Sâu keo mùa thu được mệnh danh là loài “không thể tiêu diệt” bởi sức sống khỏe, lan nhanh như gió. Sau khi vào Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn sâu keo mùa thu đã có mặt trên gần 40 tỉnh, thành khắp cả nước. Đối tượng gây hại chính là cây ngô...
Yếu tố quyết định: Phát hiện sớm
Chuyến thị sát sâu keo mùa thu của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT diễn ra tại Gia Lai.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình sâu keo hại ngô tại thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro (Gia Lai). Ảnh: Đăng Lâm. |
Một ruộng ngô ở thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, bị sâu keo mùa thu tấn công. Toàn bộ cây ngô đều bị sâu cắn, các lá thủng lỗ chỗ, te tua, thê thảm. Vạch đọt ngô cây nào cũng có 1 - 2 con sâu tuổi 3 tuổi 4 lớn bằng cỡ nửa đầu đũa nằm sâu trong nõn đùn phân rất nhiều, biểu hiện đặc trưng loài phàm ăn với sức cắn phá ghê gớm.
Đây là ruộng ngô phát hiện sâu tấn công quá muộn, sâu đã chui sâu trong nõn, lúc này phun thuốc phòng trừ không mấy hiệu quả.
Cũng tại Kông Chro, đoàn công tác chứng kiến nhiều ruộng ngô vẫn an toàn trước dịch sâu keo mùa thu nhờ phát hiện, phun thuốc diệt trừ ngay khi sâu tuổi nhỏ.
Đặc điểm sâu keo mùa thu, sâu non có 6 tuổi kéo dài 14 - 21 ngày, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp pha sâu non có thể kéo dài khoảng 30 ngày. Sâu non mới nở ăn biểu bì mặt dưới lá non gây các vết loang lổ rất đặc trưng, dễ nhận biết, lúc này nếu mật độ sâu lớn cần phun trừ ngay. Nếu để sâu tuổi lớn di chuyển đến đọt đục lỗ chui vào nõn, phun phòng hiệu quả thấp.
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung kiểm tra tình hình sâu keo hại ngô tại Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm. |
Dự báo tình hình phát sinh gây hại trong thời gian tới: - Đến đầu tháng 7/2019, ngô hè thu tiếp tục xuống giống nên trong thời gian tới diện tích nhiễm sâu keo mùa thu sẽ tăng. Hiện nay, ngô hè thu chủ yếu đang giai đoạn ngô non (mới trồng - 9 lá - phát triển bắp) là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu keo mùa thu. - Cuối tháng 9 - tháng 10/2019 ngô đông sớm xuống giống có khả năng sẽ tiếp tục bị sâu keo mùa thu gây hại. |
Theo GS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), sâu keo mùa thu là đối tượng sinh vật ngoại lai xâm hại mới xuất hiện nhưng đã xác lập được quần thể ở nhiều vùng sinh thái nước ta.
Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) cùng giống với nhiều đối tượng gây hại phổ biến ở nước ta như sâu khoang (Spodoptera litura), sâu keo lúa (Spodoptera mauritia), sâu keo da láng (Spodoptera exigua), nên về cơ bản bài học kinh nghiệm phòng chống các đối tượng này là giống nhau.
Theo GS Sơn, sâu keo mùa thu phân bố rộng, minh chứng là sau khi xuất hiện thời gian ngắn đã có mặt ở 36 tỉnh, thành trải đều trên các vùng sinh thái cả nước. Tuy vậy chúng lại gây hại theo từng ổ dịch nhỏ.
Cụ thể, dù đã có nhiều tỉnh có sự xuất hiện sâu keo mùa thu nhưng trên tổng số khoảng gần 530.000ha ngô vụ hè thu của cả nước thì chưa đến 15.000ha nhiễm sâu keo mùa thu và diện tích nhiễm nặng chỉ trên 2.500ha. Nghĩa là chúng không lan mạnh kiểu như sâu cuốn lá trên lúa, khi đã bị là có thể bị cả cánh đồng. Đó là cơ hội để cô lập, tiêu diệt các ổ dịch, không để lan rộng.
Một đặc điểm nữa, đây là loài rất phàm ăn, quan sát nơi sâu cắn sẽ thấy phân đùn khắp nơi. Ở Hải Dương nông dân gọi là con sâu tằm vì ăn khỏe như tằm, hệ số thức ăn lớn nên gây hại lớn.
Chúng ăn về đêm, ban ngày ẩn náu khá kín, chui vào các kẽ lá, đọt, vào râu, bắp… Nếu phun thuốc không đúng hiệu quả sẽ thấp. Chúng lại rất nhanh kháng thuốc nên cần phải thường xuyên đổi thuốc phòng trừ.
Bướm sâu keo mùa thu đẻ trứng theo ổ, ổ gọn, tập trung nên dễ bị phát hiện. Ngắt ổ trứng là biện pháp diệt trừ hiệu quả. “Chỉ cần đặt bẫy chua ngọt, nếu bướm sâu keo mùa thu dính bẫy thì 7 ngày sau kiểm tra và tổ chức phun phòng luôn bởi đó là lúc trứng nở ra sâu non, phun lúc này là hiệu quả nhất. Ngoài ra, bộ thiên địch sâu keo mùa thu là khá lớn: Bọ đuôi kìm, ong ký sinh, bọ rùa, một số loài nấm ký sinh, tuyến trùng… Cần ưu tiên dùng thuốc sinh học để có lợi cho thiên địch”, GS Nguyễn Hồng Sơn phân tích.
