Lùng giống gà kiếm như tìm báu vật
Có những trưa hè, Ngọc nổ máy chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp các vùng quê. Hễ nghe ở đâu có tiếng gà trống ta gáy tiếng âm vang là anh tìm đến. Gặp chủ nhà, Ngọc trổ hết “tài năng” từ năn nỉ, ỉ ôi đến tỏ ra làm giận cũng chỉ để mua được chú gà trống kiến (có nơi bà con gọi là gà ta).
Con gà trống tía độ tuổi lớn với bộ lông đỏ xen tím mượt rực lên dưới nắng. Đám lông đuôi bảy sắc vống cao lên lượn xuống cứ rập rờn trong gió. Nhìn nó, Ngọc như bị đứng bóng nên quyết mua cho bằng được.
Chủ nhà bảo con gà trống kiến của nhà nuôi đến nay đã mấy lứa. Lứa này được con trống tía đẹp nhất nên để lại chứ không muốn bán. Nghe vậy, Ngọc lại đánh bài lỳ ngồi nói chuyện, buộc chủ nhà phải pha tiếp trà mời khách.
Hết hai phích nước sôi mà chủ nhà chưa muốn bán dù đã trả với giá cao. Ngọc lại với tay cầm phích nước thứ ba chêm vô ấm trà, đến lúc này chủ nhà bái: “Thôi, tôi xin thua, chú cứ mang về lấy giống rồi khi mô ghé lại trả cho tôi chứ mua bán làm gì”.
Tay ôm gà, tay chạy xe mà nhiều lúc Ngọc muốn bỏ cái xe lại dọc đường ôm chạy bộ cho mau về nhà…
Đó là câu chuyện của gần 8 năm về trước, chứ bây giờ họ tên đầy đủ của anh là Trần Thanh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nhật Minh (có trụ sở tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), chuyên nuôi gà lấy trứng và cho ấp nở để cung ứng gà giống, gà kiến cho thị trường.
Tôi ngồi với Ngọc trong trang trại gà được đầu tư bài bản với những phân khu rất chuyên nghiệp. Cạnh sân sát cổng đi vào là khu chuồng nuôi gà mái hậu bị. Khi gà lớn đến tuổi nhảy ổ là chuyển sang khu gà đẻ để sống chung với gà trống. Khu ấp trứng và tiêm phòng gà con trước khi xuất bán. Cạnh đó là kho trứng, khu nuôi gà trống kiến với đủ bộ màu lông đỏ, tía, vàng, cam lục …
Hỏi ra mới biết, Ngọc vốn sinh viên trường Đại học Nông Lâm Huế, học chuyên ngành Chăn nuôi. Sau mấy năm kiên nhẫn ký nợ quán nước trước cổng trường anh nhận tấm bằng Đại học và bước ra đời với mớ kiến thức khá dày nhưng chưa qua thực tiễn.
Những năm tháng đầu tiên, Ngọc được nhận vào làm ở một công ty liên doanh với nước ngoài chuyên về cung cấp con giống gà. Hết lạ đến quen và cũng là lúc anh góp nhặt được những kiến thức cơ bản cho chuyên ngành “gà giống học” như anh nói.
“Nhưng tôi nhận ra một điều là họ cung cấp giống ra thị trường không được đảm bảo về chất lượng cũng như việc kháng bệnh trong quá trình nuôi sau này. Từ đó, tôi nung nấu quyết tâm phải tự mình làm ra con giống đúng chuẩn từ nguồn gốc bố mẹ cho đến an toàn giống đến tay người nuôi”, Ngọc bộc bạch.
Nói câu xin thôi việc thì dễ, nhưng bắt tay vào khởi nghiệp muôn điều khó khi trong tay chưa có vốn. Nhưng điều mà Ngọc mất ngủ nhất là bắt đầu từ đâu. Một buổi trưa không ngủ, Ngọc bỗng bật dậy khi nghe tiếng gà trống gáy. Tiếng con gà trống ta của nhà hàng xóm lên báo thay canh giờ.
Tiếng gáy khỏe khoắn như phá tan cái không gian tĩnh lặng của trưa nồng. Phía cuối xóm, vẳng nghe tiếng một con gà kiến khác gáy đáp trả. Tiếng “ò, ó, o…” kéo dài ngân mãi trong không trung. Ngọc bật dậy, nghiêng tai nghe mãi những âm thanh cuối ò, o, ò kéo dài đó mà bật thành tiếng: “Ò, cửa kho đây rồi”.
Ngay hôm sau, Ngọc phóng xe ra chợ làng. Chợ họp đông nhưng Ngọc chỉ ngóng về nơi góc chợ. Ở đó mấy mẹ đang xếp những chiếc lồng tre lớn, trong đó nhốt đủ các loại gà ta, gà tây, gà lai…đủ màu sắc để bán. Gà nhiều, nhưng chỉ được vài con gà trống kiến.
Những chú trống tía tuổi choai, cái mồng đỏ trên đầu mới nhú đỏ hoét như bông hoa mào gà đầu mùa cứ không chịu đứng yên mà tranh giành nhau chổ đứng trong chiếc lồng chật chội. Có được bao nhiêu mua bấy nhiêu. Cả tháng trời đi chợ riết đến nỗi mấy bà quen mặt. Vậy là ai có gà trống kiến hay gà mái ta đều để dành bán cho chú Ngọc. “Con trai mà đi mua gà thấy cũng tội”, mấy bà bảo nhau như vậy.
