| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa Phúc Thái 168 chắc hạt, đều bông

Thứ Năm 19/05/2022 , 16:45 (GMT+7)

HÀ GIANG Giống lúa lai 3 dòng Phúc Thái 168 trồng thử nghiệm ở Hà Giang rất sạch sâu bệnh, chắc hạt, đều bông, có triển vọng thay thế các giống lúa cũ tại địa phương.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, giống lúa Phúc Thái 168 được triển khai trồng trên cánh đồng Nà Trang thuộc đội 6, thôn Hùng Tiến xã Hùng An, huyện Bắc Quang (Hà Giang) với quy mô 1ha, có 7 hộ gia đình tham gia. Đến nay sau gần 4 tháng chăm sóc, mô hình đã cho thu hoạch với nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng.

Phúc Thái 168 là giống lúa lai 3 dòng do Công ty CPHH Giống cây trồng Khoa Hội, Phúc Kiến, Trung Quốc (Công ty Khoa Hội) lai tạo, đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức theo QĐ số 5157/QĐ-BNN-TT ngày 31/12/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed phân phối.

Các đại biểu tham quan mô hình. Ảnh: Hoàng Tuyên.

Các đại biểu tham quan mô hình. Ảnh: Hoàng Tuyên.

Giống lúa Phúc Thái 168 có thời gian sinh trưởng trong vụ xuân từ 120 - 130 ngày. Giống sinh trưởng phát triển khoẻ, cứng cây, đẻ nhánh khá gọn, lá đòng nửa thẳng, xanh vừa, bản lá trung bình, chịu thâm canh cao, ít nhiễm đạo ôn, nhiễm bạc lá và khô vằn nhẹ. Hạt gạo thon dài, mỏ vẹo; năng suất trung bình đạt 70 - 75 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 85 tạ/ha; chất lượng gạo ngon, hạt gạo trong, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ.

Bà Phạm Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho biết, qua quá trình triển khai mô hình cho thấy giống Phúc Thái 168 là giống cảm ôn, do được đầu tư chăm sóc đảm bảo nên sinh trưởng, phát triển tốt. Về sâu bệnh hại, trên khu ruộng mô hình không có đối tượng sâu bệnh nào gây hại nặng phải phòng trừ trong suốt cả vụ. Một số đối tượng như sâu bệnh hại như: Bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, rầy, bệnh bạc lá… có xuất hiện gây hại song ở mức nhiễm nhẹ nên chưa đến ngưỡng phòng trừ.

Giống Phúc Thái 168 có số hạt/bông cao, số hạt chắc/bông cao và tỷ lệ lép thấp hơn giống Nhị ưu 838 là giống có năng suất cao đã gieo trồng trên chân đất địa phương. Sau 1 vụ trồng thử nghiệm, giống lúa này cho năng suất đạt 79,27 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa đối chứng 11,17%, tương đương 8,32 tạ/ha.

Giống lúa Phúc Thái 168 cho thấy nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng trên xứ đồng ở Hà Giang. Ảnh: Hoàng Tuyên.

Giống lúa Phúc Thái 168 cho thấy nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng trên xứ đồng ở Hà Giang. Ảnh: Hoàng Tuyên.

Ông Phan Huy Thế, thôn Tân Hùng, xã Hùng An, huyện Bắc Quang cho biết, qua hội nghị tổng kết mô hình và nghe những hộ dân tham gia trồng trực tiếp kể lại thì trồng giống lúa Phúc Thái 168 về phân bón và công chăm sóc tương đồng với các giống lúa trước đây gia đình ông đã trồng.

Trong quá trình triển khai mô hình, dù thời tiết không thuận lợi do rét đậm, rét hại kéo dài nhưng bước đầu giống lúa Phúc Thái 168 đã khẳng định sự chống chịu với điều kiện bất thuận, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đảm bảo theo yêu cầu mô hình đề ra. Vì vậy nếu những vụ tiếp, gia đình ông Thế sẽ chọn giống lúa Phúc Thái 168 để trồng thay những giống lúa cũ trước đây.

Toàn xã Hùng An, huyện Bắc Quang hiện có 216ha đất sản xuất 2 vụ lúa. Hiện nay, trên địa bàn xã bà con gieo trồng nhiều loại giống lúa khác nhau, có những giống có từ lâu đời nên bị thoái hóa và nhiễm sâu bệnh, làm giảm năng suất và chất lương gạo; có những giống không rõ nguồn gốc, không có quy trình sản xuất.

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng An, huyện Bắc Quang cho biết, việc xác định giống lúa mới như Phúc Thái 168, nắm rõ đặc tính và làm chủ quy trình sản xuất của giống để bổ sung, thay thế dần các giống lúa cũ chất lượng kém là hết sức bức thiết.

Qua mô hình triển khai thành công, ông Khởi mong muốn các ngành chức năng tỉnh tỉnh Hà Giang và Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để đưa giống lúa Phúc Thái 168 vào sản xuất theo hướng tập trung, liền vùng. Từ đó, làm cơ sở cho nhân dân thăm quan, học tập để khuyến cáo đưa vào sản xuất đại trà trên địa bàn toàn tỉnh.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.