Cung cấp kiến thức cho nông dân sản xuất cà phê bền vững
Chiều 11/4, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo tổng kết đánh giá dự án xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam. Dự án được triển khai trong năm 2024 - 2025 với mục tiêu chính là thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững tại Việt Nam.

Lãnh đạo các đơn vị chủ trì phần thảo luận tại hội thảo. Ảnh: PC.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển bền vững, đặc biệt là trong quản lý chất thải và sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm.
Hiện nay, quản lý chất thải trong ngành cà phê ở Việt Nam còn nhiều hạn chế do nhận thức của người dân, công nghệ xử lý chưa đồng bộ và thiếu các chính sách hỗ trợ. Chất thải từ sản xuất cà phê (vỏ quả, bã cà phê, nước thải chế biến, bao bì phân bón, thuốc BVTV...) chưa được thu gom và xử lý đúng quy định đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và suy thoái đất do sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV không hợp lý làm mất cân bằng hệ vi sinh vật và phát thải khí nhà kính từ quá trình chế biến và vận chuyển.
Do đó, việc đảm bảo sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải đúng cách là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ từ chính sách đến hành vi của người sản xuất.
Thực hiện các mục tiêu dự án đề ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 360 học viên về bồi dưỡng về thực hành quản lý cỏ dại tiên tiến nhất và thực hành canh tác cà phê tốt, vệ sinh sức khỏe và an toàn lao động cũng như đào tạo kỹ năng cho các thành viên của mạng lưới khuyến nông cộng đồng của 4 tỉnh Tây Nguyên; 2 hội thảo tham vấn với các bên liên quan để tìm giải pháp và chia sẻ trách nhiệm thu gom và quản lý chất thải trong sản xuất cà phê; 2 tọa đàm truyền thông với sự tham gia của 240 đại biểu để phổ biến các kết quả và tác động của dự án.

Ông Lê Quốc Thanh (thứ 2 bên trái), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan gian hàng trưng bày cà phê của Bình Đông Farm. Ảnh: PC.
Qua đó, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ khuyến nông, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng và người sản xuất cà phê về sự cần thiết của các biện pháp thu gom và xử lý chất thải đúng cách, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nắm bắt được các yêu cầu khắt khe của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững của thị trường đối với sản phẩm cà phê.
Cùng với đó, đã trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để áp dụng các quy trình canh tác bền vững, quản lý vật tư nông nghiệp hiệu quả và thực hiện thu gom, xử lý chất thải ban đầu tại nông hộ. Lực lượng khuyến nông cộng đồng đã được củng cố và nâng cao năng lực hoạt động cho các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng.
Các hội thảo tham vấn và tọa đàm đã cung cấp những thông tin và khuyến nghị quan trọng cho các cơ quan quản lý, cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng và các bên liên quan trong việc xem xét và điều chỉnh các chính sách liên quan đến quản lý chất thải và sử dụng vật tư nông nghiệp bền vững trong sản xuất cà phê.
Sản xuất thân thiện môi trường
Với diện tích khoảng 176 nghìn ha, sản lượng đạt gần 600 nghìn tấn/năm, trong những năm qua, để nâng cao giá trị cho ngành hàng cà phê, Lâm Đồng đã tập trung phát triển sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn chứng nhận đạt trên 86 nghìn ha như: Chứng nhận hữu cơ, VietGAP, 4C…

Lâm Đồng đã tập trung phát triển sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn chứng nhận đạt trên 86 nghìn ha như: Chứng nhận hữu cơ, VietGAP, 4C… Ảnh: PC.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cho biết, hàng năm, nông dân canh tác cà phê của tỉnh đã sử dụng trên 350 nghìn tấn phân bón, trong đó phân bón hữu cơ khoảng 140 nghìn tấn, phân bón vô cơ trên 200 nghìn tấn. Ngoài việc sử dụng phân bón thì việc sử dụng thuốc BVTV hóa học phổ biến nếu không được thu gom, xử lý đúng quy trình sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.
“Chính vì thế, những năm qua lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm chỉ đạo sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường thông qua các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Qua đó, sản phẩm nông sản nói chung và mặt hàng cà phê nói riêng luôn đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho hay.
Minh chứng rõ nhất tại Bình Đông Farm với vùng canh tác và sản xuất cà phê rộng 111ha ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Trong đó, 90ha chuyên canh cây cà phê, hơn 5ha ao hồ, 2,5ha là diện tích nhà xưởng…

Khu vực sơ chế vỏ cà phê để ủ làm phân bón của Bình Đông Farm. Ảnh: PC.
Để nâng cao giá trị cà phê, biến cà phê thường thành sản phẩm có giá trị cao hơn trên thị trường, Bình Đông Farm quyết định chuyển từ sản xuất truyền thống qua cà phê chất lượng cao. Quá trình này được thực hiện theo hình thức sản xuất hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, không sử dụng thuốc trừ cỏ, cung cấp dinh dưỡng cân bằng giữa hữu cơ và vô cơ.
Ông Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Fam cho biết, không chỉ cải thiện chất lượng cà phê nguyên liệu, quy trình chế biến cà phê cũng được cải tiến. Bình Đông Farm tận dụng nguyên lý dòng chảy của lực nước để rửa, loại bỏ các tạp chất và cà phê không đạt chất lượng, ưu tiên lựa chọn các loại máy xát vỏ cho sản xuất không dùng nước (hoặc chỉ sử dụng ở mức tối thiểu). Vỏ cà phê sau khi sơ chế sẽ được tận dụng kết hợp với các chế phẩm sinh học để ủ, sau khi được đảo đều và ủ từ 3 - 5 tháng sẽ được dùng để bón ngược lại cho cây trồng.
Nước rửa của quy trình sơ chế sẽ được chảy vào 3 hồ lắng và Farm sử dụng thêm các chủng men vi sinh giúp xử lý nhanh chóng các chất hữu cơ trong chất thải và tăng cường hiệu quả xử lý nước thải. Nước thải sau khi được xử lý qua 3 hồ lắng mới được dẫn ra hệ thống nguồn nước bên ngoài và được tận dụng để làm nước tưới cho cây cà phê.

Ông Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Fam trình bày kết quả xử lý nước thải trong sản xuất cà phê bền vững của Farm tại hội thảo. Ảnh: PC.
“Thông qua việc canh tác và sản xuất cà phê bền vững đã giúp sản lượng cà phê tăng từ 3 - 4 tấn/ha lên 5 - 6 tấn/ha, chất lượng được cải thiện rõ rệt, lượng đường trong trái tăng. Bên cạnh đó, lượng khách hàng quốc tế ngày càng tăng, cà phê của Bình Đông Farm hiện đã xuất khẩu đi các nước: Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, NewZealand, Hàn Quốc…”, ông Nguyễn Thanh Lộc cho hay.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân, hợp tác xã kết nối các doanh nghiệp, chú trọng vào giải pháp an toàn và bền vững, đặc biệt đối với các chuỗi ngành hàng có giá trị xuất khẩu.
“Năm vừa qua, nước ta xuất khẩu cà phê trên 5 tỷ USD, mặc dù sản lượng giảm nhưng giá trị của ngành cà phê đang được tăng lên. Đây là minh chứng cho việc chúng ta đã tiếp cận được với các chuỗi sản xuất nâng cao giá trị của sản phẩm thông qua việc tiếp cận với nền sản xuất vừa bền vững, chất lượng và tăng trưởng xanh”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.
Năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về khối lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2024 ước đạt 4.151 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.