| Hotline: 0983.970.780

Giảm tổn thất sau thu hoạch: Cần điều chỉnh chính sách

Thứ Tư 29/07/2015 , 09:15 (GMT+7)

Ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 68/2013 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản…

Hao hụt giảm rõ

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết 30/6/2015, doanh số cho vay từ khi triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay các khoản vay đầu tư nông nghiệp đã đạt 3.468 tỉ đồng và dư nợ đến ngày 30/6 ở mức 2.438 tỉ đồng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu phải rà soát lại những điểm chưa phù hợp của chính sách, làm rõ vì sao chính sách chưa áp dụng được với thủy sản, vì sao doanh nghiệp chưa tiếp cận với chính sách để khắc phục và trên cơ sở đó xây dựng hẳn một Nghị định về việc giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đến nay có 22 tỉnh có dư nợ cho vay, trong đó một số tỉnh, thành phố dư nợ cho vay cao như Kiên Giang 192 tỉ đồng; Tiền Giang 51,3 tỉ; An Giang 153 tỉ; Đồng Tháp 132 tỉ; Hải Dương 62 tỉ đồng…

Quyết định 68 được đưa vào cuộc sống, khiến số lượng máy, thiết bị tăng nhanh. Cụ thể: máy kéo tăng 12,6%, động cơ các loại 18%, máy gặt lúa liên hợp 92%, máy sấy 6,4%, máy phun thuốc BVTV 22,6%,...

Đồng thời một số loại máy giảm về số lượng như máy tuốt lúa giảm 50% do sử dụng máy gặt đập liên hợp tăng, máy xay xát giảm 48% do sử dụng các loại máy có năng suất cao hơn.

Cùng với việc đưa máy móc vào SXNN, hiệu quả của chính sách đã được thực tiễn ghi nhận, cụ thể như khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL có sự tăng trưởng rõ rệt.

Quyết định 68 cho phép hỗ trợ cả máy móc NK nên số lượng máy gặt đập liên hợp tăng rõ, bổ sung năng lực mới cho SX và đến nay toàn vùng đã có trên 10.000 máy GĐLH.

Phần lớn là máy KOBUTA của Nhật Bản có độ gặt sót thấp dưới 2% nên giảm tỉ lệ hao hụt khá lớn trong thu hoạch. Khâu sấy, hiện năng lực sấy lúa của ĐBSCL đạt khoảng 46%, chủ yếu sử dụng máy sấy tĩnh vỉ ngang chiếm tới 90%, máy sấy tháp chiếm 10%.

Về bảo quản, lúa gạo ở ĐBSCL chủ yếu được chứa trong các nhà kho lớn có nền bê tông và mái tôn. Tổng công suất kho chứa lúa gạo của ĐBSCL đã lên tới 6,7 triệu tấn và đang tiếp tục xây dựng kho chứa 600.000 tấn.

Đối với các loại cây trồng khác như chè cũng áp dụng máy đốn, hái tại các vùng Nghệ An, Lâm Đồng, Yên Bái, Thái Nguyên; cà phê được ứng dụng một số loại máy thu hoạch bằng tay năng suất 1,2-2 tấn/ngày.

Tuy chưa có điều tra, khảo sát cụ thể nhưng có thể tính toán sơ bộ thì tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 48 của Chính phủ nhờ áp dụng máy móc, công nghệ đã giảm mạnh.

Mục tiêu đến năm 2020, nước ta sẽ giảm mức tổn thất sản phẩm lúa chỉ còn 5-6%, ngô 8-9%, cà phê cải thiện giá bán khoảng 10% và các sản phẩm rau quả giảm mức độ tổn thất từ 20% hiện nay xuống còn 10%.

Đối với thủy sản, các nghiên cứu trong nước và thực tế sản xuất đã đưa ra giải pháp về công nghệ và thiết bị bảo quản trên tàu khai thác hải sản đã góp phần nâng cao chất lượng thủy sản nhưng thời gian bảo quản vẫn chỉ từ 10-12 ngày vì vậy tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch vẫn còn cao, từ 20-30%.

Và so với các nông sản khác thủy sản cũng là ngành được đánh giá khó tiếp cận chính sách từ Quyết định 68 nhất.

Gỡ rối và thúc đẩy

Nhận xét về Quyết định 68 của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hà – PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình cho rằng, có nhiều điểm mới như mở rộng đối tượng vay, đối tượng cho vay… tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên chính sách vẫn còn hạn chế, chưa tạo được sự đột phá trong giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ông Hà lấy ví dụ về việc vay vốn mua máy sấy nông sản, chỉ có quy mô nông hộ được hưởng chính sách nhưng doanh nghiệp thì không được, mà sản phẩm nông sản thông qua các doanh nghiệp trực tiếp chế biến mới là phần nhiều.

Cũng theo ông Hà, một điểm vướng nữa khiến chính sách khó triển khai đó là thủ tục tín dụng. Người nông dân muốn vay một khoản tiền khoảng 500 triệu đồng thì phải thế chấp tới 2 căn nhà mới đủ nên ít người có điều kiện để vay.

Để tháo gỡ, cần xây dựng một cơ chế để ngân hàng thực hiện cho vay thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ tiền vay với hạn mức lên tới 70%, số còn lại doanh nghiệp bán máy sẽ cho người nông dân nợ trả dần.

Còn theo ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí nông nghiệp VN, thì Quyết định 68 chưa phát triển mạnh như mong muốn, ít doanh nghiệp tham gia vì chính sách tín dụng không phù hợp, lãi suất tới 8,5% là quá cao so với thị trường.

Ông Hòa đề nghị cần phải điều chỉnh chính sách tín dụng xuống 3-4% mới thực sự là ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp.

 Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đầu tư vào cơ khí chế tạo và coi như đây là hoạt động đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp bởi nếu sử dụng được máy móc sản xuất trong nước thì giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, con đường hỗ trợ tốt nhất, nhiều nhất cho nông dân chính là tạo chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp.

Một chiếc máy nhập khẩu từ Nhật có giá 120 ngàn USD trong khi chiếc máy có tính năng, chất lượng tương đương sản xuất tại Việt Nam chỉ hết khoảng 40 ngàn USD, rẻ bằng 1/3. Vì vậy cần phải có nhiều doanh nghiệp chế tạo máy ở Việt Nam.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.