| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó nuôi biển Kiên Giang: [Bài 1] Tiềm năng lớn nhưng phát triển chậm

Thứ Hai 24/06/2024 , 06:48 (GMT+7)

Tiềm năng nuôi biển của Kiên Giang rất lớn nhưng đa số ngư dân vẫn nuôi nhỏ lẻ, việc chuyển sang lồng nuôi hiện đại còn chậm, cần gỡ khó để nuôi biển phát triển.

Kiên Giang là tỉnh ven biển Tây, có bờ biển dài trên 200 km, hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, vùng biển nằm trọn trong vịnh Thái Lan với diện tích khoảng 63.290 km2, nhiều vịnh kín, ít xảy ra bão, độ sâu vừa phải nên có lợi thế tốt nhất cho nuôi biển. Tỉnh đang tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển, trong đó đặc biệt phát triển nghề nuôi biển hiện đại, để đưa Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia theo quy hoạch đã được công bố.

Lồng nuôi nhiều nhưng sản lượng thấp

Dọc theo vùng biển rộng lớn của tỉnh Kiên Giang, nhất là ở quanh các đảo có dân sinh sống, ngư dân làm nghề nuôi biển khá nhiều. Ở những vị trí thuận lợi, lồng bè san sát, tuy nhiên chủ yếu được làm bằng cây gỗ, được gác lên những thùng phi nhựa rỗng làm phao nổi. Ngư dân thường kết hợp làm nhà chòi trên bè để thuận tiện cho việc chăm sóc, canh giữ cá.

Tiềm năng nuôi biển của Kiên Giang rất lớn nhưng đa số ngư dân vẫn nuôi nhỏ lẻ bằng lồng tự chế bằng cây gỗ, năng suất và hiệu quả kinh tế còn thấp. Ảnh: Trung Chánh.

Tiềm năng nuôi biển của Kiên Giang rất lớn nhưng đa số ngư dân vẫn nuôi nhỏ lẻ bằng lồng tự chế bằng cây gỗ, năng suất và hiệu quả kinh tế còn thấp. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Tô Diễm Thúy, một người có thâm niên nuôi cá lồng bè trên biển ở xã đảo Hòn Tre (huyện đảo Kiên Hải) cho biết, qua nhiều năm đầu tư, hiện gia đình đang có 20 lồng cá các loại. Tùy vào nhu cầu thị trường, ngư dân sẽ đầu tư nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá bớp, mú trân châu, chim vây vàng, cam, hồng mỹ, chẽm… Nếu thị trường đầu ra ổn định, thông thường đầu tư nuôi cá biển sẽ cho lợi nhuận trung bình từ 25-30% so chi phí đầu tư.

Theo bà Thúy, phần lớn các hộ ở Hòn Tre nuôi cá lồng bè tự chế bằng cây gỗ, dễ bị hư hỏng. Do đó, ngư dân mong có chính sách ưu đãi, Nhà nước hỗ trợ vay ngân hàng với lãi suất thấp hoặc vay trả góp để đầu tư lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HDPE. Từ đó, có thể nuôi cá ở vùng biển xã bờ, chất lượng nguồn nước tốt, ít xảy ra dịch bệnh, đạt năng suất và cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó là giao khoán mặt nước biển để ngư dân yên tâm đầu tư phát triển nghề nuôi biển bền vững, lâu dài.

Lồng nuôi biển của ngư dân Kiên Giang phần lớn được làm bằng cây gỗ, được gác lên những thùng phi nhựa rỗng làm phao nổi, kết hợp nhà bè ở phía trên để tiện canh giữ, chăm sóc cá nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Lồng nuôi biển của ngư dân Kiên Giang phần lớn được làm bằng cây gỗ, được gác lên những thùng phi nhựa rỗng làm phao nổi, kết hợp nhà bè ở phía trên để tiện canh giữ, chăm sóc cá nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch phát triển nuôi cá lồng bè với số lượng 4.000 lồng, sản lượng 4.400 tấn. Nuôi nhuyễn thể diện tích 23.300 ha, với các đối tượng nuôi là hến biển, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa…, sản lượng thu hoạch 96.600 tấn. Ngoài ra, còn phát triển nuôi một số đối tượng khác như ngọc trai, hàu, ốc hương…

