Tập trung tháo gỡ khó khăn cho tàu cá ‘3 không’. Hoa Kỳ hủy bỏ vụ việc điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam. Mô hình lúa - tôm đầu tiên trên vùng đất mặn ở Thừa Thiên Huế. Người nuôi tôm càng xanh ở ĐBSCL thua lỗ nặng nề.
Ngày 18/7, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã làm việc với Tỉnh ủy Bến Tre về kiểm tra tình hình khai thác chống IUU, đồng thời kiểm tra tiến độ dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ba Tri.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 3.026 tàu cá. Trong số này, tàu dài 15m trở lên (thuộc diện phải lắp đặt thiết bị hành trình) là 2.034 tàu, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được 2.006 tàu, còn lại ngưng hoạt động, mất tích. Đáng chú ý, tàu thuộc diện “3 không” là 1.117 chiếc và 32 tàu đăng ký nhưng chủ tàu cải hoán không có văn bản chấp thuận. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra tàu và hướng dẫn đăng ký theo quy định. Kết quả, đã kiểm tra hướng dẫn 543 tàu đăng ký.
Nhìn chung công tác đăng ký tàu cá gặp nhiều khó khăn do yêu cầu nghiêm ngặt về đăng kiểm. Sở NN-PTNT đã tổ chức đối thoại, tuyên truyền vận động ngư dân phối hợp với cơ quan chức năng, đến nay cơ bản đã tháo gỡ được các khó khăn này.
Hoa Kỳ hủy bỏ vụ việc điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam
Minh Phúc khai thác
Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam không thuộc 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc, sẽ được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Mô hình lúa - tôm đầu tiên trên vùng đất mặn ở Thừa Thiên Huế
Theo số liệu của ngành chức năng huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ở địa phương lên đến 560ha, tập trung ở 10 hợp tác xã thuộc 8 xã vùng ven đầm phá như An Xuân, Mai Phước, Đông Phước… Phần lớn diện tích trên người dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa, còn lại bỏ hoang gây lãng phí.
Trước thực trạng đó, vụ hè thu 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên – Huế triển mô hình “Nuôi xen canh lúa – tôm trên vùng đất mặn” tại thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, quy mô 5ha tại 2 hộ nhằm thử nghiệm đối tượng và hình thức nuôi mới;
Sau 3 tháng nuôi, qua theo dõi cho thấy, tốc độ phát triển tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt nhanh hơn so với môi trường nước lợ, mặn; tỷ lệ sống của tôm nuôi đạt 70 – 74%; sản lượng trung bình 800kg/hộ. Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, hiệu quả kinh tế mang lại khoảng 28 triệu đồng/ha.
Người nuôi tôm càng xanh ở ĐBSCL thua lỗ nặng nề
Văn Vũ sx
Hiện nay, giá tôm càng xanh thương phẩm tại các tỉnh khu vực ĐBSCL đang giảm mạnh, gần như “chạm đáy” khiến người nuôi thua lỗ nặng nề.
Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng là những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của ĐBSCL, tuy nhiên, theo khảo sát, hiện mỗi kilogam tôm càng xanh loại 1 từ 10-12 con/kg được bán tại ao nuôi với giá 90.000-130.000 đồng/kg, so với trước đây đã giảm hơn 60.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay, không đủ bù đắp chi phí nuôi. Theo các thương lái, giá tôm càng xanh giảm giá là do tiêu thụ yếu, cùng với việc nuôi tôm càng xanh quanh năm với số lượng nhiều nên mặt hàng này hiện tại cung vượt cầu.