Nơi chỉ có kiểm lâm, nghiến và lâm tặc
Trời vừa tảng sáng, khi gà chưa kịp gáy chúng tôi gấp rút lên đường theo đoàn kiểm lâm huyện Na Hang (Tuyên Quang) đi tuần rừng. Vượt qua những dốc đá cheo leo, những con đường mòn thăm thẳm, trước mắt chúng tôi hiện ra cánh rừng xanh ngút mắt với hàng trăm cây nghiến cổ thụ cũng là lúc bóng nắng vừa tròn đầu.
Có cây nghiến cả chục cán bộ kiểm lâm lực lưỡng cao trên 1,7m của huyện Na Hang cùng nắm tay nhau nhưng chẳng thể ôm vừa. Những cây nghiến vỏ xù xì đầy rêu mốc, rễ luồn lách qua từng kẽ đá đâm sâu vào lòng đất như để minh chứng cho sức sống bền bỉ.
Anh Lục Văn Thiên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Pác Vãng, thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Nà Hang nói rằng, đã là gỗ nghiến thì đều quý, nhưng nghiến núi đá thì là cực phẩm. Bởi trong điều kiện khó khăn nên cây lớn rất chậm. Nhưng chính cái sự chậm lớn ấy lại làm nên giá trị của nó. Nghiến núi đá cây nào cũng cứng, chắc và rất bền.
Những khu có nhiều nghiến cổ thường ở những vùng sâu, xa khó đi nhất. Để bảo vệ hiệu quả, ngành kiểm lâm đều lập các chốt ở đấy. Có những điểm chốt quanh năm sương giăng mây phủ. Quanh năm chẳng thấy mặt người. Vỏn vẹn cả nghìn ha rừng đặc dụng chỉ có 1 cán bộ kiểm lâm, 2 tuần rừng, 1 cây súng đạn cao su, 1 chiếc lán tạm. Đi bộ 5 giờ đồng hồ không một bóng người, nếu có chỉ là lâm tặc. Bởi thế, anh nào được giao nhiệm vụ đi về trung tâm xã lấy lương thực tiếp tế cho những ngày tiếp theo đều mừng như “vớ được vàng” sau nhiều ngày là “người rừng.”
Những cán bộ kiểm lâm ở chốt bảo, đường đi cách trở nên anh em ở đây thường mua gạo theo tháng. Khắc phục khó khăn, không có điện, các anh dựa vào dòng chảy của thác Pác Vãng để làm thủy điện (mới đây có thêm điện năng lượng mặt trời). Không có chợ, các anh tự đan nứa rồi đắp đất làm vườn trồng rau, chăn nuôi gà, dê, lợn. Đặc biệt, đến nay trạm đã làm được 6 lồng cá.
Trạm Trưởng Lục Văn Thiên cười đùa: “Ở đây thuận lợi nhất là nuôi cá lồng, nguồn nước sạch cá lớn rất nhanh. Sống ở đây chẳng kém gì khu nghỉ dưỡng sinh thái, không khí trong lành, ăn đồ sạch, rau rừng sạch, cá hồ thủy điện thì nhiều vô kể”.
Chốt trung tâm của Trạm kiểm lâm Pác Vãng được xem là nơi văn minh của các điểm chốt giữ rừng cũng nằm trong nhóm 3 không: Không sóng điện thoại, không lưới điện quốc gia, không hàng xóm. Nhiều khi cả tháng trời các anh không được về nhà gặp người thân dù nhà ở ngay thị trấn Nà Hang. Cái hơn của các anh ở chốt trung tâm là thỉnh thoảng còn được gặp dân chài lưới và nhờ vả họ mua cân thịt lợn, chai mắm, yến gạo…
Trạm kiểm lâm Pác Vãng có 2 chốt, với 2 kiểm lâm và 4 nhân viên tuần rừng có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hơn 3.000ha rừng. Loài cây trong khu trạm quản lý phổ biến nhất là cây nghiến, có cây đã vài nghìn tuổi. Nhất là rừng thuộc khu Tà Bẹt có cả vài chục cây nghiến cổ sống tập trung.
Nhìn cuộc sống của các anh, tôi chợt nhớ lại hình ảnh gian khó của những giáo viên cắm bản vùng sâu, vùng cao. Nhưng những người thầy cắm bản hàng ngày còn được giao lưu với các em học sinh, giao lưu với phụ huynh. Còn những kiểm lâm nơi đây thực sự là những người rừng. Có khi cả tuẩn chẳng được tiếp xúc với ai. Nhiều anh nói vui, khi thấy lâm tặc cũng là lúc thấy người duy nhất sau cả tuần, nhưng chẳng thể tay bắt mặt mừng được vì mục đích đến với rừng trái ngược.
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Nà Hang có nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái của toàn bộ những cánh rừng đặc dụng tại huyện Nà Hang với tổng diện tích trên 33.000ha. Hiện Hạt có 6 trạm, 15 chốt với 28 cán bộ, công chức kiểm lâm và 37 nhân viên tuần rừng. Nếu chia theo đầu người, thì bình quân mỗi người phải phụ trách trên 500ha rừng. Trung bình mỗi tháng, các chiến sỹ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng phải có ít nhất 20 ngày ăn ở trong rừng. Trung bình mỗi ngày cán bộ, nhân viên phải đi từ 9 - 10km đường rừng, làm không kể ngày nghỉ cuối tuần; ngủ đêm trong rừng cũng thường xuyên.
Mồ hôi, máu và sinh mạng
Đi qua những con dốc treo mình vắt vẻo bên sườn núi, qua cánh rừng già mới đến chốt kiểm lâm Tham Đét, thuộc xã Sinh Long. Chốt nằm hun hút trong rừng sâu, được dựng từ năm 2014.
