Gần 1 tấn rác thải mỗi ngày
Chợ Hàn là chợ nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng, một trong số các chợ ra đời sớm nhất tại Đà Nẵng với sự sầm uất bậc nhất khu vực. Ngôi chợ này cũng là địa điểm giao thương và mua sắm chính của người dân Đà Nẵng và khách du lịch. Hoạt động giao thương, buôn bán và mua sắm tại chợ Hàn phát sinh đáng kể lượng rác thải nhựa và luôn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, phát tán vào môi trường.
Theo một báo cáo năm 2021 của WWF về đánh giá hiện trạng quản lý chất thải rắn tại chợ Hàn cho thấy, lượng rác thải phát sinh trung bình mỗi ngày tại đây khoảng 854kg. Trong đó, rác hữu cơ chiếm phần lớn với 74,7% chủ yếu là rau, củ, quả từ các cửa hàng thực phẩm và rác tái chế (bao gồm các loại nhựa, giấy, kim loại) chiếm 20,5% tổng lượng rác phát sinh; rác thải nhựa chiếm 15,1%.
Cũng theo kết quả khảo sát trên, túi ni lông là thành phần chủ yếu của rác thải nhựa từ chợ Hàn (chiếm 66,4%). Bao bì và nhãn nhựa đa lớp chiếm 19,2% tổng lượng rác thải nhựa, trong đó đa phần là bao bì thực phẩm khô và 3,8% loại nhựa có giá trị cao được phát hiện trong tổng lượng rác nhựa từ chợ.
Thực tế những năm qua cho thấy, hoạt động quản lý chất thải rắn tại chợ Hàn cũng có những điểm tích cực như hệ thống thu gom rác thải hoạt động khá hiệu quả, thu hồi rác phát thải từ các cửa hàng kinh doanh với tần suất 3 lần/ngày. Đồng thời, kịp thời thu hồi rác thải phát sinh ngoài khuôn viên chợ từ các hoạt động buôn bán không cố định, giảm phát tán rác thải vào môi trường.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như: Hoạt động phân loại rác tại nguồn (quầy hàng) đã được triển khai trước đây nhưng hiện tại không được duy trì đều đặn; Một số hoạt động/chương trình “chống rác thải nhựa” đã được triển khai trước đây, song không thể duy trì vì những rào cản nhất định và giới hạn về tài chính; Hoạt động truyền thông về phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như hệ thống thu gom rác trong chợ và tập kết rác tập trung nên việc thu hồi rác tái chế chưa thật sự hiệu quả.…
Trước thực tế này, trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu Rác thải Nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cùng với các đối tác địa phương phối hợp triển khai tại Đà Nẵng thì mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” triển khai ở chợ Hàn được lựa chọn là mô hình thí điểm cho các hoạt động thương mại tập trung dân sinh. Mục đích hướng tới là giảm việc sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa một lần.
Cần những giải pháp thiết thực
Bà Nguyễn Thị Trà My, Cán bộ Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch của Sở phối hợp với WWF-Việt Nam sẽ thực hiện mô hình “Chợ Hàn giảm thiểu rác thải nhựa” trong vòng 3 năm (từ 2020 đến 2023).
Theo kế hoạch, WWF-Việt Nam đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công cụ truyền thông về phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ; Cải thiện công tác quản lý chất thải rắn tại chợ; Tăng cường xây dựng và thử nghiệm các mô hình kỹ thuật; Xây dựng chính sách về “nhãn sinh thái” và quản lý rác thải nhựa.
Tất cả với mục tiêu là giảm tổng lượng rác thải nhựa phát sinh từ chợ Hàn; Giảm lượng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần tiêu thụ bởi người tiêu dùng; Tăng cường phân loại rác và thu hồi vật liệu tái chế; Thúc đẩy sáng kiến/mô hình thu hồi túi ni-lông từ người tiêu dùng và kích thích tiêu dùng xanh.
