| Hotline: 0983.970.780

Giống thủy sản cho nuôi biển:[Bài 2] Làm chủ công nghệ nhiều giống giá trị

Thứ Năm 27/10/2022 , 07:08 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã và đang nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Có thể nói Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) đang nỗ lực góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược nuôi biển.

Làm chủ công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng nuôi biển

Chúng tôi có đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, thuộc Viện III, nằm ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) khi các nhà khoa học nơi đây đang miệt mài nghiên cứu nhằm cho ra đời nhiều đối tượng nuôi thủy sản có giá trị phục vụ nuôi biển.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang đã làm chủ công nghệ sản xuất nhiều giống thủy sản phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang đã làm chủ công nghệ sản xuất nhiều giống thủy sản phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Theo ghi nhận chúng tôi rất nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế đang nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại đây như cá mú nghệ, cá mú cọp, cá mú dẹt, cá chẽm, hải sâm vú, tôm mũ ni, tôm hùm…trong đó nhiều loài đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm

TS Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, cho biết: “Trong 5 năm gần đây, Viện III đã triển khai thực hiện và làm chủ công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng thủy sản có tiềm năng phát triển phục vụ nuôi biển. Đầu tiên phải kể đến là cá chẽm hay còn gọi cá vược. Đây là loài cá được đánh giá là một trong 10 loại cá biển có giá trị kinh tế cao, thịt trắng, thơm ngon.

Tuy nhiên, để nghề nuôi cá chẽm phát triển mạnh và bền vững thì chất lượng con giống thả nuôi được xem là yếu tố rất quan trọng. Thực tế hiện nay, chất lượng con giống cá chẽm không ổn định như cá bị chậm lớn, tỷ lệ dị hình cao, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi. Trước thực trạng này, Viện III đã và đang thực hiện chương trình chọn giống cá chẽm, nhằm mục đích chọn tạo đàn cá có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Các nhà khoa học Viện III đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất giống thủy sản. Ảnh: KS.

Các nhà khoa học Viện III đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất giống thủy sản. Ảnh: KS.

“Cho đến nay chúng tôi đã chọn tạo được đàn bố mẹ G2 và  đang sản xuất và ương nuôi các gia đình cá chẽm chọn giống G3, đồng thời kết hợp đánh giá mức độ sạch bệnh VNN (bệnh hoại tử thần kinh) trên các gia đình cá chẽm chọn giống”, ông Thái chia sẻ.

Bên cạnh cá chẽm, nhiều loài cá mú có giá trị kinh tế cũng được Viện III nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trong đó, nổi bậc là công nghệ sản xuất giống cá mú trân châu, đây là con lai giữa cá mú nghệ với cá mú cọp, thế hệ con lai này sở hữu nhiều đặc điểm ưu việt từ cá bố mẹ như lớn nhanh, thịt ngon và khả năng chống chịu với sự thay đổi về môi trường và dịch bệnh rất tốt.

Đến nay, Viện III đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá mú trân châu cho 5 đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và đã tập huấn cho nhiều người dân ở TP Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa. Đối với cá mú mú đỏ (cá mú sao) dù đề tài đang trong quá trình thực hiện, song các nhà khoa học Viện III cũng đã sản xuất giống thành công đối tượng này.

Theo TS Trương Quốc Thái, cá mú đỏ cũng là một trong những đối tượng được đánh giá có tiềm năng nuôi biển xa bờ. Riêng cá mú nghệ hiện Viện III đang tiếp tục nghiên cứu để  hoàn thiện công nghệ sản xuất giống trong thời gian tới. Ngoài các giống cá biển trên, Viện III cũng đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất nhiều giống cá biển có giá trị kinh tế khác như cá mó đầu khum (đối tượng quý hiếm thuộc sách đỏ), cá đục bạc, cá gáy…

Hải sâm vú. Ảnh: KS.

Hải sâm vú. Ảnh: KS.

Bên cạnh các đối tượng cá biển, Viện III cũng đã thành công trong việc nghiên cứu sản xuất giống một số đối tượng khác như hải sâm cát, hải sâm vú, cua huỳnh đế, tôm mũ ni…nhằm góp phần đa dạng đối tượng phục vụ nuôi biển..  Ngoài ra, tôm hùm là đối tượng nuôi chủ lực khu vực Nam Trung bộ, hiện cũng đang được các nhà khoa học của Viện III nghiên cứu với kết quả rất khả quan để hướng đến sản xuất giống thành công trong tương lai gần.

Triển khai chiến lược sản xuất giống phục vụ nuôi biển

Chia sẻ về chiến lược nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống phục vụ nuôi biển trong thời gian tới, PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, sẽ tập trung sản xuất các đối tượng có tiềm năng ở khu vực Nam Trung bộ, nhất là các đối tượng cá biển. Cùng với đó, Viện cũng sẽ tập trung hoàn thiện, ổn định các công nghệ sản xuất giống, nâng cao chất lượng con giống các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Viện III đang nghiên cứu đối tượng tôm hùm để hướng đến sản xuất giống thành công trong tương lai gần. Ảnh: KS.

Viện III đang nghiên cứu đối tượng tôm hùm để hướng đến sản xuất giống thành công trong tương lai gần. Ảnh: KS.

Về đề xuất cho các đối tượng nuôi biển chính cho khu vực tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung, theo PGS.TS Võ Văn Nha, đối với nhóm cả biển tập trung như cá chẽm, cá chim, cá mú. Ngoài ra, 2 đối tượng nuôi rất tiềm năng trong tương lai như cá bè vẩu, cá bè đưng.

Còn đối với tôm hùm sẽ tập trung đầu tiên nuôi tôm hùm xanh, rồi đến tôm hùm bông. Đối với nhóm nhuyễn thể tại khu vực này nên tập trung nuôi hàu và con ngao hai còi…Nhóm rong tập trung nuôi rong nho, rong mứt, rong sụn.

“Các đối tượng đề xuất trên chúng tôi sẽ tham gia chuỗi giống phục vụ nuôi biển khu vực Nam Trung bộ”, ông Nha chia sẻ.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, giống là yếu tố then chốt đầu tiên quyết định sự thành công cho nuôi biển. Do đó, công tác sản xuất giống cần được đầu tư, nâng cấp chuyên biệt, cũng như nâng cao công nghệ sản xuất giống nhằm cho ra đời con giống chất lượng hơn. Ông cho rằng, tỉnh Khánh Hòa có lợi thế nhiều Viện, Trường cộng với có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên có thể phát triển nghề sản xuất giống thủy sản phục nuôi biển.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.