| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng giữa mùa nắng như 'đổ lửa'

Thứ Tư 10/07/2024 , 13:56 (GMT+7)

Quảng Bình Giữa những ngày nắng như đổ lửa, lực lượng bảo vệ rừng khu vực ven biển tỉnh Quảng Bình vẫn túc trực xuyên trưa để làm nhiệm vụ tuần tra rừng phòng 'giặc lửa'.

Rừng trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Bình có diện tích gần 16.000ha thuộc 32 xã, phường của các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố  Đồng Hới. Trong đó có 19 xã giáp biển và 13 xã có địa hình chủ yếu là đất cát tiếp giáp các xã ven biển.

Rừng ven biển chủ yếu là rừng trồng với mục đích phòng hộ gồm các loài cây như phi lao, keo lá tràm, và keo lưỡi liềm…

Lực lượng bảo vệ rừng ven biển tuần tra rừng giữa trưa nắng nóng. Ảnh: T.P

Lực lượng bảo vệ rừng ven biển tuần tra rừng giữa trưa nắng nóng. Ảnh: T.P

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 5 vụ cháy với diện tích hơn 24ha, làm thiệt hại gần 10ha rừng trồng tại các xã Hải Ninh, Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy). Vì vậy, nhiệm cụ phòng chống, chữa cháy rừng được đưa lên hàng đầu.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình (RPH ven biển Quảng Bình), diện tích rừng trồng ven biển do đơn vị quản lý trên 10.000ha. Ông Đinh Thanh Quang, Phó giám đốc phụ trách rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình cho hay, diện tích rừng trải rộng và tiếp giáp với đường giao thông, xen lẫn với khu dân cư, nghĩa địa. Do đó, vào mùa nắng nóng, các hoạt động bất cẩn của người dân có thể gây cháy rừng rất cao.

Cũng theo ông Quang, từ đầu năm đến nay, nhất là thời điểm bước vào mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra cháy. Trong đó, đơn vị tập trung vào việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, tính tự giác và sự ủng hộ của người dân đối với công tác phòng, chống cháy rừng.

Đặc biệt, khu vực ven biển phía nam, thuộc thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có địa hình tương đối rộng, nhiều cồn cát cao, xen lẫn vùng trũng thấp ngập nước vào mùa mưa. Rừng trồng ở đây chủ yếu là keo các loại, phi lao thấp, thưa.  Nhiều khu rừng có thảm thực bì dày, tiếp giáp với đường giao thông, xen lẫn với khu dân cư, nghĩa địa nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Anh Trần Văn Châu, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười (thuộc rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình) cho biết nhiệm vụ bảo vệ rừng trên cát rất khó khăn, vất vả.  Thông thường anh em phải đi tuần theo các tuyến đường trên cát vào buổi trưa, vì đó là thời điểm dễ cháy và việc phát hiện cháy chậm. “Anh em đi tuần hay trực trên các chòi canh đều giữa cái nắng nóng trên 40 độ C trên vùng cát lại như thiêu đốt. Đi tuần rừng, nhưng hiếm khi có được bóng cây để dừng chân tránh nắng nên càng làm cho anh em nhanh bị kiệt sức”, anh Châu bộc bạch thêm.

Lực lượng '4 tại chỗ' dập lửa cứu rừng phi lao ven biển ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: T.P

Lực lượng “4 tại chỗ” dập lửa cứu rừng phi lao ven biển ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: T.P

Trước những khó khăn của nhiệm vụ phòng chống, chữa cháy rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình cũng đã tiến hành ký cam kết phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy với chính quyền địa phương có liên quan, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân sống gần rừng và ven rừng.

Ông Đinh Thanh Quang cho biết: “Khi có cháy rừng xảy ra, thành phần trong ký cam kết cùng phối hợp tham gia chữa cháy, đồng thời báo cáo, thông tin liên lạc với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi có đám cháy xảy ra để người dân cùng tham gia chữa cháy”.

Chúng tôi cũng đã vượt qua cồn cát nóng đến khu vực chòi canh lửa trên đồi ở xã Hồng Thủy. Ông Nguyễn Văn Liệc (người dân tham gia bảo vệ rừng ơ xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, những ngày nắng cao điểm trong tháng 6 vừa qua, rừng ven biển xung quanh tuyến đường tránh lũ rất dễ bị cháy. Vì người tham gia giao thông, lái xe dừng nghỉ sau chuyến đường dài hút thuốc bất cẩn là gây cháy.

“Khi có cháy rừng xảy ra, chúng tôi cấp báo cho tổ trực ở trạm bảo vệ và khẩn trương tham gia dập lửa cứu rừng và tránh để cháy lan ra diện rộng”, ông Liệc nói thêm.

Xem thêm
Phát hiện loài ong mới ở Vườn quốc gia Vũ Quang

Loài ong ký sinh này thuộc họ ong mật, được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.