| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa chủ lực cho ĐBSCL: Bộ giống lúa ST đặc sản gạo thơm

Thứ Ba 16/07/2019 , 10:10 (GMT+7)

Trong suốt gần 30 năm qua các giống lúa ST lần lượt ra đời không ngừng được nghiên cứu chọn tạo. Từ thực nghiệm trên đồng ruộng, mở rộng vùng trồng, qua đó tích lũy các ưu điểm...

Sau 25 năm dòng lúa ST ra đời, năm 2017 giống lúa thơm đặc sản ST24 tạo nên kỳ tích ngoan mục, đạt giải Gạo ngon Top 3 thế giới tại Macao (Trung Quốc, do The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) vinh danh và giải Nhất gạo ST24 hữu cơ tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III – Long An năm 2018.

10-13-06_nh_10_-_cnh_dong_lu_thom_vo_mu_chin_ro_-_nh_dmh
Cánh đồng lúa thơm vào mùa chín rộ. Ảnh: Trọng Linh.

Chuỗi sự kiện đánh dấu thành quả miệt mài sáng tạo của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua cùng đồng sự nhóm cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, đã lai tạo ra bộ giống lúa thơm đặc sản ST nổi tiếng. Nông dân vùng ĐBSCL và cả nước biết đến với phẩm chất gạo ST cơm thơm ngon vào hàng bậc nhất.
 

Bước tiến ST24

Trên vùng đất mặn ven biển bán đảo Cà Mau, nói đến lúa gạo Sóc Trăng hầu như nông dân nào cũng nghe biết tới danh tiếng lúa thơm ST. Từ năm 1992 giống lúa ST đầu tiên ra đời, đã thành công vang dội với mô hình luân canh tôm – lúa thông minh ở vùng nước lợ, từng được các chuyên gia nông nghiệp thế giới công nhận độc nhất trên thế giới.

Trong suốt gần 30 năm qua các giống lúa ST lần lượt ra đời không ngừng được nghiên cứu chọn tạo. Từ thực nghiệm trên đồng ruộng, mở rộng vùng trồng, qua đó tích lũy các ưu điểm đã được thị trường người tiêu dùng ưa chuộng về phẩm chất, nâng cao năng suất và tính chống chịu thời tiết, sâu bệnh…

Đánh dấu thành quả đạt được trong bộ giống lúa ST, Bộ NN-PTNT công nhận chính thức các giống lúa ST3, ST5 và ST24 (vào tháng 3/2019) thuộc bộ giống lúa quốc gia.

ST24 là giống lúa thơm cao sản, thời gian sinh trưởng ngắn ngày (100 - 105 ngày), cao cây (100 - 110cm), bông to, hạt dài, gạo trắng, thơm, cơm ngon, ngọt. Đây là giống có tính ổn định cao trong SX, khả năng thích nghi rộng ở nhiều vùng miền, nhất là thích nghi trong điều kiện vùng đất mặn ven biển. Tính chống chịu kháng đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông tốt. Một yếu tố tiên quyết giúp nông dân đảm bảo phẩm chất hạt gạo đạt điều kiện an toàn thực phẩm, giảm chi phí SX vì không cần phun thuốc BVTV trong giai đoạn lúa trổ cong trái me.

Theo nhóm tác giả chọn tạo giống lúa, ST24 là kết quả đạt được trong mục đích rút ngắn chu kỳ sinh trưởng trong SX cho vụ Mùa và vụ ĐX dưới 100 ngày. Đáp ứng trong thời gian nước ngọt trên đồng ngắn để dự phòng thời tiết thay đổi theo chu kỳ ngắn, tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và tránh rủi ro trong SX. Về mặt này khắc chế được nhược điểm trên trong năm 2015 (gặp lúc thời tiết khô hạn, các giống lúa trước đó là ST5, ST22 không thu hoạch được).

Trong vụ lúa ĐX 2018 - 2019 ở Sóc Trăng và một số tỉnh vùng ven biển ĐBSCL, nhu cầu đặt hàng lúa thơm của thương lái và doanh nghiệp tăng lên ước tính lượng lúa giống cung cấp mở rộng vùng canh tác ST24 trên 40.000 - 50.000ha.

