| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó nuôi biển Kiên Giang: [Bài 2] Phú Quốc theo hướng công nghiệp

Thứ Ba 25/06/2024 , 06:30 (GMT+7)

Vùng biển Phú Quốc có điều kiện khá thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, thành phố tập trung phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, gắn với phát triển du lịch.

Vùng biển Phú Quốc có chất lượng nước tốt, thời tiết ôn hòa, rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Vùng biển Phú Quốc có chất lượng nước tốt, thời tiết ôn hòa, rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Chuyển từ lồng nuôi truyền thống sang công nghệ cao

Hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố Phú Quốc đều có hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển.

Giai đoạn 2010 - 2023, nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Quốc (Kiên Giang) chủ yếu là nhỏ lẻ, do người dân tự phát. Tập trung ở 3 nhóm đối tượng nuôi chính là cá lồng bè, ốc hương và trai lấy ngọc. Con giống được nhập từ địa phương khác về để thả nuôi. Trước đây, người dân nuôi dựa vào thức ăn tươi sống, đến thời điểm hiện tại đã chuyển sang thức ăn công nghiệp và một phần cá tạp.

Quy mô và sản lượng nuôi trồng thủy sản tại Phú Quốc trong giai đoạn 2010 - 2023: Số lồng nuôi duy trì ở mức 500-600 lồng, sản lượng trung bình khoảng 500 tấn/năm. Số lồng nuôi tăng mạnh nhất là vào năm 2016, đạt 700 lồng. Sản lượng đạt cao nhất là năm 2018, với trên 1.000 tấn.

Ông Phù Văn Bao, ở xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc, có thâm niên làm nghề khai thác hải sản hàng chục năm. Khi đánh bắt ngày càng khó khăn do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ông Bao chuyển sang đầu tư nuôi cá biển. Ông chọn vùng biển ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu để neo lồng nuôi cá với diện tích mặt nước biển hơn 1ha, kết hợp với làm nhà bè để phục vụ khách du lịch tham quan, ăn uống.

Cũng như nhiều ngư dân nuôi biển, ông Bao mong muốn chính quyền sớm hoàn tất thủ tục giao mặt nước biển ổn định để đầu tư lồng nuôi hiện đại và chuyển dần sang thực ăn công nghiệp để giảm ô nhiễm cũng như chi phí. Ông cho biết: “Đã xin giao mặt nước biển gần 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền xem xét, cấp giấy giao khoán mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định”.

Thành phố Phú Quốc khuyến khích ngư dân chuyển dần từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HPDE. Ảnh: Trung Chánh.

Thành phố Phú Quốc khuyến khích ngư dân chuyển dần từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HPDE. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trương Xuân Nhơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế Phú Quốc cho biết, hiện thành phố đang triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân chuyển dần từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HPDE. Đồng thời, tiến hành rà soát, giao mặt nước biển cho các hộ dân và cơ sở nuôi biển.

Mục tiêu đến năm 2025, số lượng lồng nuôi biển của thành phố Phú Quốc là 920 lồng, trong đó nuôi cá lồng truyền thống là 700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao (CNC) đường kính 60m là 20 lồng, nuôi thủy sản khác là 200 lồng. Diện tích mặt nước nuôi lồng là 500ha, thể tích nuôi lồng là 300.000 m3. Sản lượng nuôi biển đạt 3.470 tấn, trong đó nuôi cá lồng CNC đạt 1.870 tấn.

Đến năm 2030, số lượng lồng nuôi biển tăng lên 1.100 lồng, trong đó lồng nuôi CNC là 100 lồng. Diện tích mặt nước nuôi lồng là 650ha, thể tích nuôi lồng là 425.000 m3. Sản lượng nuôi biển đạt 6.200 tấn, trong đó nuôi cá lồng CNC đạt 4.400 tấn.

Sớm hoàn thành giao mặt nước cho nuôi biển

Theo kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn thành phố Phú Quốc, đã được Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Quang Hưng phê duyệt, thì thành phố đang tiến hành thiết lập sơ đồ vùng nuôi biển và sẽ sớm giao mặt nước biển cho người dân địa phương.