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2023 là hiệu suất phân loại rác tại chợ đạt 30%; Tỷ lệ thu hồi rác tái chế đạt 30%; 30% số các quầy hàng ăn uống trong chợ đăng ký và thực hiện giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; 30% số các quầy hàng đăng ký và thực hiện “không cung cấp túi ni lông khi chưa được yêu cầu”;
Ngoài ra, 30% số các quầy hàng gia vị, đồ khô sử dụng vật liệu bao gói thân thiện môi trường (lá, giấy); 20% các quầy hàng lưu niệm, thực phẩm khô đăng ký và thực hiện “nhãn sinh thái” Giảm 30% lượng túi ni lông và các sản phẩm nhựa vào chợ qua đường hàng hóa; Giảm 30% lượng túi ni lông tiêu thụ trên người tiêu dùng. 100% quầy hàng, tiểu thương được tập huấn, hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn và giảm sử dụng túi ni-lông và nhựa dùng một lần tại chợ (ít nhất 2 lần/năm).
“Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chúng tôi phấn đấu đến cuối năm nay sẽ triển khai xong nội dung, tài liệu tuyên truyền. Hiện nay WWF đang làm việc với các chuyên gia tư vấn để xây dựng kế hoạch tuyên truyền và bộ sản phẩm truyền thông sau đó gửi cho Sở góp ý. Do thời gian qua, bà con tạm ngừng kinh doanh, buôn bán bây giờ họ mới hoạt động trở lại một thời gian nên cũng cần phải cân nhắc việc tổ chức tập huấn cho phù hợp”, bà My nói.
Cũng theo bà My, việc tuyên truyền giảm sử dụng rác thải nhựa ở chợ trước đây cũng đã thực hiện nhiều nhưng cũng chỉ ở dạng khẩu hiệu. Do đó, bây giờ phải làm sao để hình ảnh trực quan, tác động sâu đến nhận thức của tiểu thương cũng như người dân đi chợ mới có hiệu quả. Ngoài ra, để làm được điều này thì UBND TP Đà Nẵng phải ban hành 1 quyết định hoặc quy định cụ thể.
“Quy định giảm sử dụng sản phẩm túi ni lon hoặc nhựa dùng 1 lần có thể bắt đầu từ những đối tượng cụ thể. Chẳng hạn như cán bộ công chức không sử dụng túi ni lông dùng 1 lần hay thùng xốp ở công sở. Thêm nữa là việc tuyên truyền cần có tiếng nói từ cơ quan quản lý về môi trường. Làm sao để có giải pháp thiết thực”, bà My chia sẻ thêm.
Được biết, sau khi kết thúc giai đoạn 2020 – 2023, điều kiện phù hợp thì trong giai đoạn 2023 – 2025, Sở Công thương tiếp tục đặt ra mục tiêu: Hiệu suất phân loại rác tại chợ đạt 50%; Ít nhất 50% rác tái chế được thu hồi; 50% số các quầy hàng ăn uống trong chợ đăng ký và thực hiện không dùng sản phẩm nhựa một lần; Ít nhất 50% số các quầy hàng đăng ký và thực hiện “không cung cấp túi ni lông khi chưa được yêu cầu”;
Ngoài ra, ít nhất 50% số các quầy hàng gia vị, đồ khô sử dụng vật liệu bao gói thân thiện môi trường (lá, giấy); 50% các quầy hàng lưu niệm, thực phẩm khô đăng ký và thực hiện “nhãn sinh thái”; Giảm ít nhất 50% lượng túi ni lông và các sản phẩm nhựa vào chợ qua đường hàng hóa; Giảm ít nhất 50% lượng túi ni lông tiêu thụ trên người tiêu dùng; 100% quầy hàng, tiểu thương được tập huấn, hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn và giảm sử dụng túi ni lông và nhựa dùng một lần tại chợ (ít nhất 2 lần/năm).