| Hotline: 0983.970.780

Gian nan hồi sinh bản Pọng sau trận đại hồng thủy

Thứ Hai 07/01/2019 , 09:11 (GMT+7)

QL 15C nối QL 47 lên thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) vẫn còn nhiều điểm ách tắc sau trận mưa lịch sử đầu tháng 9/2018. Quãng đường về vùng “rốn lũ” bản Pọng như dài thêm...

Tình người

Người dân bản Pọng (xã Tam Chung, Mường Lát) vẫn chưa hoàn hồn khi kể về trận đại hồng thủy đó. Phải đến 30 - 40 năm nay ông trời mới lại nổi một cơn thịnh nộ khiến bản mường xơ xác. Mưa lớn liên tiếp khiến đất khu vực phía trên bản Pọng nứt toác. Cùng lúc, nước lũ dâng cao, tràn vào nhấn chìm 34 ngôi nhà xuống dòng sông; 21 ngôi nhà bị nước, bùn ngập đến tận rốn và có nguy cơ sạt lở.

22-16-50_1
Dân bản Pọng quây lán ở tạm dọc đường

“Đất đá từ trên núi cao đổ xuống ầm ầm. Người dân chỉ kịp kéo nhau ra khỏi nhà chạy thục mạng. Bản có 89 hộ, 34 hộ bị cuốn phăng nhà cửa, tài sản. Bản như một bãi chiến trường hỗn độn bùn đất, xác gia súc gia cầm mắc vào gốc cây, nhà cửa tan hoang, tài sản trôi xuôi theo dòng sông Mã. Chẳng ai vớt vát được thứ gì”, trưởng bản Pọng Lò Quốc Tính hồi tưởng.

Sau cơn đại hồng thủy, bản Pọng gần như bị xóa sổ, thông tin liên lạc bị gián đoạn, điện lưới mất hoàn toàn; 6/8 bản xã Tam Chung bị chia cắt thành những ốc đảo giữa bốn bề sông nước. Chính quyền địa phương và các đơn vị đóng chân trên địa bàn chỉ biết đi tắt lên núi nắm tình hình, tìm đến những hộ dân đang phải sống cảnh màn trời chiếu đất để vận động di tản. Dùng xuồng máy lúc này rất nguy hiểm nhưng nhiều hộ ở thị trấn, phía bên kia cầu Lát vẫn phó mặc hiểm nguy ngược dòng sông Mã tìm kiếm, hỗ trợ người dân bản Pọng. Hàng chục hộ được sơ tán vào khu vực đóng quân của huyện đội cũ, Đồn biên phòng Tam Chung, trường tiểu học xã.

“Nhiều người đến điểm sơ tán chỉ còn mỗi cái quần cộc, trong tay không còn thứ tài sản gì, nước cũng không có để tắm. Rất thảm thương. Sau ngày 4/9, khi thông tin liên lạc được nối lại, tình hình lũ lụt, giao thông tại đây được cập nhật thì công tác từ thiện của các cá nhân, tổ chức mới thực sự bắt đầu” – ông Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung nhớ lại.

Theo thống kê của UBND xã Tam Chung, trận lũ lịch sử đã khiến 114 hộ dân bị sập nhà, sạt lở, bùn đất tràn vào nhà; công trình giao thông, hệ thống bể nước bị hư hỏng nặng; 10,66ha ruộng nước bị cuốn trôi, 30ha ruộng nước bị vùi lấp. Sau khi lũ rút, dịch bệnh lại đổ lên đàn gia súc khiến 61 con trâu bò lăn đùng ra chết… Thiệt hại do bão lũ gây ra ước chừng trên 30 tỷ đồng.
 

Gian nan hồi sinh bản Pọng

Khi thông tin liên lạc, điện lưới được kết nối, lần lượt 266 đoàn từ thiện về hỗ trợ người dân Tam Chung. Tổng số tiền và hiện vật ủng hộ người dân đến thời điểm này là gần 3 tỷ đồng. Nhưng chừng đó chỉ đủ để người dân Tam Chung tạm thời vượt qua khó khăn trước mắt. Những ruộng lúa bị vùi lấp đang rất cần được cải tạo.

22-16-50_2
22-16-50_3
Người dân hối hả tái thiết bản Pọng

“Toàn xã chỉ có 84ha ruộng nước nhưng đã có trên 10ha bị cuốn trôi, 30ha bị vùi lấp, công tác khắc phục, cải tạo đang gặp rất nhiều khó khăn dù các đơn vị đóng quân trên địa bàn đã hết sức hỗ trợ”, ông Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung chia sẻ.

