| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa BC15 bị làm giả!

Thứ Hai 17/06/2013 , 09:45 (GMT+7)

Cơ quan chức năng trên địa bàn Bắc Giang, Hà Nội vừa phát hiện vụ việc làm giả giống lúa thuần nội địa có tiếng: BC15.

Cơ quan chức năng trên địa bàn Bắc Giang, Hà Nội vừa phát hiện vụ việc làm giả giống lúa thuần nội địa có tiếng: BC15.

Trụ sở HTX Nông nghiệp La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) mấy hôm nay người ra vào nhộn nhịp lạ thường. Nông dân nào cũng cầm trên tay một túi nylon đựng những hạt lúa giống đã ngâm ướt nhèm, bốc mùi đến bắt đền HTX. Người đòi lại tiền, người đòi đổi giống khiến cho ông Tạ Công Ty - thủ quỹ của HTX mệt nhoài khi phải giở sổ sách, ghi ghi, chép chép cả trăm cái tên một ngày. Tất cả là do lô giống 1.360 kg BC15 giả mà HTX đã mua của ông Đặng Tài Cam ở xã Đức Giang cùng huyện về bán cho bà con với giá 33.000đ/kg. Khi nông dân đem thóc ra ngâm, thấy tỷ lệ nảy mầm kém đã nhất loạt đòi trả lại. Phần thóc đã ngâm, để cho đỡ bốc mùi ở trụ sở HTX người ta đem ra sân phơi, phần còn nguyên vẹn vỏ bao thì cất trữ vào kho.


Giống BC15 thật bên phải

Ông Tạ Công Ty chép miệng than: “Ông Cam trước đây vẫn cung cấp lúa giống cho HTX chúng tôi. BC15 đã được nông dân ở La Phù trồng tới mấy vụ, năng suất cao nên họ rất thích. Lúc đầu có một vài người đem trả lại giống vì nảy mầm kém chúng tôi tưởng họ không biết ngâm ủ, đến khi có nhiều người cùng phản ánh, kiểm tra kỹ mới thấy giống có vấn đề. Ai mà ngờ được khi bao bì của nó in nào cúp, nào huy chương, nào giải thưởng này nọ”.

Ông Cam khai số lúa trên mua của đại lý Ngô Thị Huệ ở số 221 Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội). Khi cơ quan chức năng triệu tập bà Ngô Thị Huệ để xác minh, bà nói đã mua từ Công ty CP giống cây trồng nông nghiệp Thái Bình của bà Ngô Thị Hảo ở Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang.

Nhìn những bao lúa BC15 đang xếp đống ở trụ sở HTX, tôi thấy chúng đều đóng gói loại 1 kg, mang tên Công ty Cổ phần giống Cây trồng Nông nghiệp Thái Bình. Trên bao bì ghi hạt giống lúa sản xuất từ siêu nguyên chủng BC15, với địa chỉ Đông Hoàng, Đông Hưng, Thái Bình. Thóc chứa bên trong lẫn nhiều trấu, bụi, thậm chí cả mọt gợi nhớ cho tôi về một kiểu bao bì đóng vô cùng ẩu với những cái tên lập lờ “sản xuất từ siêu nguyên chủng” của các công ty giống mini làm ăn chộp giật trước đây. Những túi nhỏ này được đóng gói trong một bao xác rắn to, màu trắng, có ghi cả số điện thoại di động liên hệ. Bấm theo số máy 0982.293.583 in trên vỏ bao, một giọng nữ đầy vẻ thận trọng tiếp chuyện tôi một hồi, hỏi dò đủ thứ rồi cúp máy đột ngột.


Bà con La Phù kéo nhau đến trả lại giống và đòi tiền

Theo những nông dân La Phù, khi thấy bao bì giống BC15 này khác với lần trước, thắc mắc thì được giải thích vẫn là giống BC15 nhưng ở cấp sản xuất từ siêu nguyên chủng nên chất lượng tốt hơn, giá bán cao tới 33.000đ/kg (trong khi giống BC15 xịn của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình bán ra thị trường là cấp xác nhận, giá bán lẻ tới tay nông dân 30.000đ).

Ông Tô Đình Chiến - đại diện cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình khẳng định với chúng tôi rằng toàn bộ số giống ở La Phù không phải do đơn vị sản xuất mà là hàng vi phạm bản quyền bởi BC15 là giống độc quyền của Cty mình: “Tên và địa chỉ trên bao bì lô lúa này rất lạ: Công ty CP Giống cây trồng nông nghiệp Thái Bình, ở xã Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình). Trong khi đó, công ty chúng tôi có địa chỉ ở 36 phố Quang Trung, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình và chúng tôi chưa hề ủy quyền cho đơn vị nào có tên như trên. Thực tế kiểm tra ở địa chỉ xã Đông Hoàng cũng không hề có công ty này”.

Đây không phải lần đầu tiên, giống lúa “bom tấn” với số lượng bán mỗi năm nhiều ngàn tấn như BC15 bị làm giả. Ngày 7/6, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cũng đã bắt được 730kg lúa BC15 giả. Sau đó, tại đại lý ông Trần Gia Vượng ở thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội), Đội quản lý thị trường số 14 Hà Nội cũng đã phát hiện 95kg lúa giống BC15 giả với bao bì ghi của Công ty CP Giống cây trồng nông nghiệp Thái Bình, địa chỉ ở xã Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình).

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.