| Hotline: 0983.970.780

Giúp đồng bào nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học

Thứ Hai 23/09/2024 , 09:31 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Sau 5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình 1,65kg/con, có thể nhân rộng để dần thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả của đồng bào.

Năm 2024, ông Hồ Văn Cường, thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó (huyện Đakrông, Quảng Trị) được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ 100 con gà ri bản địa 21 ngày tuổi, thức ăn hỗn hợp, chế phẩm sinh học làm đệm lót và ủ thức ăn... nuôi gà thịt bản địa theo hướng an toàn sinh học.

Hộ chăn nuôi thực hiện mô hình chỉ phải đối ứng chuồng nuôi, 100% giống và vật tư đầu vào được hỗ trợ. Ảnh: Võ Dũng.

Hộ chăn nuôi thực hiện mô hình chỉ phải đối ứng chuồng nuôi, 100% giống và vật tư đầu vào được hỗ trợ. Ảnh: Võ Dũng.

Từ tuần thứ 13, gà được cho ăn thức ăn phối trộn, thả vườn nên chi phí thức ăn giảm. Sau 5 tháng nuôi, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, đạt trọng lượng gần 1,7kg/con. Gà thương phẩm chất lượng thơm ngon.

“Lần đầu tôi được hướng dẫn cách phối trộn thức ăn từ phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp nên giảm được chi phí mà gà vẫn nhanh lớn, ít bệnh. Chăn nuôi gà như thế này rất phù hợp với tập quán của người dân địa phương và cũng tạo cho đồng bào biết cách quản lý đàn vật nuôi, quản lý dịch bệnh”, ông Cường cho hay.

Cũng theo ông Cường, nhờ sử dụng đệm lót sinh học, mùi hôi thối trong chăn nuôi và công dọn chuồng giảm. Những phụ phẩm nông nghiệp trước nay gia đình ông không sử dụng thì nay có thể ủ làm thức ăn cho gà nên giảm được chi phí. Gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học sinh trưởng, phát triển tốt, sạch sẽ, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy, ông giảm được công và chi phí thuốc thú y.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, 9 hộ tham gia mô hình đều được tập huấn trước khi thả giống. Điều quan trọng nhất của mô hình là thay đổi nhận thức về chăn nuôi. Thay vì mua giống về thả và không đầu tư chăm sóc như cách nuôi truyền thống, các hộ được hướng dẫn cách thức đầu tư để gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu.

Việc sử dụng đệm lót sinh học giúp người chăn nuôi kiểm soát được lượng chất thải chăn nuôi và hạn chế mùi hôi, lượng phân thu gom được sẽ dùng để bón cho cây trồng, từ đó hạn chế gây ô nhiễm đất, nước, đồng thời tránh gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Mô hình nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học giúp đồng bào thay đổi phương thức chăn nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Mô hình nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học giúp đồng bào thay đổi phương thức chăn nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Sau 5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình hơn 1,6kg/con; lợi nhuận đạt gần 5 triệu đồng/mô hình, cao hơn 1,6 lần so với chăn nuôi gà theo phương thức truyền thống mà bà con tại địa phương thường áp dụng. Ngoài lợi nhuận cao hơn, người chăn nuôi còn tiết kiệm được thời gian nuôi, từ đó giúp xoay vòng lứa nuôi nhanh hơn, 1 năm có thể nuôi từ 2 – 3 lứa gà. Lợi nhuận thực tế thu đ­ược sẽ giúp nông dân mạnh dạn mở rộng mô hình, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Từ kết quả thực hiện cho thấy đây là mô hình ứng dụng công nghệ đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt là phù hợp với điều kiện kinh tế và khí hậu tại địa phương nên có thể ứng dụng và triển khai rộng rãi tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Mò Ó. Mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng an toàn sinh học sẽ là hướng sản xuất mới, từ đó giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

“Từ thành công của mô hình, cần có thêm các chính sách hỗ trợ để người dân mạnh dạn thay đổi tư duy, từ đó tổ chức chăn nuôi hiệu quả, giảm rủi ro dịch bệnh và tạo ra nhiều sản phẩm hơn để phát triển kinh tế”, ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị nói.

         

Xem thêm
Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 3] Lũ đi qua, dịch bệnh ở lại

YÊN BÁI Những chuồng trại chăn nuôi trống rỗng, xác gà, lợn rải rác khắp nơi, đó là những thứ còn lại sau cơn lũ dữ tràn qua tỉnh Yên Bái.

Băn khoăn làm lúa 3 vụ/năm: [Bài 4] Nỗi niềm nông dân sau hơn chục năm trồng lúa 3 vụ

ĐỒNG THÁP Khi trồng lúa vụ 3 không còn hiệu quả, nếu tiếp tục bám ruộng đồng, nông dân phải có giải pháp cách khôi phục lại hệ sinh thái tự nhiên hoặc tìm hướng chuyển đổi.

Dừa sáp cấy mô đầu tiên cho trái

TRÀ VINH Sau 3 năm trồng, cây dừa sáp cấy mô sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Trà Vinh, cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.