Thứ Tư, 8/1/2025 23:51 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa OM 9582 chinh phục đất mới

Thứ Hai 31/07/2017 , 14:06 (GMT+7)

TCty CP Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) vừa tổ chức hội thảo giới thiệu và trình diễn giống lúa OM 9582 với sự tham gia của các đại biểu là nông dân sản xuất giỏi, đại diện các HTX giống trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

09-06-10_nh_1_-_nong_dn_thm_qun_mo_trinh_trinh_dien_giong_lu_cu_cty_thi_binh
Tham quan mô hình sản xuất lúa giống OM 9582 tại huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ

Mô hình được trình diễn trên diện tích 15.000m2 của hộ anh Trần Tuấn Khải ở ấp Kinh H1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Áp dụng với phương thức cấy tay kết hợp mô hình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” để nâng cao hiệu quả trong quá trình SX. Lượng giống OM 9582 dùng cho toàn mô hình là 80kg (5kg/1.000m2), mật độ thưa để giúp cây lúa đẻ nhiều nhánh tốt, không cạnh tranh dinh dưỡng. Với lượng giống như trên anh Khải đã tiết kiệm hơn 2/3 so với sạ bằng phương pháp truyền thống.

Anh Trần Tuấn Khải cho biết, đặc điểm giống OM 9582 này là giống có độ thuần cao, khả năng thích nghi, chống chịu sâu bệnh khá tốt. Mức độ nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn của giống OM 9582 so với giống lúa Jasmine 85 anh gieo sạ vụ trước thì nhẹ hơn và dễ điều trị hơn. OM 9582 là giống lúa đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bông to, hạt dài sáng. Thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, khoảng 95 ngày từ ngày bắt đầu ngâm, ủ giống đến thu hoạch. Tổng lượng phân bón trên 15.000m2 lúa cả vụ HT là 455kg (Ure: 150kg, DAP: 190kg, Kali: 115kg), tiết kiện gần 6kg/1.000m2. Số lần phun xịt là 6 lần, so với các giống lúa Jasmine (12 lần) giảm được 6 lần phun xịt, do đó tiết kiệm được chi phí rất lớn.

Vụ HT này anh Khải là người tiên phong trồng thử nghiệm giống lúa OM 9582, cây chắc, khỏe, không có lem lép hạt, ước tính năng suất đạt 8,5 tấn/ha.

Sản lượng lúa của anh Khải được ThaiBinh Seed thu mua bao tiêu với giá 6.300 đ/kg, cao hơn giá bán trên thị trường gần 1.500 đ/kg. Sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc, tiền thuê đất, mô hình của anh cho lợi nhuận hơn 28 triệu đồng, cao hơn các ruộng lúa thông thường khoảng 8 triệu đ/ha. Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định và thường xuyên được cán bộ kỹ thuật của ThaiBinh Seed hướng dẫn nên anh rất yên tâm. “Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với ThaiBinh Seed hợp tác sản xuất giống lúa OM 9582 và vận động bà con tham gia để góp phần phát triển kinh tế địa phương”, anh Khải nói.

Tham quan điểm trình diễn lúa giống OM 9582 của anh Khải, ông Lý Văn Hiệp, GĐ HTX số 1, ấp Tân Hòa B, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) nhận xét: “Vụ HT này thời tiết rất khắc nghiệt, các giống lúa thông thường có khả năng chống chịu rất kém. Trong khi đó giống OM 9582 kháng bệnh tốt, tôi rất ưng ý. Vụ tới tôi sẽ canh tác giống lúa này”.

Còn ông Nguyễn Văn Thành, đại diện HTX Đồng Vạn (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) đến tham quan mô hình cho biết: “Đây là giống lúa có năng suất cao, ít hạt lép, có triển vọng trong thời gian tới. Tôi sẽ giới thiệu cho nhiều bà con trong HTX của mình gieo trồng trong vụ tới”.

Ông Trần Mạnh Báo, TGĐ TCty Giống cây trồng Thái Bình nhận định, so với các giống của địa phương thì OM 9582 có chất lượng tốt hơn, do Cty bỏ công nghiên cứu kỹ lưỡng và có nhiều đặc tính phù hợp ở khu vực ĐBSCL như cứng cây, xanh lá, kháng một số loại sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. OM 9582 cũng được đánh giá là giống lúa chịu được độ phèn, mặn khá cao, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng ở khu vực ĐBSCL...

 

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.