Mua ở chợ chưa đủ, Ngọc lại chạy xe đi cả các xã trong vùng. Trưa nào cũng đi như vậy. “Đi buổi trưa mới nghe được gà gáy, mới biết được con nào độ tuổi sung, con nào độ tuổi choai mà định lượng để hỏi mua”, Ngọc bảo vậy.
Mua được vài chục gà trống, gà mái ta, Ngọc mừng như tậu được báu vật. Chăm đàn gà có khi bỏ bữa. Nào làm chuồng tách riêng, nào tiêm các loại thuốc phòng bệnh cho đàn gà sung sức. Rồi những trứng gà đầu tiên, những lô trứng ấp nở đầu tiên và những lứa gà con như những cục bông nhiều màu sắc vừa chạy vừa chiêm chiếp liên hồi làm Ngọc thấy như mình đã mở cánh cửa để bước vào những thử thách mới.
Vươn ngang tầm… khu vực
Khi trang trại được mở rộng, đàn gà của Ngọc cũng tăng dần theo thời gian. Cho đến lúc đàn gà có tổng số khoảng 2.000 con Ngọc bắt đầu có “tên tuổi” trong giới cung ứng gà giống. Điều khác biệt ở trang trại là thay vì đàn gà có màu sắc vàng nhạt hay trắng là vì thuộc nhóm gà lai, gà giống của Ngọc mỗi con mỗi màu sắc, vàng, trắng, đỏ, tím…có đủ. Bà con đến mua gà giống cứ phải gật đầu và bảo nhau: “Vì đó là gà kiến, gà ta mà. Hết cãi nhé”.
Đơn hàng ngày càng nhiều hơn. Ngọc phải mở rộng trang trại, nâng tổng đàn gà đẻ lên mới đáp ứng được. Những con số qua hàng năm cứ tăng lên 4.000 lên 6.000 lên 8.000 và đến nay vừa chẵn 10.000 con. Trong đó, gà trống có khoảng 2.000 con để phối giống.
Cùng với hệ thống ăn và nước uống hiện đại, công ty còn trang bị máy ấp trứng và tiêm vacxin tự động, đảm bảo số lượng trứng và chất lượng con giống cung cấp cho thị trường.
Hệ thống chuồng trại được nâng cấp và các khâu thức ăn, nước uống cho gà đã được sử dụng công nghệ tự động, vừa giảm sức lao động vừa đảm bảo sức khỏe cho đàn gà. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên hệ thống máng ăn tự động, toàn bộ thức ăn sẽ được cung cấp cho gà tại các chuồng nuôi, điều mà trước đây trang trại phải mất đến 4 nhân công để hoàn thành công việc.
Hôm nay, trang trại xuất bán gà giống cho khách hàng.Trước khi gà giống được đóng hộp an toàn đã qua tiêm phòng và phun thuốc phòng bệnh qua hệ thống máy tự động. Vừa quan sát công nhân làm việc, Ngọc vừa cho chúng tôi hay, tiêm phòng và phun thuốc phòng các loại dịch bệnh cho đàn gà đảm bảo trong vòng 4 tháng nuôi thành gà thương phẩm không bị mắc bệnh.
Mỗi tháng, trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 50.000 gà giống đảm bảo chất lượng. Đây là giống gà được phối từ gà trống địa phương có ưu thế khỏe mạnh, thịt ngon, đẻ nhiều: “Giá bán của trang trại là từ 15-17 ngàn/con. Giá đó là cao hơn so với thị trường giống. Tuy nhiên, chúng tôi bán giá cao nhưng không đủ hàng bán cho khách hàng đấy”. Ngọc tâm sự.
Câu chuyện “không đủ hàng bán” là tôi được kiểm chứng ngay vì trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ít nhất là có ba lần Ngọc nghe điện thoại từ khách hàng nhưng phải từ chối vì không còn số lượng gà giống để cung ứng. Có chị khách hàng ở một tỉnh bạn khi nghe không có gà giống cứ mắng xa xả trên điện thoại với Ngọc làm anh phải nhăn mặt xin lỗi đến mấy lần.
“Thời gian này, bà con mua nhiều vì để thả đàn kịp bán vào dịp Tết. Vì vậy nhu cầu tăng cao. Trang trại cũng có sự chuẩn bị cho nhu cầu này nhưng vẫn không đáp ứng được hết”, Ngọc nói tiếp.
Ngọc cũng cho hay rằng, đặc điểm gà giống của trang trại là thân nhỏ. Gà trống lớn cũng chỉ độ 2-2,5 kg, gà mái nhẹ hơn khoảng 1,6-1,8kg. Nhưng bù lại giá bán lại cao hơn nhiều so với gà lai. Chị Lê Thị Liễu, một chủ gia trại ở Lệ Thủy cho hay, gia đình chị nuôi mỗi lứa khoảng 500 con.
“Gà rất ít khi bị bệnh. Khi bán luôn được với giá trên 80 ngàn đồng/kg. Nhưng là gà lai giá chưa đến 60 ngàn đồng/kg. Với lại gà ta dễ bán nên mọi người ai cũng thích lấy giống từ trang trại chú Ngọc”, chị Liễu chia sẻ.