| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Nông sản ế ẩm vì dịch Covid-19

Thứ Ba 02/02/2021 , 15:05 (GMT+7)

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đang khiến những người nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng gặp khó khăn, nhiều hộ nông dân đứng trước nguy cơ 'mất tết'.

Tiêu thụ thủy sản giảm 1 nửa

Ngày 28/1, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Hải Dương và Quảng Ninh, việc hạn chế đi lại các tỉnh này và một số địa phương có dịch xảy ra khác khiến việc tiêu thụ nông sản và thủy sản của nông dân gặp khó khăn, nhiều nơi ‘bất lực’, phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến dịch bệnh.

Cá đã đến thời kỳ thu hoạch, tuy nhiên hơn 400 hộ nuôi cá lồng bè tại Cát Bà đang gặp khó trong việc tiêu thụ. Ảnh: Đinh Mười.

Cá đã đến thời kỳ thu hoạch, tuy nhiên hơn 400 hộ nuôi cá lồng bè tại Cát Bà đang gặp khó trong việc tiêu thụ. Ảnh: Đinh Mười.

Hợp tác xã Mắt Rồng tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên – thủ phủ cá vược và cá trắm đen của miền Bắc năm nay vắng vẻ lạ thường, không còn cảnh mua bán tấp nập. Mọi năm, dịp tết đến xuân về, các mặt hàng thủy sản nuôi tại đây được thương lái các nơi tập nập về mua rồi đem tiêu thụ tại các chợ ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, về giá cả cũng tăng lên nhưng hiện tại giá cá vược và cá trắm đen đã giảm sâu nhưng nhu cầu thị trường vẫn rất thấp.

Anh Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX Mắt Rồng chia sẻ: “Cả hợp tác xã hiện tại có khoảng 3 nghìn tấn cá vược và cá trắm đen đến thời kỳ thu hoạch, mọi năm sẽ được khách mua nhiều phục vụ tết và biếu tặng. Tuy nhiên năm nay dịch Covid-19 xảy ra đúng dịp nước sôi lửa bòng, nhu cầu giảm hẳn 1 nửa, còn giá cả thì giảm 20%, riêng gia đình tôi mỗi ngày mất vài chục triệu tiền thức ăn cho cá”.

Tại Cát Bà, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang đè nặng lên hơn 400 hộ nuôi cá lồng tại đây. Thủy sản nuôi trên vịnh ngoài tiêu thụ tại các nhà hàng còn được người dân chở bằng tàu, thuyền sang Quảng Ninh để xuất bán sang Trung Quốc. Từ ngày dịch Covid-19 xảy ra, nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng giảm, tiệc tùng, cưới xin cũng hạn chế, mặt khác việc kiểm soát vận chuyển hàng hóa khó khăn khiến những người nuôi cá như ngồi trên đống lửa.

Ông Đinh Như Đang, một trong những người nuôi cá lồng bè nhiều và lâu năm nhất tại vịnh Cái Bèo, Cát Bà cho biết, gia đình ông hiện tại có khoảng 50 tấn cá song, dịch xảy ra không xuất được, việc lưu thông chậm hẳn đi. Các lồng cá hiện tại đều đến kỳ thu hoạc, trọng lượng từ 4-5kg cả, mỗi lần cho cá ăn gia đình ông mất khoảng 20-30 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Thoản, một hộ nuôi cá lồng bè tại Bến Bèo, Cát Bà buồn bã. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Vũ Văn Thoản, một hộ nuôi cá lồng bè tại Bến Bèo, Cát Bà buồn bã. Ảnh: Đinh Mười.

“Thực tế bình thường việc tiêu thụ đã khó khăn, nay dịch bệnh xảy ra việc lưu thông sang Quảng Ninh để xuất sang Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ, nhu cầu nhập cá từ các nhà hàng, tiệc cưới giảm hẳn do việc tụ tập đông người và các hoạt động vui chơi giải trí dừng hoạt động. Do đó, nhu cầu mua bán so với mọi năm giảm đi 60-70%. Cá không như hàng hóa khác, chuyển bằng tàu, không chuyển qua tàu khác được, đợi làm xong các thủ tục thì cá chết hết. Giờ đành chịu theo thị trường và theo tình hình dịch bệnh thôi”, ông Đang bộc bạch.

Người trồng chuối nguy cơ ‘mất tết’

Cùng cảnh ngộ với các hộ nuôi trồng thủy sản, hàng trăm hộ dân trồng chuối tại các xã An Sơn, Liên Khê, Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên), cũng điêu đứng do thương lái đã đặt cọc, nay bỗng dưng tuyên bố dừng thu mua khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Quảng Ninh và Hải Dương.

