| Hotline: 0983.970.780

'Gian nan' tìm đường vào lò luyện hoa hậu hoàn vũ ở Venezuela

Thứ Ba 13/11/2018 , 13:15 (GMT+7)

Ngoài tiếng nhạc xập xình còn có cả tiếng lách cách như đế giầy cao gót nện vào sàn catwalk khiến cho tôi quên cả cơn đói lả. Dù không có biển hiệu gì nhưng học viện khá rộng với nhiều phòng chức năng từ phòng dạy cách trả lời phỏng vấn, phòng trang điểm đến phòng học catwalk (đi kiểu người mẫu)...

Năm lần bảy lượt cố gắng bất thành

Giữa hàng trăm đôi chân đi rầm rập trên bờ ruộng lúa của chuyên gia Việt Nam tại Calabozo bang Guarico trong buổi hội nghị ngày hôm đó tôi thấy có một đôi chân rất khác. Sải chân rất dài, mỗi bước chân đều nhấc rất cao, đầu gối co lên một góc giống như dáng của một… con ngựa đang phi nước kiệu. Những bước chân của một người mẫu chuyên nghiệp, bất chấp bên dưới không phải là sàn catwalk mà chỉ là bờ ruộng gập ghềnh đầy bùn đất, cỏ dại.

Người sở hữu những bước chân chuyên nghiệp ấy là Marc La-một nhân viên của Fondas (Quỹ hợp tác nông nghiệp xã hội chủ nghĩa) đang có nhiệm vụ đi thăm lúa.

15-38-16_dsc_2559
Marc La đứng tạo dáng chụp ảnh với chuyên gia Việt Nam

Tai cô tỏ ra cực kỳ nhạy cảm với tiếng màn trập tách tách từ chiếc máy ảnh của tôi. Hễ mỗi dịp đứng trước ống kính là cô tạo dáng người thật chuẩn, nở nụ cười vừa đủ góc khép ½ trên khóe môi, không tươi quá cũng không hững hờ quá. Đã từ lâu lắm rồi cô chỉ được chụp ảnh bằng điện thoại nên rất nhớ cảm giác được chụp ảnh bằng một chiếc máy ảnh thực sự thời còn là học viên trong l lò luyện hoa hậu.

Mức thu nhập bèo bọt đã không thể giữ nổi chân của cô gái có chiều cao 1m76 ấy theo đuổi sự nghiệp người mẫu hay hoa hậu nữa nên đành rẽ ngang làm nhân viên của Fondas với mức lương hiện tại quy từ đồng Bô nội tệ sang đô la Mỹ là 15 USD/tháng. Gặp Marc La-sự tò mò bỗng nhiên trỗi dậy. Tôi muốn biết tình hình của các lò luyện hoa hậu Venezuela-cường quốc hàng đầu về sắc đẹp trên thế giới đang ra sao giữa cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ này.

Gõ nhanh mấy dòng tìm kiếm, sau chừng 5-7 phút chờ đợi vì mạng internet ở đây rất chậm, cuối cùng google cũng trả cho tôi kết quả từ Wikipedia như sau: “Hoa hậu Venezuela là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được tổ chức hàng năm tại đất nước Venezuela từ năm 1952. Cuộc thi có trách nhiệm tuyển chọn người đại diện cho Venezuela tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái Đất và nhiều cuộc thi sắc đẹp khác. Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Osmel Sousa, Venezuela đã trở thành một cường quốc hoa hậu và thành tích sắc đẹp của quốc gia này luôn vượt trội so với mọi quốc gia trên thế giới. Venezuela từng giành tới 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 6 vương miện Hoa hậu Thế giới, 7 vương miện Hoa hậu Quốc tế, 2 vương miện Hoa hậu Trái Đất, 1 vương miện Nữ hoàng Du lịch Quốc tế…”.

Nhan sắc của một học viên kiêm trợ giảng tại học viện Gisselle Reyes (một "lò" chuyên đào tạo thi hoa hậu)

Thật tình cờ Guarico nơi các chuyên gia Việt Nam sang giúp bạn trồng lúa nước lại là bang cống hiến nhiều hoa hậu nhất cho Venezuela, 8 lần. Vậy là tôi đặt quyết tâm trong 10 ngày ở quốc gia này phải thâm nhập vào bằng được một lò luyện hoa hậu dù có phải trả phí bao nhiêu đi chăng nữa.