10-13-06_nh_9_-_mo_hinh_lu-tom_o_soc_trng_-_nh_st
Mô hình lúa-tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.
Tiếp tục chọn tạo thêm những giống mới đa dạng trong bộ giống lúa ST có chu kỳ sinh trưởng ngắn, đa dạng sản phẩm gạo hạt ngắn, mềm cơm, thơm nhẹ, tỉnh Sóc Trăng có thêm 3 giống mới ST21, ST23, ST25 đang được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ khảo nghiệm SX thử trên 6 điểm thuộc các tiểu vùng ĐBSCL.

Trong đó, theo mô hình tôm-lúa thông minh trồng lúa hữu cơ ST24 tại Sóc Trăng, gạo hữu cơ ST24 (đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn USDA và châu Âu) giá trị cao, giá 80.000 đồng/kg hiện SX chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là một sản phẩm được xem điển hình trong quá trình SX và xuất khẩu coi trọng sức khỏe người tiêu dùng và “sức khỏe” môi trường.
 

Để mở rộng thị trường

Bộ giống lúa đặc sản ST, với ST24 ngắn ngày, cao sản có ý nghĩa đóng góp lớn lao vào thị trường gạo ngon thế giới (trong khi so với các giống lúa mùa Thái Lan có thời gian sinh trưởng dài ngày), có thể mở rộng vùng trồng lúa trên phạm vi rộng, gia tăng sản lượng gạo thơm đặc sản của Việt Nam.

Ở các tỉnh ven biển ĐBSCL tiềm năng SX trên vùng nuôi tôm luân canh lúa còn rất lớn, có thể mở rộng hơn 160.000ha. Đặc biệt với ưu điểm người nuôi tôm đang chuyển sang sử dụng chế phẩm vi sinh để SX ra sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn ATTP, gạo sạch hữu cơ ST24 sẽ có thêm cơ hội vững chân trên thị trường.

Từ hơn 10 năm qua định vị mô hình trồng lúa ST trong ao tôm ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng hiệu quả, hiện nay tỉnh Cà Mau có vùng lúa-tôm, đặc biệt là nhiều vùng có chân ruộng nước sâu, giống lúa ST có dạng hình cao cây, cứng cây, chịu độ mặn phù hợp.

Ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trong vụ HT lúa ST canh tác hàng ngàn ha thu hoạch đạt chất lượng tốt, thương lái bao tiêu dễ dàng, chứng thực hiệu quả kinh tế cho vùng trồng lúa mang lại giá trị tăng cao ở vùng lợ ven biển.

Tuy nhiên nếu muốn mở cửa thị trường cho các giống lúa thơm đặc sản lại còn một câu chuyện khác. Đơn cử từ khi ST24 “lên hương” thị trường gần như mặc định là giống lúa có phẩm chất gạo ngon cơm nhất và giá đắt, cao nhất trong khi thị trường nội địa gạo cao cấp chưa hình thành ổn định. Nông dân SX lúa thơm ST không muốn doanh nghiệp bao tiêu theo giá thị trường mà ấn định giá sàn 6.000 đồng/kg trở lên.

Thêm nữa, khi một giống mới nào đó hút hàng lập tức theo sau đó có tình trạng “hàng giả” lấy lúa thịt bán giống, tỷ lệ lẫn tăng cao, chất lượng gạo mùi thơm giảm. Doanh nghiệp không mặn mà mở rộng đầu tư bao tiêu… Đó là thực trạng chung ảnh hưởng đến tiến trình chọn tạo ra giống lúa thật tốt, muốn xây dựng thương hiệu gạo ngon Việt Nam nhưng vẫn còn trắc trở.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Năm 2018, Việt Nam là 1 trong 3 cường quốc XK gạo lớn nhất thế giới. Ấn tượng mạnh mẽ trong 3 năm qua (2016 - 2018), sản lượng gạo thơm chất lượng cao không ngừng tăng lên đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo dựng nền tảng gia tăng giá trị hạt gạo. Gạo trắng cấp thấp và trung bình XK giảm mạnh từ 30,8% xuống còn 11,9%. Gạo trắng cấp cao có biểu hiện giảm nhẹ 27,8% còn 24,3%. Trong khi xu hướng gạo ngon, thơm, đặc sản, gạo Japonica tăng nhanh từ 22,7% lên 29,4%.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.