| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa HG12 chiếm trọn niềm tin của nông dân Quảng Trị

Thứ Sáu 01/09/2023 , 14:19 (GMT+7)

Qua sản xuất thử nghiệm nhiều năm liền, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị kiến nghị đưa giống lúa HG12 vào giống chủ lực.

Vụ hè thu 2023, gia đình ông Nguyễn Thọ Hữu ở Hợp tác xã Bích La, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) gieo sạ 7,5 sào (3.750m2) giống lúa HG12. Đến thời điểm cuối tháng 8, lúa đã chín rộ, năng suất ước đạt 320kg/sào (64 tạ/ha). Theo ông Hữu, với nhiều ưu điểm vượt trội, HG12 không những được gia đình ông mà sẽ có rất nhiều hộ trồng lúa lựa chọn trong những vụ mùa tiếp theo.

Qua sản xuất thử nghiệm nhiều năm liền, giống lúa HG12 đã tạo được niềm tin của nông dân Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Qua sản xuất thử nghiệm nhiều năm liền, giống lúa HG12 đã tạo được niềm tin của nông dân Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

“Đây là vụ thứ 5 gia đình tôi trồng giống lúa HG12. Dù là vụ đông xuân hay hè thu, lúa HG12 đều cho năng suất, chất lượng cao. Ưu điểm của lúa HG12 là chống chịu sâu bệnh, chống đổ ngã tốt, năng suất cao, gạo ăn thơm ngon, được thị trường ưa chuộng”, ông Hữu cho hay.

Bài liên quan

HG12 là giống lúa thuần do Công ty Cổ phần Giống cây trồng - Vật nuôi Thừa Thiên Huế lai tạo. HG12 được bà con nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đưa vào sản xuất thử từ năm 2020. Qua quá trình sản xuất, HG12 đã thể hiện các đặc tính tốt, phù hợp trên đồng ruộng Quảng Trị và hiện đã được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành giống cây trồng. Vụ hè thu 2023, toàn tỉnh Quảng Trị đã nhân rộng sản xuất giống HG12 được hơn 750ha.

Để có cơ sở tham mưu Sở NN-PTNT bổ sung vào cơ cấu các giống lúa chủ lực sản xuất trên địa bàn thay thế dần các giống lúa cũ đã thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp, vụ hè thu 2023, Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế đưa vào sản xuất trên diện rộng giống lúa HG12 với quy mô 115ha tại Hợp tác xã Bích La.

Qua theo dõi trên đồng ruộng thời gian qua ở các địa phương và vụ hè thu 2023 tại Hợp tác xã Bích La, Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị khẳng định, HG12 là giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng trên nhiều chân đất; thời gian sinh trưởng trong vụ hè thu 90 - 95 ngày, vụ đông xuân 115 - 120 ngày. Cây có chiều cao vừa phải, cứng, khả năng chống đổ tốt; sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khá.

Cây lúa thời kỳ đầu lá lướt mềm, giai đoạn đứng cái làm đòng lá thẳng đứng, dạng hạt dài, màu vàng sáng. Tỷ lệ xay xát trên 68%, hạt gạo trắng trong, cơm mềm dẻo, ngon, vị đậm, có mùi thơm; năng suất trung bình 65 - 70  tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt trên 75 tạ/ha. HG12 chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận, đặc biệt ít bị ảnh hưởng do nắng nóng trong vụ hè thu, chịu chua phèn, mặn, ít nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại chính.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị (thứ 2 từ phải sang) đánh giá cao những ưu điểm của giống lúa HG12. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị (thứ 2 từ phải sang) đánh giá cao những ưu điểm của giống lúa HG12. Ảnh: Võ Dũng.

Với những ưu điểm trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị đề nghị các địa phương mạnh dạn nhân rộng giống lúa HG12 trên địa bàn trong vụ đông xuân 2023 - 2024 và các vụ tới.

Quảng Trị là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Vì vậy, việc chọn giống lúa ngắn ngày để né lũ trái vụ, lũ tiểu mãn, ít mẫn cảm với thời tiết bất thuận là điều hết sức quan trọng. Ngành nông nghiệp Quảng Trị đang triển khai đề án nông nghiệp hữu cơ, vì vậy giống cây trồng cần có khả năng chống chịu sâu bệnh để giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị đánh giá, HG12 là giống lúa triển vọng, có thể cơ cấu được cả 2 vụ đông xuân và hè thu.

Qua khảo nghiệm của các hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh, qua 3 năm sản xuất, HG12 cho năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống đổ tốt, chống chịu nhiều loại sâu bệnh. Đây là giống có thể cơ cấu để thay dần các giống lúa đã thoái hóa trên địa bàn tỉnh, bổ sung vào cơ cấu bộ giống chất lượng cao của tỉnh.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.