| Hotline: 0983.970.780

Giám đốc CA tỉnh Bắc Giang liên quan công trình đầu tư trái phép!

Thứ Tư 15/05/2013 , 10:11 (GMT+7)

Chỉ một cái gật đầu của ông GĐ CA tỉnh, các doanh nghiệp kìn kìn đưa máy móc hạng nặng về phục vụ công trình xây hồ sinh thái trái phép tại quê hương ông.

Chỉ một cái gật đầu của ông GĐ CA tỉnh, các doanh nghiệp kìn kìn đưa máy ủi, máy xúc, xe tải hạng nặng về phục vụ công trình xây hồ sinh thái trái phép tại quê hương ông.

Công trình xây dựng trên diện tích khoảng 4.000 m2, nằm ngay bãi giữa sông Thương, cùng lúc vi phạm hàng loạt qui định về quản lý sử đụng đất, qui định quản lí bảo vệ đê điều. Vậy nhưng không một cơ quan chính quyền nào đủ dũng cảm để lên tiếng ngăn chặn…

Giao “thôn” làm chủ đầu tư?

Nhận được tin ông GĐ CA tỉnh đang xây trang trại thủy sản ở khu đất bãi giữa sông Thương, PV Báo NNVN đã đến xã Song Mai, TP Bắc Giang để tìm hiểu. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đê K32+600 hữu sông Thương có một công trình đắp đập, đào ao đang thi công dưới lòng sông với quy mô lớn.

Kết quả đo đạc thực tế cho thấy chiều rộng của công trình là 36 m, chiều dài 126 m và chiều cao trung bình của bờ lên tới 1,6 m. Trao đổi với người dân địa phương, được biết công trình ao thuộc thôn Vĩnh An và do ông Phạm Văn Minh – GĐ CA tỉnh đầu tư xây dựng.

Để kiểm tra tính xác thực của thông tin, PV NNVN tiếp tục làm việc với UBND xã Song Mai. Tại đây, ông Thân Trọng Ninh – Chủ tịch UBND xã tiếp phóng viên với vẻ e ngại và chỉ đưa ra những thông tin thiếu logic. Ông Ninh cho biết khu bãi giữa sông ở thôn Vĩnh An đã được quy hoạch làm vùng nuôi trồng thủy sản. Vừa qua, UBND xã đã “giao cho thôn” để làm công trình ao nhằm thu hoạch cá lạc vào mùa lũ.

Tuy nhiên, ở cương vị Chủ tịch xã ông Ninh thừa hiểu “thôn” không phải là một đơn vị hành chính, không có pháp nhân, vậy “thôn” là ai mà xã có thể giao cho “thôn” quản lý, xây dựng một công trình giá trị nhiều tỉ đồng? Nguồn tiền để đầu tư xây dựng “thôn” lấy ở đâu ra? Sau khi thu hoạch thủy sản “thôn” sẽ ăn chia với những ai, nộp thuế như thế nào?

Tất cả những câu hỏi này ông Ninh đều không thể trả lời được. Khi đề cập đến hồ sơ pháp lý của công trình: Hồ sơ thiết kế Dự án, văn bản thẩm định đánh giá tác động của công trình đến khả năng thoát lũ của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Quyết định của UBND tỉnh…, ông Chủ tịch xã cũng hoàn toàn không có.


Huy động máy xúc, ô tô tải rầm rộ thi công

Cái lý duy nhất để UBND xã bám vào là tấm bản đồ quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt trong đó có đánh dấu khu vực này dành cho nuôi trồng thủy sản.

Sợ “bóng”

Không có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, không có hợp đồng thuê, thầu với một cá nhân hay tổ chức nào nhưng UBND xã Song Mai vẫn tạo điều kiện để các công ty đưa máy xúc, máy ủi vào đào ao tại bãi sông thôn Vĩnh An, tức là chính quyền xã đã cố tình buông lỏng quản lý đất đai và trách nhiệm chính đương nhiên thuộc về ông Chủ tịch.

Nhưng công trình đào ao, đắp đập ở bãi sông không chỉ dừng ở vi phạm Luật Đất đai mà còn vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Đê sông Thương, đoạn đi qua TP Bắc Giang được đánh giá là khúc đê xung yếu, đặc biệt quan trọng, hàng năm hai khúc đê tả, hữu sông Thương tiêu tốn vài chục tỉ đồng ngân sách Trung ương để bảo dưỡng, gia cố.

Năm 2008, cơn bão số 5 làm sạt lở bãi sông khu vực K2+570 đến K2+750 của Bắc Giang kéo dài 20 m về phía thượng lưu, sạt sâu vào bãi 2,5 m. Năm 2011, đoạn đê hữu Thương đoạn K30+893 đến K30+950 thuộc xã Song Mai đã bị sạt trượt sâu vào bãi 3-5 m.

Sau một hồi đấu tranh, phân tích thiệt hơn, có vẻ ông Ninh cũng ngại gánh cái trách nhiệm mà ông đang miễn cưỡng cáng đáng. Ông bật mí: “Xã có giao cho thôn quản lí nhưng nguồn lực cho công trình thì nghe đâu là ông Minh, lãnh đạo CA tỉnh đầu tư. Thôn Vĩnh An là quê hương của ông ấy mà”.

Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, nguyên nhân sạt trượt là do thế bờ cao, lòng sông hẹp, sâu cộng với tình trạng vi phạm Luật Đê điều tại tuyến sông này. Xác định tầm quan trọng của đê sông Thương thuộc xã Song Mai, Bộ NN-PTNT luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến khúc đê này.

Cũng trong năm 2011, UBND tỉnh Bắc Giang đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương, xử lý sạt lở, tu bổ đê sông Thương các đoạn K2-K3+500 đê tả Thương, K2-K3 và K30+750 đến K31+750, sau khi đi kiểm tra thực địa khu vực sạt lở theo báo cáo của tỉnh, Bộ NN-PTNT đã có văn bản số 2915/BNN-TCTL đề nghị tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đoạn đê tả, hữu Thương đoạn qua các xã Hợp Đức, huyện Tân Yên; xã Xuân Hợp, huyện Lạng Giang và khúc đê K30+800 – K31+100 thuộc xã Song Mai, TP Bắc Giang.

Đây là những đoạn đê xung yếu, bãi sông hẹp và có diễn biễn sạt lở nguy hiểm, vị trí sạt lở chỉ cách chân đê từ 10-30 m nên uy hiếp sự an toàn đê điều. Việc Chủ tịch UBND xã Song Mai buông lỏng quản lý, để một công trình hồ, đập kiên cố được xây dựng ngay giữa bãi sông chắc chắn sẽ gây cản trở dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Tác động của công trình đối với dòng chảy nếu nhẹ gây ra hư hại thân đê mỗi lần khắc phục cũng mất vài chục tỉ đồng nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng triệu cư dân TP Bắc Giang, đến lúc ấy hậu quả không thể lường trước. (Còn nữa)

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.