Nhóm giống lúa thơm OM được Bộ NN-PTNT công nhận giống quốc gia đưa vào SX, chuyển giao nhanh chóng tỏ rõ ưu thế vượt trội như: OM4900, OM5954, OM3536, OM7347, OM121, OM9921, OM9915, OM355, OM18, OM6162, OM6600...
Lúa thơm OM ngon cơm
Ở ĐBSCL cơ cấu giống được nông dân lựa chọn canh tác tùy theo mùa vụ. Điều này dễ nhận ra vì sao trong vụ lúa HT 2019 trên thị trường có một số giống lúa tiêu thụ chậm, lập tức nông dân chuyển hướng SX mạnh với giống OM5451, chiếm 70% diện tích canh tác.
Lúa thơm OM4900. Ảnh: Hữu Đức. |
Theo nông dân lý giải, OM5451 thuộc dòng cao sản chất lượng cao, gạo ngon, trắng, hạt dài. Với đặc tính dễ trồng dễ bán, thương lái mua lúa tươi giá cao. Riêng vụ HT 2019 đang thu hoạch lúc thị trường tiêu thụ gặp khó, giá vẫn đứng mức 4.200 - 4.400 đ/kg, trong khi so với lúa IR50404 chỉ 3.800 đ/kg.
Tuy nhiên trong các các giống lúa OM nhẹ thơm nhẹ hiện có 3 giống thuộc hàng “hot” như: OM4900, OM7347, OM9921, đang được thị trường rất ưa chuộng.
Một thương lái mua bán lúa gạo tại TP Cần Thơ nhận xét: Hai ba năm gần đây khi giống lúa Jasmine 85 bị nạn “giống giả” (lấy từ lúa thịt làm giống) khiến gạo mất mùi thơm. Trong khi OM4900, OM7347, OM9921 giữ ổn định, gạo mềm cơm, thơm nhẹ; tỷ lệ thu hồi gạo tương đương Jasmine 85.
Vì vậy xu hướng thương lái, doanh nghiệp đặt hàng nông dân thông qua các HTX, tổ hợp tác ký kết hợp đồng SX, bao tiêu để chuyển mạnh sang dòng lúa thơm OM. Hiện nay lúa thơm OM chiếm phần nhiều trên các cánh đồng lớn thuộc vùng phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu và một số vùng bị ảnh hưởng mặn ít.
Theo Phòng Điều hành SX và chuyển giao giống cây trồng, Viện Lúa ĐBSCL, riêng dòng lúa thơm OM chiếm khoảng 10% các giống lúa OM cao sản chất lượng cao của viện cung cấp về trung tâm giống các tỉnh trong vùng và HTX, câu lạc bộ nông dân SX giống. Mỗi vụ viện cung cấp khoảng 6 tấn giống siêu nguyên chủng (giá 40.000 - 50.000 đ/kg), giống nguyên chủng (13.000 - 15.000 đ/kg) và giống xác nhận (11.000 đ/kg).
Bản quyền OM để giữ chất lượng
Những năm gần đây, triển khai mùa vụ SX lúa ở ĐBSCL qua tham khảo thị trường gạo nội địa và dự báo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đồng thời căn cứ báo cáo định kỳ của các tỉnh, địa phương, Cục Trồng trọt đưa ra khuyến cáo cơ cấu giống thích nghi, phù hợp cho mỗi tiểu vùng SX.
Trong vụ ĐX 2018 - 2019 vừa qua, về cơ cấu giống lúa, bên cạnh một số giống lúa thơm nhẹ, nếp được nông dân trồng bán theo yêu cầu thương lái, nhóm giống lúa chính thuộc dòng OM vẫn đóng vai trò chủ lực, chiếm diện tích lớn nhất gồm: OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218... Còn lại là nhóm giống chất lượng trung bình có thể duy trì với tỉ lệ 15 % trong cơ cấu giống.
