Thời thơ ấu, thấy kênh lớn nối ra sông ở Hưng Yên, cứ ngỡ là sông.
Tác giả ngồi bên sông Seine (Paris) |
Hồi đó, chúng tôi 10 - 11 tuổi, mấy đứa Hà Nội vui sướng khi trực tiếp được lội sông. Năm mươi năm trôi qua mọi cái tên làng, tên sông đều lờ mờ trong ký ức.
Tôi chào đời năm 1956 tại nhà hộ sinh tư thời Pháp - 135 Bà Triệu, Hà Nội, cùng phố nhà tôi, nay cả hai nhà đều không còn. Tôi học tiểu học ở phố nhà, sau đi sơ tán khắp nơi: Ứng Hòa, Thanh Oai, Hưng Yên... Lớp 6, thì học trường Trần Phú, Thanh Trì, lớp 7 thì trường Đoàn Kết (Hà Nội). Toàn bộ cấp cuối, học ở truờng năng khiếu thuộc Đại học Sư phạm ngoại ngữ.
Lớp học bằng lán, cửa chỉ là mấy cái liếp chống lên. Đang học ở trường xây thời Pháp ở Hà Nội khang trang, giờ sơ tán học ở lớp nhà vách đất rơm, trẻ con thành phố buồn, nhưng vui vì cứ tưởng như lạc vào cổ tích. Dòng sông Sặt chảy qua bìa làng, nước chỉ đến đầu gối, chỗ sâu thì đến ngực chừng hơn một mét. Cả làng không có nhà vệ sinh, phải xuống dốc lội qua con sông "đi cầu". Bên kia là bãi mía bạt ngàn. Tôi mê lắm, không đau bụng cũng giả vờ đi, để được lội qua sông giữa trưa cho thỏa thích.
Chiều đến, tôi theo cái Hồng 9 tuổi, thằng Đáng 8 tuổi, con bác Đảm chủ nhà cùng mấy đứa trong làng đi vớt rong nuôi lợn. Rong dài lướt thướt xanh mướt như tóc tiên rập rờn trong nước. Xem mấy đứa bằng tuổi, thậm chí ít hơn, người nhỏ thó bơi như nhái mà thầm ganh tị. Tì tủm cố học bơi, uống nước nhiều lần vẫn tỉnh bơ vì sợ chúng nó cười trêu. Nước đục hay trong, bất cần. Trời nóng bức, lội xuống thầm mơ biết bơi để được tung tăng tự do như cá, như bạn bè cũng lứa.
Tối sáng trăng, anh Bé con bác chủ, rủ mấy đứa đi đơm cá. Đứa nào cũng đeo cái hom giỏ đan bằng tre. Hễ thấy cá cua, hò nhau đuổi bắt. Anh Bé ra dấu: phải im lặng! Đêm trăng, lặng gió, cá đi tìm bạn, đùa nhau cả bầy. Một vài con lớ ngớ đứng lại, chụm đầu như đang tỏ tình bị úp đơm, quẫy quẫy tìm cách thoát thân. Thò tay xuống bắt nhanh, khéo léo không cá tuột. Da cá trơn, sợ vây cá đâm, cá sẽ nhanh chóng tụt khỏi tay, lặn ngay vào rong. Sợ nhất là bắt cua. Chiều chiều, trời dịu nắng, lang thang bên bờ tìm hốc cua. Thò tay tóm. Lơ mơ là bị cua kẹp đau thót tim, có khi chảy máu, chưa kể gặp rắn nước. Sợ phát khiếp, vẫn thích.
Làng sơ tán ở Hưng Yên (ảnh chụp năm 2014) |
Trẻ sơ tán không phải ra đồng chăn trâu cắt cỏ như trẻ quê. Tuy nhiên để hòa nhập với cuộc sống nông thôn, trẻ con Hà Nội phải xay lúa giã gạo. Trẻ sơ tán có nhiều thời gian, được bố mẹ chăm lo nên học khá hơn trẻ làng. Mỗi lần kiểm tra, tôi không che đậy, cố tình để cho bạn bè xung quanh chép bài vô tư. Trên đường từ trường về làng, qua đồng mía bát ngát, đám trẻ làng chẳng cần dao, cứ chui vào ruộng, chìa đầu gối, dùng tay bẻ đánh cụp mang ra chia nhau. Mía ngọt lịm.
Cái ngọt tự nhiên khác hẳn với cái ngọt của mấy cục đường phèn. Tối tối thỉnh thoảng ra sân đình chơi ù, chơi đi trốn, nhảy ngựa, những trò chơi không cần dụng cụ nào. Tôi và đám trẻ làng thân thiết đến nỗi, có gì chúng cũng chia cho tôi, từ con châu chấu rang đến miếng bánh đa, củ khoai nướng; toàn rủ và cho đi theo ra đồng chơi. Muốn ra đồng, người và trâu bò đều lội sông. Mùa lúa sắp chín, ngay bên ven sông thoảng mùi lúa ngát thơm.
Con sông Sặt nông choẹt trong vắt mãi mãi là ấn tượng không quên. Ngay chân dốc thoải là sông. Người ta xây quanh như cái ao to, thành bằng đá, tạo một khu riêng để dành lấy nước ăn uống riêng cho cả làng. Quần áo đều đem ra sông giặt. Sông hiền hòa, êm đềm. Chiều chiều, phụ nữ gánh nước từ dưới dốc về nhà, khi bể nước mưa trữ đã cạn.
Mỗi lần dạo sông Seine và sông chảy qua ngoại ô, tôi cứ thèm về thời nhỏ dại tắm sông. Cả lũ con gái nhông nhông giữa kênh đùa vui khi đã cắt đầy rong. Tìm chỗ khuất, cởi hết đồ (vì chẳng có quần áo khác mà thay), chỉ việc giặt vắt lên trên bụi cây, 1 tiếng sau, nắng làm khô cong, quần áo thơm nồng mùi nắng. Lớn lên, thời sinh viên du học ở Rumanie, khi đi nghỉ hè bên sông Danube, ngay sau ký túc xá sinh viên là đoạn hoang dại của sông Danube (thuộc Galati, Rumanie) chảy qua, mấy đứa chúng tôi - toàn bọn Hà Nội từng sơ tán, nhớ đồng quê Việt Nam, rủ nhau lội bùn bắt những con trai rất to về nấu cháo.
Qua Pháp, nơi cửa sông chảy ra biển vùng Bretagne, tôi vẫn thích như ngày nào ở Hưng Yên, rủ 4 đứa con theo dòng người Pháp đi bắt cua gai biển, bắt sò, hến, khi thủy triều xuống thấp nhất trong năm. Trẻ con Tây hay ta theo cha mẹ đều hò vui nghịch chơi đầy bãi cát. Ký ức tuổi thơ thời sơ tán lại dội về ào ạt trong tôi.
Chiến tranh không chỉ là kỷ niệm đau thương, xa nhà, đói khổ, nhớ cha mẹ mà cả kỷ niệm đáng yêu của tuổi thơ giữa thiên nhiên mà trẻ ở thành phố không bao giờ có. Chiến tranh mới thấy rõ tình người. Những nông dân chất phác cùng dòng sông đã rộng lòng mở đón chúng tôi về ẩn náu tránh bom đạn. Dù sống xa quê hương, những con người đó và dòng sông đó mãi mãi không quên. Trẻ con thành phố hay trẻ làng đều là trẻ con cùng ngây thơ và nhí nhố, thích vui chơi đùa nghịch.
Vườn nhãn ở làng sơ tán Hưng Yên (ảnh chụp năm 2014) |
Chiến tranh, tôi chỉ thấu hơn khi những người lính ra đi không trở lại. Năm 1972, tôi sang Bucadrest du học 5 năm, nghe mẹ tôi kể lại, cái Hồng đi dạy học, anh Bé theo tổng động viên đi lính, như anh trai của tôi. Thỉnh thoảng, bác Đảm ra thăm gia đình tôi, và có lần bác dẫn anh Bé ra Hà Nội chào bố mẹ tôi trước khi đi B. Cha mẹ tôi tặng anh chút tiền làm lộ phí.
Ngày ấy, không có phương tiện liên lạc thuận tiện, tôi không biết anh Bé có trở về không, nhưng anh trai tôi khoác ba lô vào chiến trường, vĩnh viễn không trở lại. Cái Hồng, cu Đáng giờ ở đâu? Tôi đã một lần thử quay lại, nhưng làng quê giờ đổi mới, địa chỉ không chính xác, chỉ nhớ cái làng nằm trên cao, dưới là sông nhỏ chảy dài uốn lượn. Sông vẫn còn đấy, nhà gạch ngói hai ba tầng mọc lên nhan nhản. Những vườn nhãn trĩu trịt quả ven bờ, thay thế đồng mía bạt ngàn ngày xưa. Đường đất nay đã trải nhựa đường. Hối ấy, cả làng chỉ có vài người có xe đạp. Làng thanh bình, không có tiếng động cơ máy nổ, xe ô tô, xe máy. Sự yên tĩnh tràn đầy, đêm đêm trăng cá mới dám ra quẫy sóng vui trăng.
Bây giờ nhìn xuống sông ngòi bói không ra con cá. Thuốc trừ sâu, chất xả công nghiệp làm sông không còn trong sạch nữa. Hình như người ta cũng không quan tâm vì đã có nước máy thay nước ao làng. Thôn xóm giàu lên, nhưng đồng quê và dòng sông đục ngầu còn đâu thi vị: đầy rác, chai nhựa nổi lềnh bềnh. Xưa làm gì có túi ni lông, không có nước khoáng, nước ngọt đóng chai, không dùng thuốc trừ sâu nhiều như bây giờ. Sông là bạn nuôi sống con người. Sông kênh đem nước về cho đồng ruộng tươi mát. Sông hồ không phải là thùng rác thiên nhiên.
Rất tiếc, tôi không tìm được làng xưa. Tất cả đều thay đổi!
Dấu ấn tuổi thơ là dấu ấn khó quên trong cuộc đời. Tiếc rằng thời đó nghèo quá, chẳng có tấm ảnh nào làm kỷ niệm. Tôi nhớ bài hát của nhạc sĩ Xuân Tửu viết tặng trường (hồi đó toàn cơ quan Bộ Văn hóa sơ tán về đấy), học sinh toàn trường đều học thuộc: “A đây trường Trung Kiên dưới hàng cây xanh xanh, dòng nước mương chảy quanh, nơi có bao bạn hiền cùng vui đến trường… ”.
Cảm ơn dòng sông và những con người hiền lành như vợ chồng bác Đảm, và bạn bè thôn quê đã cho tôi bao kỷ niệm êm đềm, tuy sống dưới thời đạn bom ác liệt. Đi bên kênh Saint Martin hay sông Seine, tôi lại chợt nhớ những ngày xa sơ tán, nhớ hoa súng, hoa bèo tím và lũ bạn làng mộc mạc, đường làng xinh xinh đi xuống dòng sông trong mát của tuổi thơ.
Đèn đỏ rực sáng khắp nơi bên kênh Saint Matin |