Phú Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở nuôi biển với đối tượng, hình thức nuôi khác nhau trên địa bàn thành phố được bố trí, sắp xếp phân vùng nuôi hợp lý, tất cả cơ sở nuôi thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký nuôi biển theo quy định, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý khoa học, chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề nuôi biển.

Hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố Phú Quốc đều có hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển, mang lại thu nhập cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố Phú Quốc đều có hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển, mang lại thu nhập cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, phạm vi nuôi biển trên địa bàn thành phố Phú Quốc, gồm: nuôi lồng bè và nhuyễn thể tại ấp Rạch Vẹm và ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, xã Thổ Châu, phường An Thới, nuôi trai ngọc tập trung tại xã Dương Tơ. Bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển theo hướng tập trung, chuỗi liên kết sản xuất bền vững gắn với thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho biết, thành phố thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững. Từng bước giảm dần số lượng tàu, sản lượng khai thác để chuyển sang nuôi biển, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ. Đảm bảo khung lồng, phao, lưới, đăng quầng phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường. Tăng quy mô, năng suất, sản lượng nuôi biển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển.

Theo đó, lãnh đạo UBND thành phố Phú Quốc giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường ngay trong những tháng đầu năm 2024, phối hợp cùng các ban, ngành liên quan và các địa phương khảo sát thực địa, sắp xếp và bố trí khu vực biển cho người dân nuôi truyền thống thành các khu nuôi tập trung trên địa bàn Phú Quốc.

Hoạt động nuôi biển không chỉ tạo ra sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, mà còn tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng vùng biển đảo. Ảnh: Trung Chánh.

Hoạt động nuôi biển không chỉ tạo ra sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, mà còn tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng vùng biển đảo. Ảnh: Trung Chánh.

Đến năm 2025, tại xã Gành Dầu, Bãi Thơm có ít nhất 50% hộ dân có nhu cầu nuôi cá lồng bè được giao khu vực biển và cấp mã số nhận diện lồng bè nuôi theo quy định. Phường An Thới, xã Thổ Châu hoàn thành việc bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển, có ít nhất 50% hộ dân nuôi cá lồng bè tại địa phương được giao khu vực biển và cấp mã số nhận diện lồng bè nuôi theo quy định và 100% hộ dân nuôi nhuyễn thể tại địa phương được giao khu vực biển.

Hết năm 2025, thành phố Phú Quốc cơ bản bố trí, sắp xếp hoàn thành chuỗi liên kết nuôi biển gồm cá lồng bè, nhuyễn thể và các đối tượng khác tại các xã đảo, ven biển. Hoàn thành 100% việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cho các hộ dân nuôi lồng bè theo hình thức truyền thống ven đảo.

Cá bớp là một trong những đối tượng nuôi biển mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân Phú Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

Cá bớp là một trong những đối tượng nuôi biển mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân Phú Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Trưởng phòng Kinh tế Phú Quốc Trương Xuân Nhơn cho biết, thành phố sẽ ưu tiên giao mặt nước biển đối với các hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, các hộ chuyển đổi ngành nghề từ khai thác thủy sản nhỏ, không hiệu quả, nghề cấm khai thác và các thành viên các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản; Tổ chức, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình nuôi lồng bè, nhuyễn thể quản lý cộng đồng và đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, nhằm bảo vệ môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh, kịp thời xử lý các tình huống khi đối tượng nuôi bị thiệt hại, giảm thiểu rủi ro và hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

“Phú Quốc tập trung thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế, gắn với phát triển du lịch sinh thái và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo. Hoạt động nuôi biển không chỉ tạo ra sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, mà còn tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng vùng biển đảo, góp phần làm đa dạng hóa loại hình du lịch của Phú Quốc”, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng khẳng định.

Xem thêm
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Kiên Giang Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE giúp ngư dân hạn chế rủi ro, nâng cao sản lượng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...

'Để gỡ 'thẻ vàng' IUU vào tháng 9 này theo Chỉ thị 32, chúng ta phải cùng quyết tâm hơn nữa. Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...', Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.

Bình luận mới nhất