Lúa gạo thơm OM4900. Ảnh: Hữu Đức. |
Tuy nhiên trên thực tế SX, một số địa phương nông dân không phải lúc nào cũng nghe theo khuyến cáo mà chỉ trồng những giống lúa nào có thị trường tiêu thụ, thương lái tại địa phương thu mua.
Mặt khác, tình trạng bán giống kém chất lượng, tráo lúa thịt của viện lúa vẫn diễn ra, đã làm một số giống tốt giảm uy tín.
Hiện số vụ vi phạm bị thanh tra ngành nông nghiệp, cơ quan chức năng phát hiện xử lý còn ít, so với tình trạng lén lút mua bán giống giả, giống kém chất lượng. Đó là lý do vì sao không chỉ các giống lúa OM mà một số giống lúa vừa mới nổi tiếng thơm ngon, có thể quảng bá mở rộng SX, xây dựng thương hiệu gạo nhưng chỉ qua một hai năm rồi sớm thu hẹp vùng trồng, sản lượng gạo ngon không đủ lớn tạo lợi thế thương mại trên thị trường.
Một số giống lúa OM thơm nhẹ, ngon cơm + Giống lúa OM4900 có nguồn gốc từ tổ hợp lai C53/Jasmine 85//Jasmine 85 được lai tạo bởi Bộ môn Di truyền - giống, Viện Lúa ĐBSCL. Thời gian sinh trưởng 105-110 ngày (lúa cấy), 95-100 ngày (lúa sạ); chiều cao cây: 100-110 cm; khả năng đẻ nhánh tốt; dạng hình đẹp; cứng cây: cấp độ 1; số bông/m2 đạt từ 290-320 bông; số hạt chắc/bông: 156 hạt; khối lượng 1.000 hạt: 29-30 gram. Năng suất trung bình: 5,0-7,0 tấn/ha. Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức: 78-79%; gạo trắng: 67-70%; gạo nguyên 45-50%; chiều dài hạt gạo: 7,0-7,3 mm; tỷ lệ D/R: 3,1. Độ trở hồ: cấp 3; độ bền gel: 95-100 mm; hàm lượng amylose: 16-16,8%. Hạt gạo đẹp, thon dài, không bạc bụng, thơm cấp 1. Tính chống chịu khá tốt với rầy nâu, đạo ôn và bạc lá, chịu mặn tốt. + Giống lúa OM 7347 có nguồn gốc từ tổ hợp lai Khao Dawk Mali/BL//BL. Thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, chiều cao cây (cm) 100-105, đẻ nhánh khá, dạng hình khá, số hạt chắc/bông 232, khối lượng 1.000 hạt 26-27g, năng suất 6,0-8,5 tấn/ha. Phẩm chất: Hạt gạo dài, trong, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàm lượng amylose 16,8%, cơm ngon, mùi thơm nhẹ. Tính chống chịu: Chống chịu rầy nâu cấp 5, chống chịu đạo ôn cấp 5. Tính nghi với các vùng sinh thái và các vụ trong năm. + Giống lúa OM 9921 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM2517/Rồng Xanh//Lúa dài.
Thời gian sinh trưởng 100-110 ngày, chiều cao cây 100-105 cm, đẻ nhánh khỏe, dạng hình đẹp, bông dài, đóng hạt khá, lá xanh khi chín, số hạt chắc/bông 120, khối lượng 1.000 hạt 25-26g, năng suất 5,0-8,0 tấn/ha. Tính trạng phẩm chất: Hạt gạo thon dài, trong và ít bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàm lượng amylose 17-18%, cơm ngon, dẻo, thơm nhẹ, tỉ lệ gạo nguyên cao. Tính chống chịu: Chống chịu rầy nâu cấp 3-4, chống chịu đạo ôn cấp 5-8. Tính thích nghi: Thích nghi với các vùng sinh thái và các vụ trong năm. Chống chịu phèn mặn tốt (3-4 phần nghìn). |