| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó cho hồi hữu cơ

Thứ Ba 09/03/2021 , 12:51 (GMT+7)

Cần sớm tháo gỡ khó khăn về giống, liên kết sản xuất và tiêu thụ để nâng cao giá trị cây hồi tại Lạng Sơn.

Cây hồi sản xuất theo hướng hữu cơ tỉ lệ đậu hoa cao hơn thông thường 15% - 20%. Ảnh: Trung Quân.

Cây hồi sản xuất theo hướng hữu cơ tỉ lệ đậu hoa cao hơn thông thường 15% - 20%. Ảnh: Trung Quân.

Tiềm năng lớn

Văn Quan là huyện có diện tích hồi lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, khoảng 14.000ha, trong đó diện tích cho quả hơn 11.000ha, sản lượng 26.000-30.000 tấn hồi tươi/năm.

Để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng hồi trên địa bàn, huyện Văn Quan ban hành đề án cải tạo nâng cao chất lượng, sản lượng cây hồi heo hướng sản xuất hồi hữu cơ giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, đề án cho kết quả khả quan, toàn huyện phát triển được trên 300ha hồi hữu cơ.

Ông Lương Thế Cường, Chủ tịch UBND xã Liên Hội cho biết: Tổng diện tích trồng hồi trên địa bàn xã khoảng 500ha, trong đó 85ha trồng theo hướng hữu cơ. Sản lượng hồi bình quân 5 tấn/ha. Hiện địa phương đang vận động người dân chủ động phát triển hồi theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, xã Liên Hội cũng đang phát triển 3,6ha rừng hồi mẫu tại thôn Khòn Cải. Đây là mô hình được chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật bằng cách bón “bò hoai”, nếu cho hiệu quả tốt sẽ là tiền đề nhân rộng.

Anh Lương Đình Hợi, thôn Khòn Cải, xã Liên Hội, hộ dân đi đầu trong việc trồng hồi hữu cơ chia sẻ: Gia đình anh cũng như nhiều hộ dân trong thôn có rừng hồi từ thời ông cha để lại. Trước đây, việc chăm sóc, thu hái thực hiện một cách rất tự nhiên nên năng suất thấp và không ổn định. Khi địa phương có chương trình phát triển rừng hồi theo hướng hữu cơ với nhiều chính sách hỗ trợ, anh Hợi đã cùng với một số bà con mạnh dạn áp dụng vào rừng hồi nhà mình.

Theo anh Hợi, việc phát triển rừng hồi theo hướng hữu cơ thuận lợi nhất là dựa trên diện tích tự nhiên sẵn có, người trồng tiến hành phát quang, dọn dẹp cỏ dại sạch sẽ. Những cây hồi già không cho năng suất sẽ được chặt bỏ thay bằng những cây hồi trồng mới, khoảng cách các cây cũng được bố trí hợp lý đảm bảo cây có đủ không gian, ánh sáng sinh trưởng, phát triển tốt nhất.

Đặc biệt, bà con nông dân biết bón phân cho cây hồi bằng phân hữu cơ, có sổ sách ghi chép lại lịch sử quá trình chăm sóc. Cây hồi sản xuất theo hướng hữu cơ lá cây xanh tốt, ít bịrụng lá, tỉ lệ đậu hoa cao hơn từ 15% - 20%.

Cần tháo gỡ khó khăn về giống và tiêu thụ

Bà Nguyễn Thị Hoan, thôn Khòn Cải, xã Liên Hội tâm sự, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển cây hồi  tại địa phương là về giống. Hiện tỷ lệ cây trồng mới chất lượng chưa được đảm bảo, nguồn hồi giống đa số do bà con tự chọn quả to hoặc theo dõi cây nào hay sai quả để chọn làm giống, trong khi thời gian để thấy kết quả khi cho thu hoạch phải mất 10 năm nên rủi ro rất cao. 

Công nghệ chế biến hồi của nước ta còn thô sơ, nên việc tiêu thụ hiện nay vẫn là bán trực tiếp hồi tươi hoặc hồi đã sấy khô. Ảnh: Trung Quân.

Công nghệ chế biến hồi của nước ta còn thô sơ, nên việc tiêu thụ hiện nay vẫn là bán trực tiếp hồi tươi hoặc hồi đã sấy khô. Ảnh: Trung Quân.

Một khó khăn nữa mà người trồng hồi đang gặp phải là vấn đề tiêu thụ khi chủ yếu vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Đứng trước thực tế đó, để nâng cao giá trị cây hồi, việc hình thành nên các HTX, tổ hợp tác để xây dựng thành vùng trồng có uy tín sức cạnh tranh của hồi Việt Nam đóng vai trò quan trọng sống còn.

Theo bà Chu Thị Hạnh, phố Điềm He, xã Điềm He, công nghệ chế biến hồi của nước ta còn thô sơ, số cơ sở chiết xuất tinh dầu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sức mua trong nước không đáng kể, nên thị trường tiêu thụ chính vẫn là xuất khẩu. Trong khi đó, sản phẩm tinh dầu tự chiết xuất không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại cả về chất lượng và giá thành. Do đó, kênh tiêu thụ chính của bà con vẫn là bán trực tiếp hồi tươi hoặc hồi đã sấy khô.

Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn nhận định: Trồng hồi theo hướng hữu cơ là hướng đi bắt buộc phải thực hiện nên trong thời gian tới tỉnh sẽ gắn việc trồng hồi với tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân. Nhưng cái khó là thời gian để đánh giá hiệu quả của các mô hình khá dài, đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn.

Mặt khác, theo ông Thịnh, muốn phát triển bền vững phải tạo được chuỗi liên kết sản xuất bền chặt giữa các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, thói quen canh tác nhỏ lẻ của các chủ rừng, cùng những bó hẹp về cơ chế đối với các doanh nghiệp muốn tham gia trực tiếp vào việc trồng và sản xuất trên đất rừng đang là rào cản làm cho việc đẩy mạnh phát triển sản xuất cây hồi hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Xem thêm
Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.