Ghi nhận tại An Sơn, lãnh đạo UBND xã này cho biết, địa phương diện tích trồng chuối tết lớn nhất huyện Thủy Nguyên với khoảng 32ha, tập trung chủ yếu ở thôn 12. Những năm vừa qua, cây chuối giúp bà con cải thiện đời sống, đã có những gia đình làm giàu lên từ trồng chuối tết.

Một vài thương lái thu mua chuối cho người dân nhưng chỉ chọn những buồng đẹp, giá thấp hẳn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Đinh Mười.

Một vài thương lái thu mua chuối cho người dân nhưng chỉ chọn những buồng đẹp, giá thấp hẳn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Đinh Mười.

Năm nay, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 lần 3, người dân rất hào hứng, hứng khởi vì chuối được mùa, được giá. Các hộ trồng nhiều chuối, từ 1-2 mẫu đều có thương lái đến đặt cọc với giá từ 500-700.000đ/1 buồng.

Tuy nhiên, sau thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 hôm 27/1 trở lại đây, tình trạng vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ khó khăn, nhiều thương lái thông tin sẽ dừng việc thu mua chuối, toàn xã nguy cơ người dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

“Chuối ở xã An Sơn được bà con trồng từ đầu năm, chỉ thu vào dịp tết và tiêu thụ chủ yếu sang Quảng Ninh, nhưng bên đó đang có dịch, các thương lái cũng lo sợ dịch bệnh, nếu sang đó về Hải Phòng phải cách ly nên việc thu mua chuối gần như ngưng lại. Hôm qua, phòng NN-PTNT huyện Thủy Nguyên đã về nắm tình hình và tìm cách tháo gỡ. Trung bình khoảng 20 triệu/1 sào, với 30 ha nếu không tiêu thụ được thì tổng giá trị thiệt hại phải đến vài chục tỷ đồng”, ông Phạm Văn Dậu - Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn chia sẻ.

Tình trạng nông sản ế ẩm không chỉ xảy ra ở Thủy Nguyên mà xảy ra hầu khắp các địa phương tại Hải Phòng, một phần do vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn, một phần do các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm phải ngưng lại do các nhà hàng, bếp ăn, trường học một số dừng hoạt động.

Ông Cao Văn Khương, hộ trồng chuối tại thôn 12, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên lo lắng sẽ phải bỏ đi gần 700 buồng chuối khi thương lái thông tin dừng việc lấy hàng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Cao Văn Khương, hộ trồng chuối tại thôn 12, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên lo lắng sẽ phải bỏ đi gần 700 buồng chuối khi thương lái thông tin dừng việc lấy hàng. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Đồng Thị Doanh, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy bộc bạch, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các đơn hàng rau sạch gần như dừng lại, các trường học và nhà hàng hầu như không còn lấy rau. Doanh thu so với trước đây, giảm gần 10 triệu đồng/1 ngày.

“Rau, quả chúng tôi trồng trong nhà lưới, đầu tư công nghệ cao, quy trình chăm sóc khá tốn kém, nay các đầu mối tiêu thụ đều dừng nhập hàng do dịch Covid-19, chúng tôi rất lo lắng. Đem bán ngoài chợ giá rất thấp và bán không hết, nếu tình hình không khá hơn thì khả năng sẽ phải bỏ đi để tiếp tục cho vụ sản xuất mới. Nếu được thành phố quan tâm để đưa rau quả của chúng tôi vào các Khu cách ly, các bếp ăn tập thể thì may ra chúng tôi được giải cứu”.

Vụ đông năm 2020, TP Hải Phòng có hơn 11.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 10.000ha tích gieo trồng cây vụ đông. Năm nay, về cơ bản được mùa, đến thời điểm hiện tại, cả thủy sản và cây vụ đông đều đã cho thu hoạch, một số nông sản đã sẵn sàng phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, bức tranh sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản tại Hải Phòng sẽ rất u ám nếu diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp.

Trao đổi với NNVN, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng cho hay, hiện tại Sở đã giao cho các đơn vị chuyên môn thống kê tình hình sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn để có chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo lương thực thực phẩm trong tình huống dịch bệnh bùng phát tại Hải Phòng. Còn về vấn đề nông sản, thủy sản ế ẩm, khó khăn đến thời điểm hiện tại chưa thấy báo cáo.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.