| Hotline: 0983.970.780

Giới thương lái Ấn Độ săn lùng gạo tích trữ

Thứ Hai 06/06/2022 , 20:10 (GMT+7)

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của chính phủ đã khiến giới kinh doanh lúa gạo tại quốc gia Nam Á tăng cường thu mua gạo vì lo ngại một lệnh cấm tương tự.

Nhân công Ấn Độ bốc xếp gạo lên tàu xuất khẩu. Ảnh: RT

Nhân công Ấn Độ bốc xếp gạo lên tàu xuất khẩu. Ảnh: RT

Bốn nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Ấn Độ cho biết, trong hai tuần qua, các thương nhân đã ký hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo cho các hợp đồng giao hàng từ tháng 6 đến tháng 9 và mở chứng thư tín dụng (LC) ngay sau khi ký kết các thỏa thuận để đảm bảo số lượng theo hợp đồng ngay cả khi chính phủ nước này hạn chế xuất khẩu.

Ước tính các giao dịch mua gạo kỳ hạn này có thể lên tới khoảng 9,6 triệu tấn gạo trong năm nay.

Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành công ty Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ cho biết: “Các thương nhân quốc tế đã đặt hàng mua trước từ 3 đến 4 tháng và mọi người đều mở LC để đảm bảo hoạt động kinh doanh được liên tục”.

Thông thường trước đây các nhà nhập khẩu gạo chỉ ký giao dịch cho tháng hiện tại và cùng lắm là một tháng sau.

Theo các chuyên gia, việc thu mua gạo ồ ạt từ Ấn Độ cũng có thể làm giảm nhu cầu đối với mặt hàng gạo của Việt Nam và Thái Lan, các nhà xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba thế giới, vốn đang phải vật lộn để cạnh tranh về giá.

Vào tháng trước, chính phủ Ấn Độ đã bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì, chỉ vài ngày sau khi cho biết họ đang nhắm mục tiêu xuất khẩu gạo cán mức kỷ lục trong năm nay. Tiếp đó là một lệnh cấm giới hạn đối với mặt hàng đường.

Ấn Độ không phải là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, nhưng lại là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil.

Những hạn chế xuất khẩu vừa qua dẫn đến suy đoán rằng Ấn Độ cũng có thể giới hạn các lô hàng gạo, mặc dù các quan chức chính phủ cho biết nước này không có kế hoạch đó vì họ có đủ gạo dự trữ và giá gạo nội địa thấp hơn giá hỗ trợ của nhà nước.

Lệnh cấm đối với lúa mì của Ấn Độ đã khiến một lượng lớn ngũ cốc của nước này bị mắc kẹt tại các cảng và chỉ cho phép các hợp đồng có LC được phép xuất khẩu.

Ấn Độ chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu.

Theo ông BV Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ, các khách hàng nước ngoài đang tìm kiếm nguồn nhập khẩu gạo Ấn Độ vì nó rẻ hơn nhiều so với các đối thủ.

Các đại lý cho biết, hiện giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ đang được chào từ 330 đến 340 USD/tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 455 - 460 USD/tấn của Thái Lan và 420 - 425 USD/tấn của Việt Nam.

Chính phủ Thái Lan cho biết, Thái Lan và Việt Nam không thể cạnh tranh với Ấn Độ và họ đang cố gắng tìm cách để hỗ trợ giá. Nếu Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, giá gạo thế giới có thể tăng mạnh.

Trong khi đó, một đại lý có trụ sở tại New Delhi cho biết: "Gạo Ấn Độ rẻ hơn 30% so với các nước khác. Do đó các quốc gia nghèo ở châu Á và châu Phi sẽ bị buộc phải trả giá rất cao nếu Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Đó là lý do tại sao người ta đổ xô mua gạo Ấn Độ”.

Bangladesh, Trung Quốc, Benin, Cameroon, Nepal, Senegal và Togo là những khách hàng chính đối với gạo non-basmati của Ấn Độ, trong khi Iran và Ả Rập Saudi là những khách hàng chính của loại gạo basmati cao cấp.

Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 21,5 triệu tấn gạo vào năm 2021, so với mức xuất khẩu 12,4 triệu tấn của Việt Nam và Thái Lan.

Một doanh nghiệp có trụ sở tại Mumbai cho biết, các nước nhập khẩu sẽ hoảng loạn đi tìm nguồn hàng sau khi tin đồn về lệnh cấm bắt đầu lan truyền bởi hiện không có quốc gia nào có thể thay thế được nguồn gạo của Ấn Độ.

(Reuters)

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất