Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) vừa cùng Hội Nông dân xã Vân Thuỷ (Chi Lăng, Lạng Sơn) đánh giá mô hình sản xuất trình diễn giống ớt cay lai f1 Hafam 6. Tham gia đánh giá mô hình, ngoài các nhà nông trên địa bàn còn có một số doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Mô hình trồng ớt cay Hafam 6 có diện tích gần 2ha tại thôn Bản Dù (xã Vân Thuỷ) trong vụ xuân hè 2024. Hiện ớt đang cho thu hoạch rộ, năng suất trung bình đạt 22,5 tấn quả/ha (8,3 tạ quả/sào 360m2), những hộ thâm canh tốt năng suất đạt hơn 10 tạ/sào.
Ông Vi Văn Phương trồng 5 sào ớt Hafam 6 trong mô hình, dự tính hết vụ thu hoạch sẽ thu được 4,5 tấn ớt, tương ứng năng suất bình quân đạt 900kg/sào (24,3 tấn/ha). Ông Phương cho biết, giống ớt Hafam 6 chỉ cho năng suất ngang bằng giống đối chứng (VA.99999) nhưng có ưu điểm quả to hơn, chín tập trung hơn, thời gian sinh trưởng cũng ngắn hơn khoảng 15 ngày, nhờ đó cho phép sản xuất thêm được vụ đông sau khi thu hoạch vụ ớt xuân hè (trồng khoai tây, ngô nếp hoặc các cây rau màu ngắn ngày). Bên cạnh đó, giống ớt cay Hafam 6 còn có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là bệnh thán thư.
Ông Kim Dong Won - Chủ tịch Công ty Five Agency Co.Ltd và Lee - Chủ tịch Công ty KoFarm (Hàn Quốc) sau tham quan mô hình đều đánh giá rất cao giống ớt Hafam 6 và cùng ngỏ ý sẵn sàng bao tiêu ớt quả để làm gia vị chế biến kim chi. Tuy nhiên quy mô sản xuất hiện còn khá nhỏ (gần 2ha) nên cần mở rộng diện tích lớn hơn sao cho đủ khối lượng thu mua định kỳ mỗi lần 1 container 20 feet (20 tấn) ớt tươi/tuần (7 ngày), đồng thời rất cần có kho lạnh để lưu trữ quả.
Bà Nguyễn Thị Thoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Thuỷ cho biết, ớt là một trong những cây trồng nông nghiệp chủ lực của huyện Chi Lăng với diện tích gieo trồng dao động từ 300 - 700ha/năm, sản phẩm chủ yếu xuất khấu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên diện tích trồng và giá ớt thường trồi sụt thất thường. Nay được các nhà khoa học tới chuyển giao giống mới, kỹ thuật thâm canh và giới thiệu doanh nghiệp thu mua nên bà con rất phấn khởi.
Hiện nay cây ớt ở Chi Lăng được luân canh với lúa nước vụ mùa nên giảm thiểu được rất nhiều loại sâu bệnh hại. Nhờ trồng ớt vụ xuân hè trái vụ so với các địa phương chuyên canh ớt ở nước ta và Trung Quốc nên nếu tổ chức sản xuất tốt, tiềm năng cho phát triển trồng ớt ở Lạng Sơn còn rất lớn.
Bên cạnh sản xuất trình diễn giống ớt cay f1 Hafam 6 tại xã Vân Thuỷ, Viện Nghiên cứu Rau quả còn trồng thử nghiệm một số giống ớt cay khác như TV1, TV3, TV3, TV4, bước đầu cũng được nhà nông trên địa bàn đánh giá rất có triển vọng.
Giống ớt cay Hafam 6 là giống lai F1 do Thạc sỹ Đặng Hiệp Hoà cùng cộng sự ở Bộ môn Rau và Cây gia vị (Viện Nghiên cứu Rau quả) chọn tạo, được công bố năm 2023 và sản xuất đạt kết quả tốt tại nhiều vùng sinh thái khác nhau trong cả nước như Phú Thọ, Thái Bình...
Giống có đặc điểm sinh trưởng, phát triển khoẻ; khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho thu hoạch quả sớm và tập trung, năng suất đạt cao (22,5 - 27,4 tấn/ha); dạng quả chỉ thiên, chất lượng tốt, khi chín vỏ quả chuyển màu đỏ cờ, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước và đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
"Là giống lộ (khoe) quả, vụ xuân hè cần gieo trồng sớm giống ớt Hafam 6 để tránh nắng nóng gây rám vỏ quả. Nhà nông nên tận dụng các trái ớt bị sâu bệnh và còi cọc để ngâm ủ với tỏi làm chế phẩm sinh học để phun phòng sâu bệnh cho các loại cây trồng, bao gồm cả cây ớt", TS Ngô Thị Hạnh – Trưởng Bộ môn Rau và Cây gia vị (Viện Nghiên cứu Rau quả) thông tin.