Các tỉnh xuất hiện sâu keo mùa thuTheo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trên toàn quốc đến ngày 12/7/2019, tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại trên ngô hè thu là 15.582ha, nhiễm nặng 2.511ha, diện tích phòng trừ 7.227ha, cụ thể: - Các tỉnh phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra): Diện tích nhiễm toàn vùng là 7.053ha, nặng 382ha. Phân bố ở 13 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Cao Bằng. - Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Diện tích nhiễm toàn vùng là 336ha, nặng 23ha. Phân bố ở 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. - Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Diện tích nhiễm toàn vùng là 7.675ha, nặng 2.097ha. Phân bố ở 12/13 tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông. - Các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL: Diện tích nhiễm toàn vùng là 519ha, nhiễm nặng 9ha. Phân bố ở 9 tỉnh là Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long. |
Lập tổ tư vấn, tối ưu quy trình phòng trừ sâu keo mùa thu
Tại Gia Lai, Bộ NN-PTNT cùng 13 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên họp bàn giải pháp phòng chống sâu keo mùa thu. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, quan sát thực tế thấy sức tàn phá ghê gớm của sâu keo mùa thu, cây ngô bị chúng hại coi như mất năng suất. Tuy nhiên, như các chuyên gia đánh giá, chúng cũng dễ trừ nhất là khi sâu tuổi nhỏ vì vậy rất cần công tác dự tính dự báo, đặc biệt khích lệ nông dân thăm đồng thường xuyên.
Ngô bị sâu keo mùa thu gây hại. Ảnh: Đăng Lâm. |
Vừa qua việc nhiều địa phương nhập các trạm BVTV về trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thậm chí có tỉnh còn sáp nhập cả chi cục BVTV, công tác nhân sự, việc điều tra dự tính dự báo sâu bệnh theo phản ánh có sự trì trệ, công tác phòng chống dịch vì thế có khó khăn hơn.
“Bảo vệ thực vật cùng với Thú y là 2 ngành được xây dựng về mặt tổ chức rất tốt và phải mất rất nhiều năm mới kiện toàn, ổn định được”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Kinh nghiệm phòng chống dịch vàng lùn, lùn xoắn lá và dịch lùn sọc đen phương Nam hại lúa trước đây, là cần tính toán thời vụ hợp lý né đối tượng gây hại đồng thời gieo trồng đồng loạt, phun đúng thời điểm, đặc biệt cắt đứt nguồn lây lan. Cái khó đối với cây ngô trồng ở khu vực miền núi là phải lệ thuộc vào nước trời. Ở Tây Nguyên, mưa đến đâu dân gieo trỉa ngô đến đấy nên rất khó để tổ chức gieo trồng đồng loạt. Những vùng đất độ dốc cao việc phun thuốc trừ sâu khó khăn. Tại miền núi phía Bắc nơi đồi núi cao thậm chí không có nước để pha thuốc phun.
“Cần lập tổ tư vấn với thành phần nòng cốt là các chuyên gia giỏi của Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Trồng trọt, các viện thuộc VAAS để giúp Bộ trong công tác phòng chống sâu keo mùa thu. Trước hết tổ tư vấn trên cơ sở quy trình đã có, tiếp tục hoàn thiện, tối ưu quy trình phòng chống sâu keo mùa thu nhất là kinh nghiệm các địa phương”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Kinh nghiệm Gia LaiDo sâu keo mùa thu có tính di chuyển lây lan nhanh, sức gây hại lớn trong thời gian ngắn, có tính kháng thuốc do vậy biện pháp phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao: Xây dựng lịch trồng ngô tập trung; sử dụng các giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu. Áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng ngô nếp, giống ngô sâu keo mùa thu ưa thích gieo sớm để làm bẫy cây trồng thu hút tiêu diệt nguồn sâu keo gây hại cho vụ ngô trồng đại trà; sử dụng bẫy bả để thu bắt, tiêu diệt trưởng thành; sử dụng bẫy Pheromone giới tính để thu bắt tiêu diệt trưởng thành đực. Thường xuyên điều tra, kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác tình hình gây hại để xử lý triệt để khi sâu ở tuổi 1 và 2 hạn chế tối đa sự lây lan… |
Ngô chuyển gen kháng sâu Bt bị hại không đáng kểNhững ruộng trồng giống ngô chuyển gen Bt (giống NK7328BtGT) tại xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai, hầu như không bị sâu keo mùa thu gây hại trong khi các ruộng ngô thường trong khu vực đều bị gây hại ít nhiều.
Ưa thích sâu keo mùa thu là nhóm ngô nếp, ngô ngọt, sau đấy là nhóm ngô thường. Với giống ngô chuyển gen Bt, theo báo cáo các địa phương nhiễm sâu tỷ lệ rất thấp. Với giống ngô Bt, thông thường nhà sản xuất trộn thêm 5 - 10% ngô thường để dẫn dụ nuôi thiên địch đồng thời tạo nguồn thức ăn, tránh sâu phát sinh tính kháng, nên những ruộng ngô Bt nếu có sâu keo mùa thu xuất hiện thì thường là ở những cây ngô dẫn dụ. |