Tỷ lệ hộ nghèo dự kiến giảm dưới 3%
Vốn là địa phương có xuất phát điểm thấp; chịu ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh; từ đầu nhiệm kỳ (2016 - 2020), tỷ lệ hộ nghèo của Hà Tĩnh vẫn đang ở mức 11,4%, trong đó 4 huyện, thị xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% là Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Toàn tỉnh có 29 xã vùng bãi ngang ven biển, 55 xã vùng núi đặt biệt khó khăn.
Đời sống của 70 - 80% dân số Hà Tĩnh dựa vào sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn không có nhiều lựa chọn nên để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này thực sự là bài toán hóc búa.
Để cụ thể hóa chủ trương thành hành động, Hà Tĩnh nhanh chóng triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ cho lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...
Theo ông Đinh Hữu Công, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, việc triển khai dự án, xác định đối tượng hỗ trợ đến phân bổ vốn đều được thực hiện công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương và cộng đồng dân cư nên hiệu quả Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đạt được rất tốt.
“Qua khảo sát, đánh giá, có thể khẳng định Chương trình giảm nghèo những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển giảm từ 29 xã xuống còn 4 xã và đến nay Hà Tĩnh không còn xã đặc biệt khó khăn miền núi.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% (đầu 2016) xuống 4,53% (cuối năm 2019), dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 3%. Như vậy, trong giai đoạn này tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình là 1,68%/năm, đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 đề ra”, ông Đinh Hữu Công phấn khởi chia sẻ.
Ban hành 9 Nghị quyết, 15 nhóm chính sách đặc thù
Mặc dù đang là tỉnh nghèo nhưng ngoài nguồn lực Trung ương “rót” xuống, giai đoạn 2016 - 2020 Hà Tĩnh vẫn dành gần 565 tỷ đồng ngân sách địa phương để thực hiện Đề án giảm nghèo.
Từ nguồn lực này, Hà Tĩnh chủ động ban hành 9 Nghị quyết hỗ trợ thực hiện 15 nhóm chính sách về công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó có 4 Nghị quyết đặc biệt quan trọng, tác động mạnh mẽ đến kết quả giảm nghèo của tỉnh và các địa phương, gồm: Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (là tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành chính sách) theo Nghị quyết 177/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019; hỗ trợ thu nhập cho các thành viên hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết 179/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019; hỗ trợ về nhà ở; tiền điện; giải quyết việc làm…
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Đinh Hữu Công cho rằng: Để thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo, ngoài triển khai đồng bộ các chính sách chung các địa phương phải ban hành chính sách đặc thù. Những năm qua Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá cao cũng nhờ những chính sách đặc thù này.
Có thể khẳng định, chưa bao giờ và chưa khi nào Hà Tĩnh có đầy đủ hệ thống chính sách an sinh xã hội bao phủ toàn bộ các đối tượng hưởng thụ chính sách như hiện nay.
Cụ thể, hơn 1.400 người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống tại cộng đồng, hơn 1.000 thành viên thuộc hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ về thu nhập hàng tháng từ ngân sách tỉnh; 6.800 người cao tuổi, người tàn tật nặng và đặc biệt nặng được hỗ trợ thu nhập từ nguồn xã hội hóa.
Riêng Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ Hà Tĩnh trên 200 tỷ đồng xây mới 1.047 nhà ở cho hộ nghèo; tặng 9.807 con bê giống; hỗ trợ cải thiện thu nhập cho 6.800 thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
Những năm qua, chính sách cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được hộ nghèo hưởng lợi xem như chiếc “bùa hộ mệnh”.
Theo đó, trong vòng 5 năm đã có hơn 2,2 triệu thẻ BHYT được cấp cho người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, hơn 341.000 lượt đối tượng hộ nghèo, cận nghèo cũng được hỗ trợ chính sách khám, chữa bệnh với tổng kinh phí hơn 69 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Hiền ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn là hộ nghèo đơn thân được hưởng chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí trong năm 2019.
Khi được hỏi về hiệu quả của việc hỗ trợ, bà Hiền cảm động nói: “Quý, quý lắm. Có chiếc thẻ BHYT trong tay tôi cảm thấy mình được xã hội bảo vệ. Trước tôi bị thoát vị đĩa đệm lưng, đau không ngủ được nhưng vì không có tiền nên cắn răng chịu đựng. Cuối năm vừa rồi tôi đi điều trị ở bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, nhờ có bảo hiểm chi trả 100% chi phí điều trị nên tôi chỉ phải lo tiền ăn uống, đi lại”.
Đối với phong trào “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, trích ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 6.642 hộ nghèo, đạt hơn 360,2% kế hoạch, với tổng kinh phí hơn 203.000 tỷ đồng.
Trường hợp gia đình ông Nguyễn Sỹ Hồng (73 tuổi), ở thôn Liên Mỹ, xã Thạch Hội, Thạch Hà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bản thân ông sức khỏe yếu sau khi tham gia thanh niên xung phong tại chiến trường Lào; vợ không còn khả năng lao động, lại có đứa con bị tật nguyền từ 5 năm nay. Trước năm 2018, hai ông bà phải sống trong căn nhà tranh bị xuống cấp.
Với tinh thần “tương thân tương ái”, chung tay vì người nghèo, Agribank Hà Tĩnh đã hỗ trợ 40 triệu đồng xây; các đoàn thể địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên hỗ trợ ngày công xây dựng; bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ của người thân, họ hàng nên sau hơn 1 tháng thi công, ngôi nhà tình nghĩa được hoàn thành.
Ông Hồng bày tỏ: “Hai năm nay tôi không phải canh hứng nước mưa do nhà dột nữa. Mùa nắng cũng mát hơn rất nhiều. Cảm ơn cấp trên và ngân hàng Agribank đã giúp gia đình có ngôi nhà kiên cố để ở”.