| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp phòng, chống sâu keo mùa thu

Thứ Năm 25/07/2019 , 10:30 (GMT+7)

Ngày 24/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Sơn La tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô”.

Hơn 15.000ha ngô bị nhiễm

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh trên toàn quốc, đến ngày 12/7 tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại trên ngô Hè thu cả nước là 15.581ha; nhiễm nặng 2.511ha.

13-23-47_nh_1
Lãnh đạo các đơn vị kiểm tra thực tế những diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại.

Trong đó, các tỉnh phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra, gồm 13 tỉnh), diện tích nhiễm toàn vùng 7.053ha, nặng 382ha. Có 4 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ nhiễm 336ha, nhiễm nặng 23ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhiễm 7.674ha, nhiễm nặng 2.097ha. Các tỉnh Đông Nam Bộ nhiễm 519ha, nhiễm nặng 9ha.

Từ tháng 3/2019 đến nay, qua theo dõi, đánh giá mức độ hại ở nhiều tỉnh cho thấy, mặc dù giai đoạn ngô non 5 - 9 lá bị sâu keo mùa thu gây hại nhưng ngô vẫn trổ cờ; phun râu bình thường. Khi cây ngô hình thành bắp vẫn bị sâu gây hại nhưng ít ảnh hưởng đến năng suất hạt.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, sâu keo mùa thu đã xuất hiện trên 37 tỉnh, thành trong cả nước. Hai vùng có diện tích nhiễm lớn nhất là Bắc Bộ và Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Hiện công tác phòng chống sâu keo mùa thu đang gặp một số khó khăn như: Đối với sâu keo mùa thu tuổi 1 - 2, các thuốc BVTV rất hiệu quả. Tuy nhiên, ở tuổi trưởng thành, sâu sống khỏe, đẻ trứng nhiều, đẻ rải rác… Do vậy trong cùng thời điểm sâu non có nhiều tuổi khác nhau dẫn đến hiệu quả của thuốc bị giảm.

Ngoài ra, một số địa phương có địa hình đồi núi, độ dốc lớn hoặc xa nguồn nước, rất khó khăn cho nông dân khi phun trừ sâu keo mùa thu bằng thuốc BVTV. Thời gian trồng ngô kéo dài, liên tục xuống giống, ở vùng đồng bằng ngô sinh trưởng quanh năm tạo điều kiện cho nguồn sâu keo mùa thu lây lan từ vụ trước sang vụ sau.

Tại Sơn La, vựa ngô lớn nhất cả nước, từ tháng 3/2019, sâu keo mùa thu bắt đầu hoành hành và gây hại trên diện tích ngô trồng ủ ướp thức ăn gia súc thuộc huyện Mộc Châu với diện tích 3ha. Mật độ phổ biến 2 - 3 con/m2, cao 10 - 12 con/m2.

13-23-47_nh_2
Nhiều diện tích ngô trên địa bàn Sơn La bị sâu keo mùa thu tàn phá khủng khiếp.

Sâu keo mùa thu phá hoại ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Tại một số diện tích trồng ngô, do bị ảnh hưởng nặng, bà con nông dân đã phải nhổ bỏ đi để trồng lại.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La thông tin, sâu keo mùa thu gây hại trên địa bàn tỉnh có tốc độ lây lan nhanh, trên diện tích rộng, có nhiều lứa sâu trên đồng ruộng.

Mức độ gây hại mạnh, khả năng di trú xa, nhất là di trú theo gió với khoảng cách rất xa nên chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết các trà ngô của tỉnh đều bị sâu keo mùa thu gây hại. Do đó, gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát, ngăn chăn và tổ chức phòng trừ.
 

Giải pháp

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Sâu keo mùa thu là đối tượng gây thiệt hại mạnh trên cây ngô. Đến nay, tất cả các vùng ngô lớn trên cả nước đều bị sâu keo mùa thu tàn phá. Thời gian đầu, nhiều diện tích ngô bị mất trắng.

13-23-47_nh_3
Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn.
Tại diễn đàn, Ban tổ chức cùng Ban cố vấn để giải đáp hơn 40 câu hỏi cho bà con nông dân đang canh tác ngô. Các câu hỏi tập trung vào dịch bệnh, thuốc BVTV, giải pháp phòng chống sâu keo mùa thu, giống ngô kháng cao…

Sâu trưởng thành, 1 đêm di chuyển theo gió đến hàng trăm km và đẻ nhiều lần, từ 1 - 2 nghìn trứng nên sự lưu truyền từ vùng này sang vùng khác rất dễ dàng. Với sâu non, phá hoại trên mọi thời kỳ sinh trưởng của cây ngô, tỷ lệ trứng nở thành sâu trên 80%.

Đây là đối tượng sâu hại mới ở nước ta nên chưa có nhiều kết quả nghiên cứu đầy đủ; đặc biệt là biện pháp phòng, chống phù hợp trong điều kiện SX hiện nay. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra, cần phải thực hiện tốt các giải pháp. Cụ thể:

Tiếp tục, theo dõi, đánh giá, nghiên cứu, xác định những đặc tính sinh học, đặc tính sinh sống, đặc điểm phá hoại của sâu keo mùa thu để cập nhật, hoàn thiện, bổ xung quy trình canh tác phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô…

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để ngăn chặn thiệt hại, áp dụng các TBKT như giống ngô mới, các thuốc BVTV hiệu quả, các biện pháp bẫy bả, biện pháp sinh học, biện pháp thủ công. Điều chỉnh thời vụ gieo trồng ngô.

Xây dựng mô hình SX ngô, áp dụng các TBKT về giống ngô, kỹ thuật canh tác, cơ cấu cây trồng, thuốc BVTV tại vùng đang có dịch hại để truyên truyền nhân rộng ra SX.

Tiếp tục mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao, năng lực cho hệ thống khuyến nông cơ sở để tư vấn cho bà con nông dân cách phòng trừ sâu keo mùa thu.

13-23-47_nh_4
Ban Chủ tọa tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, để phòng trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng diện tích trồng ngô. Nắm bắt tình hình sâu gây hại đang diễn ra ở diện tích nào để có kế hoạch phòng, chống tốt nhất. Đặc biệt, đưa cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến xã cùng vào cuộc.

Ngoài ra, thông tin tuyên truyền tới bà con nông dân, để họ hiểu được những đặc tính, sức tàn phá của loài sâu này. Hướng dẫn bà con sử dụng bẫy bả chua ngọt để tiêu diệt sâu trưởng thành, nhằm giúp điều tra, phát hiện sớm sự xuất hiện của loài sâu này ở ngoài đồng và nhằm giảm bớt mật độ trưởng thành sâu keo mùa thu…

Theo ông Dương, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp rất quan trọng. Hiện đơn vị đang làm việc với FAO đề nghị triển khai 1 dự án về phòng trừ sâu keo mùa thu và FAO đang rất quan tâm đến biện pháp phòng trừ sinh học.

“Do chưa có thuốc BVTV nào được đăng ký để tiêu diệt sâu keo mùa thu, vì vậy đơn vị đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng tạm thời 4 hoạt chất thuốc BVTV, trong đó có 1 thuốc BVTV sinh học”, ông Nguyễn Quý Dương cho biết thêm.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.