Giống lúa OM của Viện lúa ĐBSCL thường xuyên gặp tình trạng vi phạm bản quyền - ảnh HĐ |
Song, thực trạng vi phạm bản quyền và luật sở hữu trí tuệ về cây giống còn khá phổ biến, khó xử lý, cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Ngày 27/12, tại Sóc Trăng, Cục Trồng trọt tổ chức Hội nghị “Thực trạng công tác quản lý giống cây trồng và đề xuất giải pháp trong thời gian tới tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL”. Đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt-BVTV và cán bộ Thanh tra Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL tham dự, đóng góp ý kiến đề xuất các giải pháp quản lý giống cây trồng chặc chẽ, hữu hiệu hơn.
Trong những gần đây trên nền tảng hàng chục Trung tâm giống cấp tỉnh, cùng với vài trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD) giống ở ĐBSCL đã góp phần tạo tạo nhiều chuyển biến, phát triển.
Nhiều nông dân nhận ra việc ứng dụng giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng đưa vào SX đóng vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong mỗi vụ mùa.
Tuy nhiên, hệ thống SXKD giống hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, do đặc điểm sinh thái, cơ cấu giống cây trồng ở các vùng có sự khác nhau. Trong SX và cung ứng giống các loài cây trồng ở ĐBSCL được SX, phân phối theo hai hệ thống chính, một là hệ thống giống chính quy (các Viện trường, Trung tâm giống Trung ương và địa phương) và hệ thống không chính quy (SX giống nông hộ).
Ở Nam bộ có đặc điểm khác biệt, nhất là trong việc chọn tạo, SXKD và sử dụng giống lúa thuần trong SX. Từ những năm 2008 đến 2010 ở vùng ĐBSCL bắt đầu hình thành hệ thống giống nông hộ gồm các HTX, Tổ hợp tác, Câu lạc bộ và hàng trăm ngàn hộ nông dân tham gia SX giống. Họ SX rồi tự để giống cho mình, trao đổi, mua bán giống với nhau trong cộng đồng dân cư nơi sinh sống, hoặc ký kết hợp đồng liên kết SX giống cho các đơn vị thuộc hệ thống giống chính quy.
Đến những năm 2018, 2019, tổng lượng giống lúa xác nhận (XN1) và giống tốt của hệ thống nông hộ đạt 330.000-350.000 tấn giống/năm và tỷ lệ sử dụng giống XN và giống tốt ở ĐBSCL ước đạt 60-65% trong tổng số hạt giống sử dụng ở ĐBSCL khoảng 520.000 tấn giống/năm.
Dù vậy, với số lượng rất nhiều các đơn vị nhỏ lẻ, kinh doanh không chính quy, nên đã và đang phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong SX cũng như quản lý giống lúa.
Điển hình một số vấn đề tồn tại trong SX và buôn bán giống ở các tỉnh phía Nam như: Vi phạm bản quyền giống diễn ra khá phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt các giống chủ lực có bản quyền như Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, OM5451, ST24, RVT, OM18…
Tất cả các DN SXKD giống ở ĐBSCL hiện nay đều thực hiện tự công bố hợp quy dẫn đến một số vấn đề tồn tại, có thể dẫn đến nguy cơ không sử dụng giống gốc (siêu nguyên chủng - SNC và nguyên chủng-NC) được xác nhận trong sản xuất giống.
Hội nghị bàn giải pháp về công tác quản lý giống cây trồng - ảnh HĐ |
Theo Trung tâm Giống khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, nhiều đơn vị chưa tuân thủ đúng quy trình kiểm định, lấy mẫu và gửi mẫu thử nghiệm. Sau khi công bố và được chấp nhận công bố hợp quy, nhiều đơn vị SXKD quy mô nhỏ không lấy mẫu hoặc thuê người lấy mẫu và gửi mẫu đến các phòng thử nghiệm để kiểm nghiệm chất lượng.
Mặt tồn tại hiện thời là chưa có cơ chế giám sát việc thực hiện tự công bố hợp quy của các đơn vị SXKD giống lúa, nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan. Trong khi đó các đại lý phân phối giống có ảnh hưởng chi phối đến người mua hạt giống.
Trong đó có hiện tượng một số tiếp tay cho tổ chức cá nhân SXKD vi phạm bản quyền và cung ứng hạt giống không qua đánh giá chất lượng và công bố hợp quy. Đa số giống nông hộ SXKD chưa được kiểm soát chất lượng theo quy định hiện hành. Hiện nay cấp giống lúa XN2 không tồn tại trong hệ thống SXKD giống lúa ở Nam bộ.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của cán bộ Thanh tra ngành nông nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang…nêu rõ những bất cập trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm. Trong đó đáng lo ngại và rắc rối là cơ sở KD giống nhưng không SX giống. Một số vụ buôn bán lúa giống nhưng đóng bao đựng lúa in trên bao bì là lúa lương thực gọi nên rất khó kiểm tra xử phạt.
Sau khi ghi nhận nhiều ý kiến phân tích những mặt hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý giống, Cục Trồng trọt đề xuất nhóm giải pháp về quy phạm pháp luật, trong đó cần tăng cường vai trò của các Hiệp hội, Hội giống cây trồng trong việc chức SX, cung ứng đủ nguồn giống cây trồng đảm bảo chất lượng với giá hợp lý phục vụ SX.
Đối với nhóm giải pháp về kỹ thuật, các địa phương chú trọng khuyến cáo nông dân áp dụng giảm lượng giống gieo sạ để giả, áp lực khối lượng giống cung cấp cho mỗi vụ SX và cả năm. Xây dựng và củng cố hệ thống nhân giống trong huyện, xã từ những HTX có năng lực, hợp tác với các DN SXKD đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu chung về chất lượng và phẩm cấp giống. Đồng thời mỗi tỉnh chủ động về cơ cấu giống và chủ động khuyến cáo, sắp xếp, liên kết SX và cung ứng gióng trong địa bàn theo nhu cầu SX và tiêu thụ.