Vực dậy tinh thần sản xuất, chính quyền địa phương đã căng băng rôn ở nhiều tuyến đường với các khẩu hiệu như: “Cán bộ và nhân dân bản Pọng quyết tâm không để đất hoang hóa”, “Tích cực xuống đồng không bỏ hoang ruộng”… Nhiều chính sách hỗ trợ giống của các công ty, doanh nghiệp trên cả nước đã được đưa đến tận tay người dân vùng lũ. Đến nay, Tam Chung đã nhận và phát 1,1 tấn lúa giống, 1 tấn ngô giống và nhiều loại giống rau, màu khác cho đồng bào. Tuy nhiên, điều nhân dân Tam Chung lo lắng hiện nay là việc cải tạo lại đồng ruộng vẫn chưa xong.

“Năm trước, đến thời điểm này đồng bào đã xuống giống. Nhưng năm nay cả xã mới chỉ có 10/30ha ruộng được cải tạo xong, đang chờ nước để gieo mạ. Riêng bản Pọng có tới 14/16ha lúa nước bị cuốn trôi, vùi lấp. Nếu cải tạo được sợ lúc đó không có nước để gieo cấy. Không gieo cấy được thì cái đói là điều không phải bàn cãi rồi”, ông Lò Quốc Tính, trưởng bản Pọng nói.

22-16-50_4
Ruộng lúa đang được cải tạo kịp vụ sản xuất mới

Chúng tôi ngược khe suối về với khu tái định cư bản Pọng cách nơi ở cũ chừng 1km. Dọc đường đi, dấu tích cơn đại hồng thủy vẫn hiện hữu. Xác nhà cửa, cây cối ngổn ngang. Nhiều hộ do chưa có nơi ở mới phải quây lán tạm chừng 5 - 10m2 sống chui rúc dọc các tuyến đường. Mùi phân động vật, mùi xác cây ngâm nước lâu ngày dưới các con suối. Những con suối chảy quanh bản cứ rộng dần ra. Nơi trước đây là những ruộng phù sa màu mỡ thì nay là dòng nước đục ngầu chảy qua.

Trước tình hình thiếu đất tái định cư cho 63 hộ dân trong xã, UBND xã Tam Chung, UBND huyện Mường Lát đã vận động 3 hộ dân và lấy một phần đất nghĩa địa để san lấp làm nơi ở mới cho các hộ. Hai ngọn đồi đã được bạt mái, san gạt để chia đất ở. Công tác tái thiết, hồi sinh bản Pọng đang diễn ra hết sức khẩn trương.

Cánh thợ mộc làm không ngớt việc. Thợ mộc Hà Văn Khương chia sẻ: “Nhà ta cũng chưa làm xong nhưng cả bản đang làm lại nhà mới nên phải giúp đỡ lẫn nhau. Hôm nay làm nhà này, ngày mai lại làm nhà khác. Không ai lấy tiền công cao, giúp đỡ nhau là chính thôi”.

Còn ông Lương Văn Vũ dẫn chúng tôi vào ngôi nhà sàn dựng gần xong, tay xách những bao gạo cứu trợ lên nói: “Giờ thì chưa lo đói vì đang còn gạo cứu trợ. Mấy tuần nay dân bản cùng nhau dựng nhà để còn kịp xuống đồng cấy lúa, đón tết. Nhà ta bị trôi nhưng còn nhặt được mấy cái cột. Phải vay thêm tiền để mua thêm gỗ dựng lại nhà thôi. Vùng đất mới này tuy hẹp nhưng đẹp hơn, lại cao và cách xa bờ suối sẽ an toàn hơn cho người và trâu bò”.

Theo thông tin từ UBND xã Tam Chung, đến thời điểm này đã có 10 hộ dân tái định cư vào ở ổn định; 57 hộ đang lắp ghép, dựng nhà. Những hộ có nhà bị sập hoàn toàn, tự xây dựng lại được hỗ trợ 75 triệu đồng; hộ thuộc diện di dời khẩn cấp được hỗ trợ 40 triệu đồng.

22-16-50_6
Người dân Tam Chung đến UBND xã nhận giống hỗ trợ sản xuất

Trong cái nắng hanh hao của miền Tây xứ Thanh những ngày đầu năm 2019, không khí thi công của nhà thầu, người dân trên những khu đất mới đang diễn ra hối hả. Họ tạm thời gạt đi những đau thương, mất mát để kịp đón Tết Nguyên đán trong những ngôi nhà mới.

Chúng tôi rời bản Pọng khi ánh dương đã khuất sau những rặng núi xa xa. Tiếng cưa, đục vẫn rền vang khắp núi rừng. Người dân bản Pọng vẫn đang nỗ lực hồi sinh bản mường để ra đồng sản xuất và đón Tết Nguyên đán trong những ngôi nhà mới.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm