| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị chăn nuôi

Chủ Nhật 27/11/2022 , 11:48 (GMT+7)

Tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi với những định hướng cụ thể, trong đó tập trung giải quyết khâu yếu nhất của chuỗi.

Nuôi bò thịt ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ảnh: Sơn Trang.

Nuôi bò thịt ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh này đang có 10.000 con trâu, 100.000 con bò, hơn 218.000 con heo và trên 8,9 triệu con gia cầm. Toàn tỉnh có 621 trang trại chăn nuôi gia súc với gần 193 nghìn con (chiếm 78% tổng đàn heo và 19,7% tổng đàn trâu, bò), 112 trang trại chăn nuôi gia cầm với số lượng gần 5,7 triệu con (chiếm 63,6% tổng đàn gia cầm).

Tây Ninh đang là địa phương thu hút được sự quan tâm đầu tư của nhiều dự án chăn nuôi. Cụ thể, đến nay, đã có 162 dự án xin chủ trương đầu tư, trong đó, 113 dự án đã được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương, gồm 32 dự án đầu tư chăn nuôi gà với gần 9,5 triệu con, 77 dự án chăn nuôi heo với trên 959.000 con, 1 dự án nuôi 450 con bò thịt, 1 dự án kết hợp nuôi 1.000 con bò thịt với 102 dê, 2 dự án nuôi 8.050 con bò sữa.

Trong đó, nổi bật là thu hút Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh, đi vào hoạt động từ tháng 4/2021 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, công suất thiết kế trên 19 triệu con/năm. Riêng trong năm 2021, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 37 dự án chăn nuôi với 304.500 con heo và gần 1,5 triệu con gà. 37 dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Có thể nói, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, thị trường tiêu thụ (ngay sát TP. HCM), trong những năm qua, chăn nuôi ở Tây Ninh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi ở tỉnh này vẫn còn nhiều hạn chế, nổi cộm là thiếu doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi.

Theo ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch tỉnh Tây Ninh, tỉnh vẫn chưa thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp về giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có năng lực làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ hoạt động chuỗi giá trị chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, thuốc thú y. Do đó, đến nay, Tây Ninh vẫn chưa có sản phẩm gia súc, gia cầm xuất khẩu chính ngạch.

Trước thực tế đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26/8/2022 về phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, với các loại vật nuôi có thế mạnh của tỉnh là heo, bò thịt, bò sữa, gà thịt, gà trứng và chim yến. Trong đó, nội dung xuất khẩu động vật đang được triển khai thực hiện.

Một trang trại chăn nuôi heo công nghiệp ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Một trang trại chăn nuôi heo công nghiệp ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo, Tây Ninh sẽ mở rộng, nâng cấp 2 chuỗi hiện đã hình thành là chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống (đến 2025 chiếm 55% sản lượng thịt heo của tỉnh) và chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn (đến 2025 chiếm 15%).

Bên cạnh đó, Tây Ninh phấn đấu hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu với mục tiêu dến năm 2025 chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành như chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh (đến 2025 chiếm 50% sản lượng thịt bò của tỉnh); chuỗi thịt bò được giết mổ, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sản phẩm (đến 2025 chiếm 15% sản lượng thịt bò của tỉnh).

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy ngoài địa bàn tỉnh chiếm 50%; tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy trong tỉnh chiếm 50% (hiện nay, sữa tươi chưa dược chế biến trên địa bàn tỉnh).

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành, xây dựng các chuỗi giá trị mới; mục tiêu đến năm 2025 có 50% gà thịt được giết mổ theo chuỗi tại địa bàn tỉnh (hiện nay là 25%).

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng, sẽ ổn định các chuỗi giá trị đã hình thành. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi chiếm 90% sản lượng trứng gà của tỉnh (hiện nay là 88%).

Đối với chuỗi giá trị chim yến, mục tiêu của tỉnh là thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào năm 2025; nâng tỷ lệ chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 30% vào năm 2025.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, UDND tỉnh Tây Ninh đã đưa ra những định hướng phát triển. Trong đó, sẽ tập trung giải quyết khâu yếu nhất của chuỗi giá trị chăn nuôi trong thời gian qua là thiếu các doanh nghiệp có năng lực hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ để làm đầu tàu dẫn dắt toàn bộ hoạt động của chuỗi.

Xem thêm
Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.