Có được điều đó nhờ thành phố đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, kỹ thuật, tăng cường tuyên truyền, vận động, quản lý, hình thành các chuỗi liên kết,...
PV Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương về vấn đề này.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương. |
Là địa phương đi đầu cả nước về giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, ông có thể cho biết từ đâu Hà Nội có được kết quả mang tính cách mạng khi lượng thuốc BVTV sử dụng trên các cây trồng của Hà Nội, trong đó có rau là 360 tấn, chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc?
Có được kết quả này là nhờ ngành nông nghiệp Hà Nội áp dụng đồng bộ từ chính sách, giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền thay đổi nâng cao nhận thức và tăng cường chế tài thanh, kiểm tra xử phạt. Tất cả đều nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý và chính sách tối đa cho công tác phát triển và quản lý lĩnh vực rau an toàn nói riêng và an toàn sinh thực phẩm nói chung.
Cụ thể, về chính sách, Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội ban hành hàng loạt quyết định, nghị quyết phân công, phân cấp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm cụ thể cho cả 3 cấp thành phố, huyện, xã. Phân công, phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Về kỹ thuật, trong những năm qua Hà Nội đã hỗ trợ nông dân và đưa vào trong canh tác rau an toàn rất nhiều những tiến bộ mới như IPM, SRI, FFS. Bên cạnh đó là tăng cường xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh áp dụng PGS,... qua đó góp phần giúp Hà Nội liên tục giảm sử dụng thuốc BVTV trên rau trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, hệ thống BVTV của Hà Nội được tổ chức đồng bộ từ thành phố đến xã, Chi cục BVTV chỉ đạo hệ thống BVTV dự tính dự báo chính xác, phối hợp với địa phương hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách, đảm bảo thời gian cách ly.
Về công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, ngành nông nghiệp Hà Nội có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên ngành như PA 81, PC 49, quản lý thị trường, chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, từ đó làm lành mạnh hóa thị trường buôn bán thuốc BVTV.
Không chỉ đạt kết quả mang tính đột phá ở việc giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, qua tìm hiểu chúng tôi được biết Hà Nội cũng đang đi đầu trong phong trào hạn chế rác thải nhựa trong canh tác nông nghiệp?
Đúng là như vậy! Hưởng ứng Thư kêu gọi số 161/LĐCP ngày 25/4/1019 của Thủ tướng Chính phủ về chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa; Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cũng ban hành văn bản số 792/LĐLĐ ngày 15/5/2019 tuyên truyền giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.
Ngày 19/8/2019 UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3549/UBND-ĐT yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa.
Cụ thể, TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc, đồng thời phát động và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
Hà Nội là địa phương tiên phong giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV và thay thế rác thải nhựa trong canh tác nông nghiệp. |
Ông có thể cho biết kết quả ngành Trồng trọt và BVTV Hà Nội đạt được trong hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa?
Với đặc thù của nghề trồng rau an toàn, cũng như hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, ngay những tháng đầu năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã triển khai áp dụng mô hình trồng rau an toàn dùng màng phủ không dệt hay còn có tên gọi khác là màng phủ Passlite thay thế nilon.
Đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã triển khai khoảng 30 mô hình tại các vùng sản xuất rau an toàn với khoảng 120 hộ tham gia. Kết quả thu được khả quan, vượt trội so với các hộ trong vùng không sử dụng màng phủ Passlite.
Thực tiễn cho thấy, thời tiết mưa nhiều là trở ngại rất lớn cho phát triển sản xuất rau an toàn ở miền Bắc. Mưa nhiều làm dập nát cây rau, sâu bệnh phát sinh nhiều, cây sinh trưởng phát triển chậm, thậm chí không cho thu hoạch. Sử dụng màng phủ Passlite giúp ngăn tác hại của mưa, làm cho cây sinh trưởng phát triển tốt hơn, thân lá không bị dập, năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với không phủ. Màng phủ còn đặc biệt có ý nghĩa hạn chế tác hại của những trận mưa axit trên rau.
Màng phủ Passlite rất nhẹ, dễ sử dụng, có thể quay vòng trồng được từ 16 - 18 lứa rau nếu giữ gìn cẩn thận. Bên canh đó, màng phủ không dệt mang lại nhiều ưu điểm khi giúp che chắn các loại côn trùng đẻ trứng nở ra sâu hại. Năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với các luống rau không sử dụng màng phủ không dệt.
Xin cảm ơn ông!
"Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền vận động khuyến khích nông dân các địa phương sử dụng màng phủ không dệt Passite trong sản xuất rau an toàn nhằm tăng sản lượng rau cung ứng cho thị trường, nâng cao chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hướng tới việc sản xuất nông sản bền vững", ông Nguyễn Mạnh Phương. |