| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng, nâng tầm vật nuôi đặc sản địa phương

Thứ Năm 14/07/2022 , 09:55 (GMT+7)

Việc nhân rộng, duy trì các giống vật nuôi bản địa ở Tuyên Quang vừa giúp bảo tồn nguồn gen quý lại nâng tầm đặc sản địa phương thành hàng hóa giá trị cao.

Mô hình nuôi lợn mán giúp nhiều hộ dân ở Tuyên Quang có thu nhập tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình nuôi lợn mán giúp nhiều hộ dân ở Tuyên Quang có thu nhập tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình nuôi lợn mán được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai từ tháng 5/2019 tại xã Trung Sơn và xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn với số lượng 72 con nái. Đến nay, tổng đàn nhân lên gần 1.000 con, bao gồm cả nái và lợn con, qua đó giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định.

Lợn mán là giống lợn bản địa nên dễ nuôi, phù hợp điều kiện khí hậu vùng cao. Lợn mán có thể nuôi nhốt chuồng hoặc bán chăn thả xung quanh vườn nhà. Thức ăn chủ yếu của lợn mán là phụ phẩm nông nghiệp, rau, cỏ rừng, chuối, cũng có thể nấu thêm ngô cho lợn ăn từ 1 - 2 bữa/ngày.

Lợn mán nuôi khoảng 8 -10 tháng là xuất chuồng, giá lợn đen luôn ổn định từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Chính vì đặc tính dễ nuôi, giá cả ổn định của lợn mán bản địa nên các hộ nông dân tại Tuyên Quang đã học tập nhân rộng mô hình được trên 1.200 con/105 hộ.

Tháng 5/2019, gia đình bà Đỗ Thị Chiều, thôn Đồng Cườm, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn được lựa chọn tham gia mô hình nuôi lợn mán bản địa phát triển kinh tế. Từ 10 con lợn mán giống bản địa được hỗ trợ ban đầu, đến nay gia đình bà thường xuyên duy trì tổng đàn 50 con, gồm 5 con lợn nái, 1 con lợn đực và 44 lợn thịt.

Bà Chiều cho biết, giống lợn mán bản địa ít dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, mua với giá cao hơn so với lợn thông thường. Hiện, trung bình mỗi năm, đàn lợn mán bản địa giúp gia đình bà Chiều lãi gần 200 triệu đồng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thực hiện trao dê giống cho các hộ dân ở huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thực hiện trao dê giống cho các hộ dân ở huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Cùng với mô hình nuôi lợn mán bản địa, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cũng triển khai mở rộng thành công nhiều mô hình phát triển vật nuôi bản địa gắn với bảo tồn và nhân rộng nguồn gen quý. Nổi bật có mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn; Nuôi trâu ngố tại huyện Chiêm Hoá hay nuôi dê tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình.

Ông Phạm Văn Hùng, thôn 3, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn cho biết, gia đình ông tham gia mô hình nuôi ong giống bản địa lấy mật với số lượng 50 đàn. Tham gia mô hình, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ ong giống (giống ong nội Apis Cerena), thùng ong, phấn hoa, đường trắng, tầng chân, máng cho ong ăn, thùng quay mật và bộ dụng cụ nhân đàn.

Sau thời gian triển khai, đến nay toàn bộ đàn ong của gia đình ông Hùng cho lượng mật ổn định trung bình 18,2kg/đàn/năm, chất lượng thơm ngon. Nhờ đó, đàn ong đã góp phần đáng kể cải thiện thu nhập cho gia đình.

Ông Hùng hiện cũng là thành viên đóng góp nhiều sản lượng mật ong chất lượng nhất cho HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu, đơn vị có sản phẩm mật ong đạt OCOP 3 sao của xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cho biết, việc nhân rộng và phát triển các giống vật nuôi giống bản địa đã giúp người dân ở Tuyên Quang có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, do nhận thức, tập quán chăn nuôi cũng như kỹ năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của đàn vật nuôi.

Bởi vậy, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang và các đơn vị của ngành nông nghiệp tỉnh luôn sát sao trong việc giám sát đồng hành cùng bà con để triển khai hiệu quả các mô hình giống bản địa, vừa để bảo tồn được nguồn gen quý, vừa xây dựng được thương hiệu nông sản đặc sản của địa phương.

Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang tiếp tục hỗ trợ triển khai các mô hình nuôi dê, lợn bản địa. Trong đó, đã thực hiện cung ứng 50 con dê sinh sản cho 5 hộ dân tại xã Bình An, huyện Lâm Bình; Mô hình nuôi lợn rừng theo hướng an toàn sinh học gắn tiêu thụ sản phẩm với tổng đàn 40 con hỗ trợ 4 hộ dân tại các xã Thanh Tương, Hồng Thái, Đà Vị, Năng Khả của huyện Na Hang.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.