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40% (vào năm 2025) và 50% (đến năm 2030), các mô hình thực hiện đều có tỷ suất lợi nhuận rất cao, vượt hơn hẳn so với mục tiêu đề ra. Lượng phát thải khí nhà kính giảm từ 8,6-13 tấn CO2 quy đổi/ha so với phát thải cơ sở. Đây là tín hiệu rất khả quan tạo đà cho ngành lúa gạo tỉnh Kiên Giang chuyển đổi theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Mở rộng diện tích tham gia Đề án
Thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 16/1/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Đề án, đến nay tổng diện tích các huyện thực hiện là 78.254 ha. Địa bàn thực hiện gồm các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, An Minh, U Minh Thượng, An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Kiên Lương, Giang Thành, Gò Quao, Vĩnh Thuận và TP Rạch Giá, với trên 37.600 thành viên các hợp tác xã tham gia.

Nông dân áp dụng biện pháp băm rơm kết hợp xử lý vi sinh và cày vùi rơm rạ để phân hủy nhanh thành phân bón hữu cơ tại ruộng. Ảnh: Trung Chánh.
Tại các cánh đồng, nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bền vững, như: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, SRP, hữu cơ… đạt 100% diện tích. Theo đó, nông dân đã giảm lượng giống gieo sạ còn từ 70-100 kg/ha. Nông hộ áp dụng thành công quy trình tưới ngập khô xen kẽ (AWD), từ 2-3 lần/vụ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay nông dân đang gặp phải là việc thiếu thiết bị cơ giới để thu gom, di chuyển rơm rạ ra khỏi ruộng. Mới có khoảng 60% diện tích đã thực hiện được nông dân xử lý bằng chế phẩm vi sinh kết hợp cày vùi tại ruộng hoặc thu gom rơm ra khỏi ruộng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, với mục tiêu năm 2025 sẽ đạt 100.000 ha tham gia Đề án. Sau đó, tiếp tục nhân rộng trong các năm tiếp theo, với mục tiêu đến năm 2030 đạt diện tích 200.000 ha như đã đăng ký.