Ngày làm chốt Tham Đét, anh em kiểm lâm chật vật khuân vác từng tấm tôn, cây cột. Phải mất nửa ngày đi bộ mới đưa được vật liệu vào điểm dựng nhà chốt. Mùa đông mà mồ hôi các anh túa ra áo ướt đầm đìa, máu thấm rỉ trên vai áo.
Điểm chốt có nhân viên tuần rừng Lý Càn Hai. Tuổi ngoài đôi mươi, sau khi tốt nghiệp Trung cấp lâm nghiệp, chàng trai trẻ người Dao tình nguyện đến với rừng và được giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ kiểm lâm tại chốt bảo vệ gần 2.000ha rừng. Nhận lương tháng chưa đầy 3 triệu, Hai hứa với mẹ, sẽ tích cóp tiền để cất lại mái nhà bị dột. Vì trên rừng ko tiêu đến tiền, gạo nhà mang đi, rau rừng thì nhiều vô kể.
Ngày 8/4/2019, trời mưa như trút nước, sấm chớp đùng đoàng tưởng như vỡ núi, gió xoáy mạnh khiến những cành nghiến rắn chắc vạm vỡ cũng phải đổ gẫy. Căn nhà tạm tại chốt kiểm lâm Tham Đét cũng bị đổ sập hoàn toàn. Trong lều khi ấy có Lý Càn Hai và kiểm lâm viên Lý Văn Luân.
Kiểm lâm viên Lý Văn Luân nhớ lại, đêm ấy mưa rất to, gió lớn. Căn lều tạm rung lên bần bật theo từng cơn gió rít. 2 anh em chia nhau ra tìm chỗ trú ẩn. Cơn giông ngớt, Luân như chết lặng khi tìm thấy Lý Càn Hai nằm dưới đống đổ nát, mặt tái nhợt, người bê bết máu. Xốc vội Hai lên lưng, anh vừa chạy vừa gào thét hi vọng có người trợ giúp nhưng bất lực. Bởi trạm y tế quá xa còn tiếng gào thét của anh cứ văng vẳng rồi tan loãng vào đêm giông.
Nhân viên tuần rừng Lý Càn Hai đã qua đời ở tuổi 30. Để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới bi bô tập nói. Lời hứa cất lại mái nhà cho mẹ của anh vẫn còn dang dở.
Ở ngành kiểm lâm Na Hang, ông Lê Hồng Binh được xem như con chim đầu đàn. Ông vốn là Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang nhưng đã về hưu. Công tác trong ngành kiểm lâm hơn 30 năm, ở khắp cánh rừng Na Hang này chỗ nào ông cũng biết. Khu nào có nhiều gỗ quý, khu nào lâm tặc hay hoạt động ông đều nắm chắc trong lòng bàn tay. Vì vậy năm 2013, lãnh đạo Hạt đã hợp đồng tuần rừng với ông để ông chỉ dẫn, dạy bảo cho cán bộ kiểm lâm trẻ và người tuần rừng hiểu được đường nào đi thuận lợi, đường nào có nhiều khả năng lâm tặc hay khai thác, đường nào sẽ chỉ dẫn đến rừng gỗ quý.
Ngày mới vào nghề, ông Binh có không ít lần bị lạc trong rừng mấy ngày chỉ ăn củ quả, lá rừng. Khi già nghề ông không ít lần bị lâm tặc dùng súng hù dọa. Ông tếu táo: “Đạn chì thì chưa dính, nhưng số lần bị ném đá thì đếm không hết”. Đến nay, trên mặt ông vẫn còn nguyên vết sẹo do lâm tặc dùng đá tấn công. Thế nhưng ông chưa khi nào biết sợ. Gian khó là thế, nhưng bởi nghiệp rừng đã ăn sâu vào tiềm thức ông, và cũng bởi những hi sinh và tâm nguyện còn dang dở của đồng đội nên dù đã về hưu ông vẫn xin ở lại với rừng.
Những cánh rừng nghiến thâm u vẫn mãi xanh ngằn ngặt, ở đó chứa đựng bao câu chuyện thầm kín, bao nỗi nhọc nhằn của lực lượng kiểm lâm huyện Na Hang. Cuộc chiến giữ rừng vẫn vẹn nguyên phía trước và những nhọc nhằn cũng mãi theo mỗi bước chân của các anh.
Hơn 14 năm đã qua, ông Binh chưa thể nào quên câu chuyện về anh Trần Xuân Bắc, nhân viên tuần rừng nằm lại mãi mãi với rừng xanh. Mùa hè năm 2006, anh Bắc cùng đồng nghiệp đi tuần tại khu rừng Nặm Trang, xã Sơn Phú. Phát hiện có lâm tặc, anh Bắc quyết tâm truy đuổi. Lâm tặc nổ súng rồi bỏ chạy, hàng trăm viên đạn hoa cải bắn vào người anh. Anh Bắc đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội.
Do rừng sâu, núi thẳm đường đi khó khăn, phải mất 5 giờ đồng hồ thi thể anh Bắc mới được đưa về thị trấn Nà Hang. Sau này, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hạt đã xin và hoàn thiện được hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sỹ cho anh, đó cũng là nén tâm nhang thành kính an ủi linh hồn anh.
Anh Bắc chưa có vợ, bố mẹ mất sớm. Anh chỉ có chị gái là người thân duy nhất. Người chị gái đã thay bố mẹ nuôi nấng anh nên người. Người chị ấy lại lén nỗi đau, hương khói cho cậu em trai ra đi khi tuổi đời vẫn còn xanh.