| Hotline: 0983.970.780

Giảm thiệt hại SX mía do hạn

Thứ Ba 12/04/2016 , 13:10 (GMT+7)

Mía là cây trồng có thời gian sinh trưởng khá dài (từ 11 - 13 tháng/vụ), thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thay đổi bất thường của tự nhiên như hạn hán, lũ lụt, gió bão…

Trong đó hạn hán là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất, sản lượng mía nhiều nhất.

Thiệt hại nặng

Đối với sản xuất mía đường, hạn hán còn được biết đến như là một căng thẳng thẩm thấu. Khi áp suất thẩm thấu tiềm năng của nước vượt quá -0,45 MPa trong đất và -2,05 MPa trong lá mía thì những triệu chứng hại do hạn hán gây ra bắt đầu xuất hiện.

Trong niên vụ 2015 - 2016, đã có hàng chục ngàn ha mía ở các vùng Tây Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung bị thiệt hại nặng do hạn hán gây ra. Hạn hán tác động làm giảm đáng kể về năng suất, diện tích và sản lượng mía, dẫn tới tăng chi phí, tăng giá thành sản xuất mía và đường, giảm thu nhập của nông dân, khiến các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn khi vận hành, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất mía và chế biến đường.

Hạn hán có thể làm giảm năng suất trung bình từ 20 - 40%, còn chữ đường trung bình giảm khoảng 5%. Hạn hán nặng có thể làm thất thu toàn bộ sản lượng mía.

Ngoài ra, hạn hán còn tạo điều kiện thuận lợi cho một số loài sâu, bệnh hại như rệp xơ bông trắng, rệp sáp hồng, sâu đục thân 5 vạch đầu nâu (đục chồi sớm), mối, bệnh than đen, bệnh trắng lá, thối khô gốc… tấn công gây hại cây mía, gây nên các thiệt hại phụ nhưng không hề nhỏ khác.

Các biện pháp giảm thiểu thiệt hại

Các thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất mía đường về năng suất và chữ đường có thể được giảm thiểu bằng cách áp dụng biện pháp sau đây:

1) Khi trồng mía trong điều kiện khô hạn, sau khi rạch hàng, nên tưới ướt đáy rãnh (đến mức bão hòa) trước khi đặt hom, rải phân lót và lấp hàng, làm như vậy vừa giúp cho mái có đủ ẩm để mọc mầm, vừa hạn chế mất ẩm do nước bốc hơi bề mặt. Không nên trồng xong mới tưới vì vừa tốn nước, vừa làm mặt đất bị đóng váng, cây mía khó mọc và đất rất nhanh bị mất ẩm do bốc hơi bề mặt.

2) Ngâm hom 2 - 3 mắt mầm trong dung dịch nước vôi bão hòa trong khoảng 2 giờ trước khi đem trồng. Biện pháp này giúp nâng cao khả năng chịu hạn và giúp tăng năng suất mía từ 7 - 8%. Trong trường hợp không có nước vôi, có thể thay thế bằng cách ngâm hom 2 - 3 mắt mầm trong nước sạch trong khoảng 24 giờ trước khi đem trồng cũng giúp cải thiện đáng kể khả năng nảy mầm của mía trong điều kiện khô hạn.

3) Không nên nên sử dụng hom mía giống quá già, tốt nhất nên sử dụng hom ngọn hoặc hom bay ngọn (1/2 phần thân bên trên của cây mía) làm hom giống để trồng cho những vùng khô hạn.

4) Chọn và trồng các giống mía đã được thực tế chứng minh là có khả năng chịu hạn, tái sinh gốc tốt như My55-14, VN84-4137, ROC22, K84-200, LK92-11, KK3…

5) Bón phân cân đối, hợp lý theo từng loại đất, loại mía và mùa vụ, cũng như nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón.

6) Tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ. Đây là loại phân bón có thể giúp giảm thiểu đáng kể những tác động bất lợi của hạn hán.

7) Phát triển rộng các giống mía có hiệu quả sử dụng nước cao.

8) Ngâm hom mía 2 - 3 mắt mầm trong dung dịch thuốc trừ nấm Carbendazim 0,1% trong khoảng 15 phút và phun thuốc chlorpyrifos với liều lượng 1,0kg a.i./ha dọc theo rãnh mía sau khi rải hom, trước khi lấp, sẽ giúp cải thiện khả năng mọc mầm và kiểm soát mối trong điều kiện khô hạn.

9) Trồng mía rong các hố tròn có độ sâu 30cm, đường kính 75cm, trung tâm hố cách hố là 105cm. Hoặc trồng trong các rãnh sâu 30cm, rộng 60cm. Khoảng cách hàng cánh hàng hàng từ 0,8 - 12m tùy thuộc vào thành phần cơ giới và độ màu mỡ của đất. Đất có thành phần cơ giới càng nặng và càng giàu chất hữu cơ thì khoảng cách hàng càng hẹp.

10) Vun gốc cho mía ngay sau mỗi lần bón phân thúc.

11) Trên ruộng mía lưu gốc, tiến hành băm, cày, xới hoặc cuốc phúp đất giữa 2 hàng mía nhằm băm, vùi lá ngọn lá mía cũ, cắt đứt hệ rễ mía cũ, tạo thêm lớp mùn mới cho đất và phá vỡ mao mạch đất, hạn chế hiện tượng mất nước trong đất do nước bị dẫn lên bề mặt đất và bốc hơi.

12) Không nên đốt ngọn lá mía sau thu hoạch. Ngay sau thu hoạch 1 - 2 ngày, dùng men ủ vi sinh (như men EMUNIV), pha với tỷ lệ 0,3%, kết hợp với nước vôi nồng độ 5% tưới trực tiếp lên thảm lá để thúc đẩy quá trình phân hủy xenlulo, tăng hàm lượng mùn cho đất, tăng khả năng giữ ẩm củađất vàhạn chế cỏ dại phát triển.

13) Bóc, lột các lá mía khô ở phía dưới, sau đó trải lá mái khô vừa bóc che phủ kín mặt ruộng để giữ ẩm cho đất.

14) Phun nước cao lanh 6%, một chất chống thoát hơi nước,lên lá mía ở giai đoạn mía đạt 60 đến 150 ngày sau khi trồng (hoặc thu hoạch vụ trước). Ở các vùng khô hạn, việc làm này có thể giúp cải thiện năng suất mía lên đến 25,75% so với không phun.

15) Phun phân urê và phân KCl lên lá mía (pha ở cùng nồng độ 2,5%, lượng nước phun 1.000 l/ha), phun ở các thời điểm mía đạt 60, 90 và 120 ngày sau khi trồng (hoặc sau khi thu hoạch vụ trước), kết hợp với việc bóc, trải lá mía khô che phủ kín mặt ruộng ở thời điểm 60 ngày sau trồng cũng giúp giảm thiểu đáng kể những tác động bất lợi của hạn hán đến cây mía.

16) Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra cho cây mía khi trồng trong điều kiện khô hạn.

(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường)

Xem thêm
1.000 học sinh trải nghiệm giáo dục 'Chung tay bảo vệ chó mèo'

HÀ NỘI Sáng 10/1, hơn 1.000 học sinh Trường Tiểu học Đan Phượng (Hà Nội) háo hức tham gia ngày hội trải nghiệm giáo dục với chủ đề 'Chung tay bảo vệ chó mèo'.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.