Do dịch bệnh Covid-19 khiến công việc gặp khó khăn, năm 2019, anh Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1990) đã chuyển hướng, rời Hà Nội lên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) để lập nghiệp.
Sinh ra ở mảnh đất miền núi huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), từ nhỏ anh Tuấn đã yêu thích làm vườn, tìm tòi các giống cây trồng. Ngoài tìm hiểu kiến thức trong sách vở, lên mạng, anh Tuấn còn cùng bạn bè vào Đà Lạt (Lâm Đồng) để tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La được ví như "Đà Lạt thứ hai" của Việt Nam bởi khí hậu ôn hòa, thích hợp để trồng các loại rau, quả ôn đới. Nắm được thế mạnh đó, cùng với kiến thức tích lũy được từ thành công của mô hình trồng dâu tây trước đó, đầu năm 2023, anh Tuấn đã trồng thử nghiệm giống ớt ngọt Palermo (giống ớt này đã được trồng thành công tại Đà Lạt).
Với diện tích 8.000m2 nhà màng, anh Tuấn đã quyết định đầu tư trồng 1,2 vạn cây ớt Palermo. Hạt giống ớt này được anh Tuấn nhập khẩu từ Hà Lan.
“Giống ớt này một năm mình làm được một vụ, tháng 6 gieo hạt thì tháng 9 thu hoạch được. Trong quá trình chăm sóc, công đoạn tỉa hoa là quan trọng nhất. Nếu căn chỉnh không đúng thời điểm, phù hợp với thời tiết thì quả sẽ không đậu, không đạt được năng suất cao.
Thời gian đầu nhiều người chưa biết tới giống ớt này nên nghĩ ăn sẽ cay và hăng, nhưng khi ăn thử thấy khá ngon, giòn và ngọt. Các đại lý ban đầu chỉ mua mỗi lần 5 - 10kg để bán thử, sau đó đều đều mỗi ngày lấy vài tạ”, anh Tuấn chia sẻ.
Qủa ớt Palermo có 4 màu (đỏ, vàng, cam và sô cô la). Mỗi màu sắc cho hương vị khác nhau. Đặc biệt, loại ớt này có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, vitamin C trong ớt ngọt Palermo cao gấp 3,8 lần quả cam và 1,7 lần kiwi. Ớt Palermo có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch kéo dài trong khoảng 8 tháng, năng suất quả đạt từ 3,5 - 4kg/cây.
Với 8.000m2 nhà màng, hiện trang trại ớt của anh Tuấn cung ứng ra thị trường trung bình từ 9-10 tạ ớt mỗi ngày. Trang trại trồng ớt của anh Tuấn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 30 lao động, trong đó có nhiều lao động tại địa phương.
Bà Phạm Thị Kim Phượng (tiểu khu 6, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là chủ cửa hàng hoa quả tại thị trấn Mộc Châu tỏ ra khá thích thú khi lần đầu nhìn thấy quả ớt Palermo "khổng lồ".
“Đây là lần đầu tôi thấy trái ớt lớn như vậy, màu sắc cũng đa dạng và đẹp, nhìn rất bắt mắt. Ớt này khá dễ ăn, không hắc, có vị ngọt và thơm. Với giá trị dinh dưỡng cao như vậy, tôi tin chắc tương lai ớt Palermo sẽ trở thành sản phẩm OCOP và là nông sản đặc sắc mới của Mộc Châu”, bà Phượng chia sẻ.
Ớt ngọt Palermo là một trong những giống ớt thịnh hành không chỉ trong bữa ăn gia đình mà còn nằm trong thực đơn tại các nhà hàng ở châu Âu, châu Mỹ. Đầu năm 2020, Ớt Palermo đã nhận được giải thưởng Hương vị của năm 2020 (Taste of the Year 2020, Sabor del Año 2020) tại Tây Ban Nha.
Vừa qua, ông Lim Mansuk, một chuyên gia nông nghiệp, Giám đốc Công ty Thương mại Kfram Hàn Quốc đã có chuyến thăm trang trại ớt Palermo của hộ gia đình anh Tuấn tại huyện Mộc Châu. Ông Lim Mansuk bị thu hút bởi loại ớt khổng lồ này.
“Tôi khá thích thú với trang trại ớt của anh Tuấn. Tôi sẽ đưa sản phẩm này về nước và nghiên cứu, đất nước chúng tôi chưa có loại quả này. Tới đây, tôi sẽ khảo sát thị trường của Hàn Quốc, nếu sản phẩm này tiêu thụ tốt, tôi sẵn sàng đầu tư mô hình sản xuất giống ớt Palermo này tại Hàn Quốc”, ông Lim Mansuk chia sẻ.