Trong 3 tháng đầu năm 2024, ngư dân trong tỉnh đã thả giống nuôi trồng thủy sản với diện tích 236.080 ha. Trong đó, tôm nuôi nước lợ 128.333 ha, nuôi cá lồng bè trên biển 2.991 lồng, nuôi nhuyễn thể 18.051 ha, cua biển 68.483 ha, còn lại là cá nuôi cá trong ao, ruộng, vèo. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch là gần 40.500 tấn, chủ yếu là tôm nguyên liệu, cá biển nuôi các loại, nhuyễn thể,  cua biển…

Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu, tiến độ thực hiện Đề án nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, thì kết quả đạt được còn khá thấp. Cụ thể, tiến độ theo đề này, thì năm 2024, Kiên Giang có số lượng nuôi cá lồng bè trên biển là 6.800 lồng, sản lượng 21.460 tấn. Nuôi nhuyễn thể diện tích 26.310 ha, sản lượng 83.844 tấn.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Kiên Giang, phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều hạn chế. Ngư dân chủ yếu vẫn nuôi lồng bè theo kiểu truyền thống (tự chế bằng cây gỗ), năng suất nuôi còn thấp. Việc sắp xếp vị trí và giao khu vực biển cho các hộ dân nuôi lồng bè tại địa phương còn chậm so với yêu cầu. Chưa xây dựng được chuỗi giá trị liên kết sản xuất trong nuôi biển. Hạ tầng phục vụ nuôi biển còn thiếu đồng bộ. Triển khai thực hiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm.

Hỗ trợ ngư dân chuyển sang nuôi biển

Theo Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, các khu vực bố trí nuôi biển tập trung là xã Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương), Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải), Tiên Hải (TP Hà Tiên) và Thổ Châu (TP Phú Quốc). Ngành chức năng sẽ tiến hành cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, ngư dân cần đăng ký lồng nuôi, với các đối tượng nuôi chủ lực.

Kiên Giang tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, trong đó đặc biệt phát triển nghề nuôi biển hiện đại, phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, trong đó đặc biệt phát triển nghề nuôi biển hiện đại, phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển. Ảnh: Trung Chánh.

Tập trung nguồn lực để phát triển nghề nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển công nghiệp, tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng bè nuôi truyền thống (vật liệu gỗ) sang lồng nuôi HDPE giúp tăng năng suất, cải thiện điều kiện kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, kế hoạch đề ra năm 2024 là các huyện, thành phố ven biển, đảo phải hoàn thành trên 50% công tác giao khu vực biển cho các hộ dân, cơ sở nuôi thủy sản lồng bè theo quy định. Trên 90% cơ sở được cấp giấy xác nhận nuôi thủy sản lồng bè (mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè) sau khi được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Trên 80% cơ sở được cấp phép nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất gắn với bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển theo hướng tập trung, liên kết phát triển bền vững. Chi cục Thủy sản hỗ trợ các huyện, thành phố bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững gắn với công tác giao khu vục biển và cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè theo quy định. Tăng cường vận động, khuyến khích người nuôi tham gia chuỗi liên kết sản xuất thông qua hoạt động của tổ hợp tác tác, hợp tác xã... để tiết kiệm chi phí, thuận lợi hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi.

Kiên Giang đang triển khai giao mặt nước biển cho ngư, phát triển nghề nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang đang triển khai giao mặt nước biển cho ngư, phát triển nghề nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn hướng dẫn cho ngư dân về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển công nghiệp. Xây dựng mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ mới, như sử dụng lồng HDPE, lồng lưới chịu lực. Hướng dẫn áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, lao động tham gia nuôi biển trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi khi có mưa, bão.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân về tầm quan trọng phát triển nuôi biển công nghiệp, xây dựng và nhân rộng các điển hình thành công trong nuôi biển. Đặc biệt là triển khai các mô hình nuôi biển sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường khu vực nuôi, nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao và phát triển xanh.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng cá biển nuôi lồng bè. Tổ chức kiểm dịch giống thủy sản nuôi biển nhập tỉnh, tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thủy sản nhằm kịp thời phát hiện, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trị hiệu quả.

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ hình thức nuôi cá lồng bè truyền thống, gần bờ và khai thác thủy sản ven bờ hoặc khai thác vùng lộng, vùng khơi kém hiệu quả sang nuôi biển hiện đại bằng lồng nhựa HDPE, nuôi công nghiệp xa bờ để tận dụng tiềm năng lợi thế của tỉnh, tạo giá trị sản xuất lớn, góp phần phát triển kinh tế bền vững và giảm áp lực khai thác thủy sản.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.