Người đầu tiên tôi nhờ, không ai khác chính là Marc La. Chiều hôm đó, cô vui vẻ nhận lời nhưng chỉ sáng hôm sau gặp lại tôi, cô ngại ngùng bảo đại ý rằng các lò luyện hoa hậu là một thế giới riêng, ngay cả người dân bản địa cũng khó vào nổi chứ chưa nói gì đến người ngoại quốc. Tôi vừa thuyết phục cô cố gắng thêm lại vừa chơi đường vòng nhờ sếp của cô nói thêm vào. Cách này xem chừng có sức nặng. Marc La đồng ý giúp đỡ tiếp.
 


[clip] Học viện Hoa hậu dạy cả cách vỗ tay...
 

Hồi hộp đợi chờ, đến hôm sau cô mới thỏ thẻ bảo, vấn đề không phải là giá cả mà phải có công hàm của đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela giới thiệu. Hoa hậu là một nét văn hóa đặc trưng của quốc gia này, tôi muốn tìm hiểu công nghệ đào tạo của nó thì phải đi theo con đường ngoại giao. Thấy cửa đó phiền hà tôi đành thôi.

Tôi đem kể thế bế tắc với Công Anh-người phiên dịch rất nhiệt tình của đoàn thì được cậu ta mách nước: “À, sứ quán Việt Nam ở Caracas có cô Maria trước đây là người mẫu lại xuất thân từ giới giàu có, lắm mối quan hệ, anh liên hệ thử xem!”. Mừng húm, tôi lại nhờ và chờ đợi. Rủi thay cô này vừa xin nghỉ việc 1 tháng trước để đi học ở Tây Ban Nha (nhưng thực tế có thể là đi tìm việc mới ở Tây Ban Nha). Vậy là cánh cửa thứ hai tưởng như hé mở cũng đóng sập.

Ngày thứ 5, ngày thứ 6, ngày thứ 7…tôi tìm đủ mọi cách để dò hỏi vào lò luyện hoa hậu nhưng vẫn bặt vô âm tín. Phần vì chênh lệch múi giờ (múi giờ của Venezuela chậm hơn Việt Nam nửa ngày), phần vì lo lắng mốc 10 ngày sắp hết mà không biết lò luyện hoa hậu tròn méo thế nào, mỗi tối tôi chỉ ngủ được 2-3 tiếng, tâm trí chập chờn mãi không yên. Chẳng gì tôi cũng mang nỗi khát khao của mấy chục triệu người Việt, là nữ thì tò mò muốn biết cụ thể về quy trình chăm sóc sắc đẹp của hoa hậu, là nam thì tò mò muốn biết kết quả cuối cùng của quy trình ấy ra sao.
 

Gõ cửa đúng lò

Thấy tôi cứ héo hon, ủ rũ, một người bạn bỗng nhớ ra và giới thiệu với Voth-luật sư người bản địa mang ½ máu Đức, sinh ra ở Mỹ và lớn lên ở Venezuela. Dù là luật sư nhưng Voth lại làm thêm đủ thứ nghề như buôn ô tô cũ, làm dịch vụ giấy tờ cho các đại sứ quán, có mối quan hệ rộng và nhất là tiếng Anh thông thạo, một điều rất hiếm ở Venezuela.

Chiều ngày thứ 8, Voth chở tôi đến hai lò luyện hoa hậu ở thủ đô Caracas. Lò thứ nhất nằm dưới chân một con dốc, trông khá bề thế, trên bức tường sơn màu tím có đính dòng chữ to mạ vàng “Miss Venezuela” (hoa hậu Venezuela). Cửa đóng then cài, Voth bấm chuông một hồi mới có một bảo vệ đi ra, xì xồ một lát anh vui vẻ bảo: “Tôi đã đưa cho nó số điện thoại rồi, có gì họ sẽ gọi”.

15-38-16_dsc_2749
15-38-16_dsc_2752
Học viện Miss Venezuela

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Xe dừng trước một garage sửa chữa ô tô khiến tôi tưởng nhầm nhưng không phải, Voth kéo sang cửa hàng kế bên-nơi đặt chủ sở của một lò luyện hoa hậu khác, nó không có biển hiệu gì cả. Một nữ quản lý xuất hiện. Voth trình bày một thôi, một hồi nguyện vọng của tôi, một nhà báo từ nửa vòng trái đất. Người này tươi cười, đưa cho mấy tấm giống như card visit một mặt là người đàn trung tuổi đẹp rạng rỡ, một mặt là số điện thoại rồi hẹn chiều mai đến vì hôm nay không có lớp.

