Theo sau hội thảo quốc tế về chăn nuôi côn trùng làm nguồn thực phẩm cho tương lai nhân loại được Tổ chức lương nông Liên hợp quốc (FAO) tổ chức tháng 2/2008 tại Chiang Mai (Thái Lan), việc chăn nuôi và chế biến côn trùng làm nguồn thức ăn thay thế thịt, tôm cá, gia súc, gia cầm đang được đẩy mạnh và định hình thành ngành kinh tế nông nghiệp mới.
Nhu cầu chất đạm từ thịt động vật mỗi ngày một lớn. Mức tiêu thụ thịt trung bình trên toàn thế giới vào khoảng 20kg/người/năm cách nay 20 năm, đến bây giờ là 50kg và dự kiến 20 năm sau vào khoảng 80kg. Trong khi đó dân số sẽ tăng từ gần 7 tỷ người hiện nay lên trên 9 tỷ trong năm 2050. Rõ ràng nguồn thịt từ gia súc, gia cầm và các loài thủy sản sẽ không thể đáp ứng bởi việc hạn chế mở thêm diện tích đồng cỏ, cạnh tranh ngũ cốc lương thực, và môi trường nước đang bị suy thoái nhanh chóng.
Với mức sản xuất hiện nay, lượng khí nhà kính từ ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm đã chiếm tới 20% khí thải làm Trái đất nóng lên, chủ yếu là từ methane và các ô nhiễm oxid nitơ, ammonia. Trong khi đó cùng lượng protein cung cấp từ chăn nuôi côn trùng sẽ làm giảm khí methane đến 10 lần, và làm giảm các oxid nitơ và ammonia đến 300 lần. Các loài côn trùng thuộc nhóm máu lạnh nên hiệu suất chuyển hóa xơ sợi thực vật thành đạm động vật rất cao, mặt khác địa bàn sinh sống của côn trùng cũng rất đa dạng, từ môi trường rừng núi đến đầm lầy hay đất ẩm, cát nóng.
1.462 loài côn trùng có khả năng trở thành thức ăn cho con người, trong đó 527 loài đã trở thành món ăn quen thuộc ở 36 nước châu Phi, 29 nước châu Á và 23 nước châu Mỹ. Tằm tơ và ong mật là nhóm được nuôi làm nguồn thức ăn sớm nhất. Thói quen ăn châu chấu và mật ong đã được nói tới từ hơn 3.000 năm trước trong thời Cựu ước. Nghề nuôi sâu tre (bamboo worm) tức loại bướm rừng như ở Thái Lan đang có thu nhập cao. Trước đây không lâu có đến 90% người Lào bản địa vẫn còn thói quen ăn dế và cào cào cho tới khi giảm đi bởi tư tưởng phương Tây.
Một số thịt côn trùng đã khá quen với khẩu vị con người nhưng một số khác cần được chế biến xử lý. Người ta cũng dùng côn trùng làm thức ăn cho cá hay để nuôi gia cầm, một mặt để chúng không cạnh tranh nguồn ngũ cốc với con người, mặt khác tăng thêm lượng thịt vốn sẽ khan hiếm trong tương lai gần. Thịt của nhiều loài côn trùng có hàm lượng chất đạm tức protein cao và rất giàu vitamin cùng khoáng chất. Trong 100g thịt dế có đến 12,9g chất đạm, 5,5g chất béo, 5,1g chất đường, 75,8mg calci, 9,5mg chất sắt, 3,1mg niacin, 1,09mg riboflavin, 185,3mg phốt-pho, 0,36mg thiamin, tạo ra 121 calories; so với 100g thịt bò cho ra 288,2 calories, 23,5g chất đạm và 21,2g chất béo.
4 nhóm côn trùng được tập trung phát triển thành nguồn thức ăn với nhiều khẩu vị khá ngon hay độc đáo gồm các bọ cánh cứng; kiến, ong mật và các loài ong; dế và châu chấu; và các loài sâu bướm. Đặc biệt ấu trùng các loài bướm (thường gọi là sâu tre) mà ta thường gặp trong rừng Trường Sơn hay giữa các đồng cỏ được bán với giá rất cao. Các loài côn trùng đang viết nên trang sử mới, từ chỗ làm cho nhiều người gớm ghét trở thành thực phẩm thông dụng như thịt gia súc, gia cầm, và kỹ nghệ côn trùng từ chỗ đánh bắt hoang dã trở thành ngành nuôi lấy thịt, chế biến, đóng hộp hay đóng gói như các loại thực phẩm khác.
Để đẩy mạnh ngành kinh tế nông nghiệp non trẻ này, FAO đã mở một trại nghiên cứu đặt tại Lào, bao gồm cả công việc đào tạo kỹ năng chăn nuôi côn trùng cho khoảng 15.000 người. Một hội nghị quốc tế về thực phẩm côn trùng cũng dự kiến được tổ chức trong năm 2013. Ở nước ta, với ưu thế khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nhiều rừng và thổ trắc dày, ngành nuôi côn trùng cũng đã manh nha trong đó nhiều công ty tập trung vào phổ biến, đào tạo và chuyển giao công nghệ như Cty Sinh Thái tại TP HCM. Tuy nhiên để nghề này trở thành một ngành kinh tế thực sự cần đến một chiến lược quốc gia.