| Hotline: 0983.970.780

Giống thủy sản cho nuôi biển: [Bài 4] Cá chẽm tăng trưởng nhanh

Thứ Bảy 29/10/2022 , 08:36 (GMT+7)

Trước thực trạng chất lượng con giống cá chẽm đang có xu hướng suy giảm, Viện III đã chọn đàn bố mẹ sinh trưởng nhanh để sản xuất giống và cung cấp cho người nuôi.

Chọn được đàn cá chẽm bố mẹ tăng trưởng nhanh

Cá chẽm hay còn gọi cá vược. Cá chẽm hiện chiếm một phần quan trọng trong sản lượng nuôi trồng thủy sản trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Chúng có thể sống cả ở biển và nước ngọt, dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, giá trị dinh dưỡng cao nên đang được quan tâm đưa vào nuôi biển theo quy mô công nghiệp.

Đàn cá chẽm bố mẹ hiện nuôi dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang. Ảnh: KS.

Đàn cá chẽm bố mẹ hiện nuôi dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang. Ảnh: KS.

Theo người nuôi, thực tế những năm gần đây cho thấy, chất lượng con giống cá chẽm đang có xu hướng suy giảm, cá nuôi chậm lớn, tỷ lệ dị hình cao, cũng như hay xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi. Điều này, đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi khi thả đối tượng này.

Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) đã được Bộ NN - PTNT giao thực hiện nhiệm vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng cá chẽm.

TS Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, thuộc Viện III, cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay Viện III đã xác định được một số thông số di truyền về đàn cá chẽm chọn giống sinh trưởng nhanh như: mức độ đa dạng di truyền quần thể, hệ số di truyền ước tính...Các kết quả cho thấy quần đàn được chọn lọc đảm bảo tính đa dạng di truyền, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn quần đàn tự nhiên.

Viện III đang khai thác đàn cá bố mẹ cá chẽm G2 để phục vụ sản xuất giống và cung cấp cho người nuôi. Ảnh: KS.

Viện III đang khai thác đàn cá bố mẹ cá chẽm G2 để phục vụ sản xuất giống và cung cấp cho người nuôi. Ảnh: KS.

 Với những nỗ lực trên, hiện Viện III đã sở hữu đàn cá chẽm bố mẹ thế hệ G2 với khối lượng trung bình từ 4 - 8 kg/con. “Qua đánh giá cho thấy, sau mỗi thế hệ chọn giống tốc độ tăng trưởng của cá được tăng lên khoảng 5 - 7%”, ông Thái nói và cho biết thêm, Viện III đang khai thác đàn cá bố mẹ cá chẽm G2 và tiếp tục chọn giống đàn cá chẽm G3 để phục vụ sản xuất giống và cung cấp cho người nuôi.

Quản lý và chọn tạo đàn cá chẽm bố mẹ

Dẫn chúng tôi xem tận mắt đàn cá chẽm bố mẹ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, ông Lương Trọng Bích, cán bộ kỹ thuật tại đây, cho biết: Tất cả cá ở đây đều được gắn chíp để xác định mã định danh từng con. Qua đó, có thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ, cũng như theo dõi chất lượng sinh sản của cá bố mẹ (thông qua chất lượng trứng, ấu trùng và con giống).

Từ đó, đơn vị chọn lọc được đàn cá bố mẹ chất lượng tốt để phục vụ sản xuất giống. Vì vậy, con giống sản xuất ra lớn nhanh, tỷ lệ dị hình thấp và đồng thời cá giống cũng được kiểm dịch trước khi chuyển cho người nuôi.

Giống cá chẽm được Viện III sản xuất ra lớn nhanh, tỷ lệ dị hình thấp. Ảnh: KS.

Giống cá chẽm được Viện III sản xuất ra lớn nhanh, tỷ lệ dị hình thấp. Ảnh: KS.

Theo ông Lương Trọng Bích, hiện nay con giống sản xuất từ đàn cá chẽm bố mẹ ở Viện III được cung cấp phục vụ người nuôi trong tỉnh Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Bình Định và một số tỉnh ở ĐBSCL như Sóc Trăng, Bến Tre...với số lượng từ 650.000 - 1 triệu con giống/năm.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu chăm sóc tốt, cá chẽm nuôi thương phẩm từ 8-9 tháng là thu hoạch, khối lượng đạt trên dưới 0,8 - 1 kg/con. Hiện nay cá chẽm thương phẩm được các nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực ĐBSCL thu mua để phi lê xuất khẩu. Nên nhiều người nuôi ở Sóc Trăng, Bến Tre...nuôi cá chẽm đến khối lượng lớn hơn khoảng 1,5 – 2 kg, để tăng hiệu quả thịt phi lê trong chế biến.

Cá chẽm giống được luyện cho ăn thức ăn công nghiệp. Ảnh: KS.

Cá chẽm giống được luyện cho ăn thức ăn công nghiệp. Ảnh: KS.

Hơn nữa tại khu vực ĐBSCL nhiều người dân nuôi cá chẽm theo hình thức quy mô công nghiệp, với mật độ có thể lên đến 5-7 con/m2. Do tay nghề kỹ thuật cao nên chi phí đầu tư nuôi cho 1 kg cá chẽm khoảng 48 - 52 ngàn đồng. Tuy nhiên ở khu vực miền Trung, cá chẽm được nuôi theo hình thức quảng canh là chủ yếu, một số người nuôi theo hình thức công nghiệp, song chi phí nuôi cao hơn so với khu vực ĐBSCL. Mặt khác, những năm qua do giá cá chẽm thương phẩm không ổn định, mức dao động lớn từ 50-100 ngàn đồng/kg, đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi, cũng như kế hoạch phát triển nghề nuôi cá chẽm.

Thế nhưng cá chẽm là loài quan trọng trong cơ cấu phát triển đa dạng đối tượng nuôi biển và chúng có thể thay thế cho những vùng nuôi tôm không hiệu quả khắp các thủy vực trên cả nước cả về mặt địa lý và môi trường, độ mặn…

Theo ông Lương Trọng Bích, hàng tháng khi có nhu cầu chúng tôi sẽ kiểm tra đàn cá bố mẹ, lựa chọn những con cá thành thục tốt để tiến hành cho đẻ. Cá cái có khối lượng trung bình từ 5-6 kg có thể đẻ  khoảng 600.000 – 800.000  trứng. Trứng sau khi đẻ và thụ tinh được  thu và đưa vào ấp trong các bể ương nuôi ấu trùng, thời gian trứng nở phụ thuộc vào nhiệt độ nước (trứng nở sau 17 – 19h ở 27-29 độ C). Ấu trùng cá bắt đầu sử dụng thức ăn ngoài sau 56 – 72h. Thức ăn ban đầu của ấu trùng cá chẽm là luân trùng, ấu trùng Artemia, sau đó có thể tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Cá chẽm giống cung cấp cho người nuôi khi đạt kích cỡ từ 5 – 10 cm tùy theo nhu cầu người nuôi.  

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.