Voth chìa điện thoại cho tôi xem tấm ảnh chụp chung với chính người đàn bà trung tuổi trên tấm card visit ấy, xem chừng khá thân mật. Đoạn cuối của đường hầm đã le lói ánh sáng. Tôi khấp khởi mừng thầm nhưng vẫn lo bởi cái hẹn ngày mai đối với người dân Venezuela nhiều khi có nghĩa là không bao giờ.

15-38-16_dsc_2753
Voth đang đứng trước cửa học viện Miss Venezuela

Sáng hôm sau, tôi được người của quỹ Fondas dẫn đi thăm các khu nhà ở xã hội, nhà trẻ lẫn bãi rác ở thủ đô Caracas. Chuyến đi thú vị nhưng dài hơn dự kiến bởi thứ nhất phải trình hộ chiếu, đăng ký lịch rồi đợi người quản lý của nhà trẻ cho phép vào nhưng mất cả tiếng đồng hồ gọi nóng cả máy mà chị này vẫn chỉ “còn ít phút nữa là tới”; thứ hai bởi đến bãi rác ngoài bị lính canh vác súng kè kè ra hỏi thăm cũng lại phải chờ người quản lý đến xin phép. Khi lái xe đưa về đến khách sạn, đồng hồ đã chỉ 2h30 chiều, chẳng kịp ăn uống gì, tôi vội lên xe của Voth. Đến học viện Miss Venezuela chẳng thấy một ai, Voth lại vội chở tôi về địa điểm thứ hai…

Người quản lý tra chìa khóa vào ổ, cánh cửa sắt nặng nề bỗng bật mở. Bên trong đèn đóm sáng lòa. Ngoài tiếng nhạc xập xình còn có cả tiếng lách cách như đế giầy cao gót nện vào sàn catwalk khiến cho tôi quên cả cơn đói lả. Dù không có biển hiệu gì nhưng học viện khá rộng với nhiều phòng chức năng từ phòng dạy cách trả lời phỏng vấn, phòng trang điểm đến phòng học catwalk (đi kiểu người mẫu).

Gisselle Reyes bà chủ của Học viện làm đẹp mang tên mình giới thiệu trên mạng rằng: “Cô ấy là Gisselle Reyes-"bà đỡ đầu của tất cả những cô gái năm này qua năm khác, hiện thực hóa ước mơ hoa hậu của họ”. 15 tuổi bà đã tham gia vào hội chợ quốc tế do bang Vargas tổ chức sau đó được ông Osmel Sousa-Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Venezuela để ý và mời về trung tâm đào tạo Miss Venezuela Quinta nhưng lúc đó bà còn nhỏ quá, mới chỉ 16 tuổi. 18 tuổi bà được chấp nhận vào học viện Herman, nơi đã tổ chức Miss Venezuela năm 1985.

15-38-16_dsc_2847
Tác giả cùng Voth tại học viện Gisselle Reyes

Gisselle Reyes tuy không lọt vào tứ kết cuộc thi đó nhưng lại được ông Osmel căn dặn: “Đừng béo lên nha, 10 ngày sau cô sẽ thi quốc tế”. Bà ngạc nhiên bảo: “Tôi đâu có được giải gì mà đi thi?”. Nhưng ông trùm bảo bà sẽ là đại diện cho Venezuela thi hoa hậu du lịch vùng Caribe và Trung Mỹ. Ở cuộc thi đó, bà đã là hoa hậu.

Ngoài sắc đẹp, Gisselle Reyes còn sở hữu điệu đi catwalk rất đặc biệt, tự do và phóng khoáng. Những bước đi là thương hiệu của bà được đặt là “tumbao reyes”. Bởi thế, có hàng ngàn thí sinh trong các cuộc thi sắc đẹp của Venezuela thậm chí của cả vùng Nam Mỹ bỏ tiền, bỏ của đến đây muốn học dáng đi đấy với khát vọng cháy bỏng một ngày được đội lên đầu chiếc vương miện vinh quang.

15-38-16_dsc_2867
15-38-16_dsc_2869
Cảnh học catwalk ở học viện Gisselle Reyes
Dù lạm phát triệu phần trăm, thu nhập xuống thê thảm nhưng với phụ nữ Venezuela hễ ra đường là phải ăn mặc thật đẹp, phấn son lộng lẫy. Marc La dành khoảng 1/3 thu nhập trong tổng số 15 USD lương cho việc mua các loại mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng. Những công đoạn trước đây thường phải ra quán như cắt tóc, làm móng thì giờ đây để tiết kiệm cô đã tự làm hết.

 

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).