| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào cho sự phát triển chăn nuôi gia cầm

Thứ Ba 25/02/2020 , 14:42 (GMT+7)

Dự báo đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Ngành chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ngành chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040, Bộ NN- PTNT đặt ra mục tiêu mức tăng trưởng giai đoạn 2020-2025 trung bình 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình 3-4%/năm. Theo đó, đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Phần lớn sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất ở những trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Vậy giải pháp nào cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nước ta từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2040? Theo chúng tôi, có thể nhận diện những nhân tố chính sau đây ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá trong chăn nuôi giai đoạn tới để từ đó đề ra các nhóm giải pháp phù hợp.

Các chủ thể sản xuất

Cần phải xác định đúng chủ thể sản xuất chính trong lĩnh vực chăn nuôi trong giai đoạn tới là ai? Hiện nay, các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong chăn nuôi nói riêng chủ yếu là hộ nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và những năm sắp tới các đối tượng đó vẫn là những chủ thể sản xuất chính trong ngành chăn nuôi.

Một thực trạng là điều kiện sản xuất của các chủ thể, nhất là các hộ nông dân còn rất non yếu. Tiến hành sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới, các chủ thể sản xuất chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, thị trường…

Gần đây, Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách mới trong nông nghiệp, nhờ đó đã khơi dậy những tiềm năng sản xuất đối với hộ nông dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu. Để sản xuất chăn nuôi phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, Nhà nước cần phải tiếp tục có các chính sách đối xử phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng chủ thể sản xuất nêu trên. Vì hộ nông dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là hai chủ thể sản xuất chính trong ngành chăn nuôi trong những thập kỷ tới.

Trong nền kinh tế thị trường, sức lao động là một trong hai yếu tố cơ bản cấu thành quá trình sản xuất và tái sản xuất nông nghiệp.

Mở rộng thị trường lao động chính là môi trường tạo nên sự chuyển dịch người lao động từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ việc làm không hiệu quả sang việc làm có hiệu quả hơn, tạo điều kiện để phân bố sức lao động hợp lý, phù hợp với khả năng, trình độ của người lao động trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Chính sự phân công lao động và chuyên môn hóa lao động trong nông nghiệp là cơ sở và là điều kiện để hình thành và phát triển chăn nuôi hàng hóa. Thị trường lao động có phát triển hay không, nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào trình độ dân trí, khả năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp, tính chất cần cù, thông minh của người lao động.

Trên trực tế, trình độ của người sản xuất kinh doanh trong chăn nuôi hàng hóa phải cao hơn người sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế tự cung tự cấp, biểu hiện họ là những người dám kinh doanh làm giàu cho mình và cho xã hội, họ dám bỏ sức lực và tiền của vào sản xuất loại hàng hóa có hiệu quả nhất.

Để thực hiện điều đó, người sản xuất cần phải có những kiến thức cơ bản về khoa học - công nghệ, về quản trị kinh doanh, biết tiếp cận và nghiên cứu thị trường, nhận biết nhu cầu của thị trường, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Nhân tố về thị trường

Ngày nay chăn nuôi hướng tới mục đích chính là sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, nên điều kiện về thị trường giữ vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngành hàng này. Thị trường vừa là điều kiện, vừa là môi trường của kinh tế hàng hóa.

Nó thừa nhận giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa cũng như khối lượng sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ trên thị trường, đồng thời điều tiết (thúc đẩy hoặc hạn chế) quan hệ kinh tế của cả người quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Chính “phong vũ biểu” giá cả thị trường sẽ cung cấp tín hiệu, thông tin nhanh nhạy để điều tiết hành vi kinh tế của các chủ thể sao cho có lợi nhất. Thông qua sự vận động của giá cả, thị trường có tác dụng định hướng cho người sản xuất điều chỉnh quy mô sản xuất, thay đổi mặt hàng, thay đổi kỹ thuật công nghệ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Thị trường ngày càng phát triển sẽ góp phần làm cho sản phẩm chăn nuôi ngày càng đa dạng, phong phú. Thị trường cũng lựa chọn, đòi hỏi cao về số lượng và chất lượng, phong phú về chủng loại sản phẩm chăn nuôi. Điều kiện về thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào của sản xuất và thị trường sản phẩm đầu ra.

Thị trường đầu vào bao gồm đất đai, vốn, lao động, công nghệ …, trong đó đặc biệt là thị trường đất và lao động. Trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, đất đai tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ra sản phẩm, nó là đối tượng lao động không thể thay thế được. Hiệu quả của sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng đất đai.

Việc cho phép người chăn nuôi được quyền sử dụng đất sản xuất lâu dài thì nguồn tài nguyên đất đai mới sử dụng có hiệu quả, phát huy hết khả năng kinh doanh nông nghiệp của mình. Mặt khác, quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến đất đai vận động theo hướng tập trung, hình thành nên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, đem lại lợi nhuận cao.

