| Hotline: 0983.970.780

Giảm chi phí thức ăn chăn nuôi nhờ phương pháp lên men lỏng

Chủ Nhật 13/08/2023 , 15:30 (GMT+7)

QUẢNG NINH Áp dụng phương pháp lên men lỏng giúp giảm chi phí thức ăn đầu vào mà vẫn đảm bảo chất lượng trong chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn.

Hiện mô hình chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ cao ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện mô hình chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ cao ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 38.000 cơ sở chăn nuôi, trong đó 403 trang trại, số còn lại là chăn nuôi nông hộ. Riêng lĩnh vực chăn nuôi lợn, trên địa bàn tỉnh có 255 trang trại và gần 17.000 nông hộ.

Trước áp lực về chi phí thức ăn tác động lớn đến hiệu suất, hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Ngoài ra, người chăn nuôi có thể mua các loại thức ăn đậm đặc để phối trộn với nguyên liệu sẵn có nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi hoặc ngâm ủ ngũ cốc để tăng hàm lượng dinh dưỡng, tăng khả năng hấp thu của gia súc.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết, một trong những phương pháp chăn nuôi vừa tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, giảm chi phí chăn nuôi, mà vật nuôi lại hấp thu thức ăn hiệu quả, tạo sản phẩm thịt sạch, thơm ngon, giảm mùi hôi chuồng trại, đó chính là phương pháp ngâm ngũ cốc lên men lỏng tự nhiên.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong hạt ngũ cốc có sẵn các men nội sinh, khi hỗn hợp ngũ cốc được ngâm trong nước ở nhiệt độ từ 20 độ C trở lên, thời gian từ 6 - 8 tiếng sẽ kích hoạt hệ thống men nội sinh (tên gọi là Enzyme amylaza) hoạt động.

Dưới tác dụng của men, tinh bột bị thủy phân do các liên kết Glucoside bị phân cắt. Sự thủy phân tinh bột được xảy ra phản ứng dịch hóa và đường hóa. Kết quả dịch hóa tạo ra sản phẩm trung gian là Dextrin. Dextrin tiếp tục đường hóa tạo ra đường đơn Mantose, Glucose. Sau đó, chúng được hấp thu dễ dàng khi vào đường tiêu hóa vật nuôi.

Một số hộ chăn nuôi lợn đã áp dụng phương pháp ngâm ngũ cốc lên men lỏng tự nhiên làm thức ăn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Một số hộ chăn nuôi lợn đã áp dụng phương pháp ngâm ngũ cốc lên men lỏng tự nhiên làm thức ăn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đồng thời, trong quá trình ngâm men lỏng, một phần đường đơn sẽ tiếp tục chuyển hóa thành axit lactic có tác dụng làm giảm pH của khối thức ăn, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có ích phát triển, kìm hãm sự phát triển hệ vi sinh vật có hại gây bệnh trong đường ruột. Từ nguyên lý trên, các chuyên gia đã nghiên cứu và ứng dụng để thực hiện phương pháp ngâm ngũ cốc (cám gạo, bột bắp) lên men lỏng. 

Được biết, người chăn nuôi có thể dễ dàng áp dụng quy trình này. Theo đó, bà con cần chuẩn bị dụng cụ để chứa thức ăn chăn nuôi như thùng, phuy nhựa. Hỗn hợp ngũ cốc sẵn có (như bột bắp, bột cám gạo) và thức ăn đậm đặc hay bà con có thể mua bột cá, premix (hỗn hợp vitamin và các khoáng chất) thay thế cho cám đậm đặc.

Người dân đem ngâm hỗn hợp bột ngũ cốc và nước theo tỷ lệ 1 hỗn hợp ngũ cốc với 2,5 - 3 lít nước cho vào thùng chứa, đậy nắp lại để ở nhiệt độ môi trường bình thường. Sau khoảng thời gian ngâm từ 4 - 6 tiếng, thấy xuất hiện lớp bọt trắng ở trên mặt, có mùi thơm, chua nhẹ, bà con chăn nuôi bổ sung thức ăn bột cá, premix hoặc thức ăn đậm đặc của các công ty thức ăn chăn nuôi trộn vào cùng đổ cho lợn ăn. Ví dụ sáng 9 giờ chúng ta ngâm ngũ cốc, chiều 3 giờ cho lợn ăn. Tối 19 - 20 giờ ngâm ngũ cốc, sáng hôm sau cho lợn ăn.

Theo ông Trần Xuân Đông, ban đầu khi mới cho ăn, bà con không nên thay đổi đột ngột, phải có thời gian chuyển đổi dần từ thức ăn cũ sang thức ăn ngâm men lỏng, đậm đặc để tránh dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở vật nuôi. Theo đó, cần thời gian chuyển đổi trong 4 ngày để lợn quen dần thức ăn.

Cụ thể, ngày thứ nhất áp dụng 75% lượng thức ăn cũ và 25% thức ăn mới dạng lên men. Ngày thứ hai 50% lượng thức ăn cũ và 50% thức ăn mới dạng lên men. Ngày thứ ba áp dụng 25% lượng thức ăn cũ và 75% thức ăn mới dạng lên men. Đến ngày thứ tư sử dụng 100% thức ăn mới dạng lên men.

Hiện nay, với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa số các trang trại, hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoàn chỉnh để chăn nuôi. Tuy nhiên, với giá thành thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nhiều trang trại, nông hộ vất vả xoay sở. Nhiều chuyên gia dự báo giá các loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ thua lỗ nhất là trong chăn nuôi lợn ở nông hộ, trang trại nhỏ do thức ăn chiếm tới 70% chi phí đầu vào, là yếu tố chính quyết định chất lượng, giá thành sản phẩm.

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.