| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Thiên Thuận Tường

Thứ Sáu 23/08/2024 , 14:01 (GMT+7)

Công ty Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) là doanh nghiệp chăn nuôi lợn công nghệ cao, an toàn sinh học, nhờ đó, đàn vật nuôi không bị dịch bệnh.

Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường có quy mô 38.000 - 45.000 con lợn. Ảnh: ĐVCC.

Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường có quy mô 38.000 - 45.000 con lợn. Ảnh: ĐVCC.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, ngành chăn nuôi của tỉnh chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp (58%) với hai vật nuôi chủ lực là lợn và gia cầm. 

Tại Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, hiện số lượng cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 96%). Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải vào cuộc tích cực trong việc chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, chăn nuôi công nghiệp.

Những năm gần đây, các địa phương đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Nhờ đó, số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng. Hiện toàn tỉnh có trên 240 trang trại chăn nuôi, trong đó có nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Nổi bật là Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) là doanh nghiệp chuyên chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học. Công ty đã có nhiều cách làm hiệu quả trong chăn nuôi cũng như phòng, chống dịch cho lợn.

Các hộ chăn nuôi phun khử trùng chuồng trại do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các hộ chăn nuôi phun khử trùng chuồng trại do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bên cạnh áp dụng KHKT trong chăn nuôi, Công ty chú trọng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Trong đó, kiểm soát chặt việc phun thuốc khử trùng đối với 100% phương tiện ra, vào trang trại; rắc vôi, phun thuốc chuồng trại hằng tuần, quản lý chăm sóc đàn lợn đực giống, đàn lợn nái sinh sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tăng cường quản lý, theo dõi diễn biến tình hình đàn lợn nhằm phát hiện sớm, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh.

Cán bộ, nhân viên phải thay đồ bảo hộ trước khi vào trại làm việc; người trả phép phải cách ly nơi làm việc trong 3 ngày; xây dựng khu xuất bán lợn nhằm hạn chế tối đa các phương tiện vào khu chăn nuôi… Với giải pháp này, trang trại lợn của Công ty không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi trong nhiều năm qua.

Theo ông Trần Hòa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thiên Thuận Tường, đối với các mô hình chăn nuôi nông hộ, việc phòng chống dịch bệnh rất khó khăn vì không duy trì được khoảng cách an toàn.

Bên cạnh đó, những người chăn nuôi nông hộ có môi trường tiếp xúc rất nhiều với các nguồn lây trong khi virus dịch tả lợn Châu Phi thì không ai nhìn thấy, dẫn đến sự chủ quan của người chăn nuôi nông hộ. Vì vậy, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung là hướng đi cần thiết để ổn định đàn vật nuôi, phát triển ngành chăn nuôi một cách hiệu quả.

"Chúng tôi đã điều chỉnh lại quy hoạch tại công ty, cụ thể, khu vực chăn nuôi, khu vực giao nhận hàng, khu nhà ở cho nhân viên đều có một khoảng cách nhất định để phòng chống dịch bệnh. Việc chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi trong công ty cũng là cách để hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bên ngoài".

Bà Chu Thị Thu Thuỷ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các kiến thức mới, công nghệ, kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Xem thêm
Hỗ trợ dê, cừu giống cho hộ liên kết chăn nuôi

NINH THUẬN Năm 2024, 260 con dê và 300 con cừu giống (ngân sách nhà nước hỗ trợ 60%) sẽ được bàn giao cho 42 hộ tham gia liên kết tại huyện Ninh Hải và Ninh Phước

Những 'vệ sĩ tí hon' bảo vệ vườn cam ở Cao Phong

HÒA BÌNH Đang len lỏi trong vườn cam của Hợp tác xã 3T Nông sản Cao Phong, tôi bỗng cảm thấy nhột nhột trên cổ, cộm cộm trên lưng, ram ráp ở trên tay…

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).