Trong quá trình công nghiệp hoá, sự biến đổi của cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại sẽ làm tăng chỉ tiêu đất đai bình quân một nhân khẩu, hay một lao động. Đồng thời, tiến bộ của khoa học và công nghệ cũng sẽ làm cho chỉ tiêu này ngày càng ít quan trọng hơn đối với sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.

Việc xây dựng thị trường đầu ra cho chăn nuôi hàng hóa là cơ sở để các trang trại, doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Trong nền sản xuất hàng hóa, sản phẩm sản xuất ra là nhằm để bán và trao đổi trên thị trường.

Do vậy, điều kiện cơ bản để các chủ thể kinh tế trong chăn nuôi tiến hành hoạt động kinh doanh của mình là phải xác định được thị trường đầu ra, tìm kiếm được khách hàng và lựa chọn được phương thức tiêu thụ sản phẩm.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi rất đa dạng và phong phú, đó có thể là các doanh nghiệp công nghiệp (các cơ sở công nghiệp chế biến), các doanh nghiệp thương mại (các nhà bán buôn, bán lẻ, các đại lý...) và những người tiêu dùng, sản phẩm chăn nuôi thông qua các chợ, các đại lý tiêu thụ, các cơ sở chế biến công nghiệp tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các nhà xuất khẩu.

Khả năng khai thác và mở rộng thị trường trong và ngoài nước của các doanh nghiệp là nhân tố hết sức quan trọng quyết định quy mô và trình độ phát triển chăn nuôi hàng hóa.

Vai trò khoa học và công nghệ 

Khoa học và công nghệ (KH-CN) là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ nền chăn nuôi tự cung, tự cấp sang chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao. Trong thời đại ngày nay, KH- CN có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển sản xuất hàng hoá.

Giá gia cầm sau tết Nguyên đán đang giảm khá sâu.

Giá gia cầm sau tết Nguyên đán đang giảm khá sâu.

Để đánh giá về đóng góp của KH-CN đối với sự phát triển của một quốc gia, các nhà kinh tế thường xem xét dựa trên giá trị của TFP (Total Factor Productivity = Nhân tố năng suất tổng hợp). Cấu thành tăng trưởng bao gồm 3 yếu tố cơ bản là vốn đầu tư, lao động và công nghệ, tri thức, trình độ quản lý (hay gọi là nhân tố năng suất tổng hợp).

Như vậy, nhân tố năng suất tổng hợp là toàn bộ các yếu tố tạo ra tăng trưởng kinh tế mà không giải thích được bằng sự gia tăng của vốn đầu tư (K) hay lao động (L) mà có cả khoa học, tiến bộ kỹ thuật, hiệu quả quản lý,…

Các chuyên gia kinh tế tính toán rằng, giá trị TFP của Việt Nam trong từng khu vực kinh tế là khác nhau. Những năm gần đây, trong khu vực nông nghiệp, giá trị TFP cao nhất khoảng 33%; trong khu vực công nghiêp - xây dựng là 28%; và trong khu vực dịch vụ khoảng 22%.

Trong những năm qua, KH-CN đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực sản xuất chăn nuôi. KH-CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Với sự đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhiều kết quả nghiên cứu KH-CN đã được chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất chăn nuôi như các giống vật nuôi, quy trình công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới.

Từ đó góp phần tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo đánh giá của Bộ NN- PTNT, hiện nay KH-CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt hoạt động KH-CN trong lĩnh vực chăn nuôi giá trị gia tăng đạt 38%. (Còn nữa)

Để KH-CN phát huy vai trò quan trọng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, cần thực hiện các giải pháp sau:

- Thực hiện tốt những đổi mới cơ bản về cơ chế hoạt động KH-CN theo tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, như: Cơ chế đặt hàng, Cơ chế quỹ, Cơ chế khoán, Cơ chế liên kết và Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Tăng cường đầu tư cho KH-CN lĩnh vực NN - PTNT, trong đó tập trung vào việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về KH-CN đến năm 2030, trong đó có một số chương trình quan trọng như: Phát triển sản phẩm quốc gia; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đổi mới công nghệ quốc gia; và các Chương trình quốc gia như: Phát triển công nghệ cao; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Chương trình KH-CN phục vụ phát triển nông thôn mới; Các Chương trình/đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường.

- Để thực hiện thành công Chương trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ngoài các giải pháp về tổ chức lại sản xuất, chính sách về ưu đãi tín dụng, chính sách tổ chức thị trường thì không có cách nào khác là phải đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của KH- CN vào sản xuất kinh doanh, dich vụ.

Phải tăng cường áp dụng các giống cây con mới, đưa kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, công nghệ cao vào sản xuất, đưa công nghệ thông tin vào nông thôn phục vụ kết nối thị trường để các hàng hóa sản xuất từ nông nghiệp, nông thôn có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

- Tăng cường phối hợp hoạt động giữa Bộ KH- CN, Bộ NN- PTNT và các Bộ, ngành khác trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trên.

(nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi)

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.