| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó nuôi biển Kiên Giang: [Bài 4] Kêu gọi đầu tư vẫn vướng rào cản

Thứ Năm 27/06/2024 , 07:15 (GMT+7)

Để trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, Kiên Giang đã mời gọi và mở biển đón 'đại bàng' là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Australis thực hiện dự án nuôi trồng, sản xuất giống, kinh doanh và xuất khẩu cá, rong biển và các loại thủy sản khác. Ảnh: Trung Chánh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Australis thực hiện dự án nuôi trồng, sản xuất giống, kinh doanh và xuất khẩu cá, rong biển và các loại thủy sản khác. Ảnh: Trung Chánh.

Mời gọi đầu tư vào nuôi biển

Kiên Giang là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá không chỉ của vùng ĐBSCL mà là cả nước. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Kiên Giang có vùng bãi triều rộng lớn và nhiều vùng biển kín gió với nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao phân bố, rất thuận lợi cho việc bảo tồn, phát triển nguồn lợi thuỷ sản cũng như nuôi trồng thủy sản trên biển, đặc biệt là nuôi cá lồng bè trên biển và quanh các đảo.

Không chỉ phát triển nuôi biển ven bờ, trong đất liền, quanh các đảo, Kiên Giang còn trập trung nguồn lực phát triển nuôi biển xa bờ, trên các vùng biển hở. Qua đó, nhằm tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, từng bước đưa Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước như quy hoạch đã được công bố.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang và hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chủ trương đầu tư, dự án nuôi biển đã được trao cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Đây không chỉ là những đơn vị có tiềm lực mạnh về kinh tế, mà còn có khả năng áp dụng công nghệ cao trong nuôi cá biển, với quy trình nuôi hiện đại.

Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, đến nay tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư nuôi biển cho các doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Mavin, Công ty CP Đầu tư phát triển Đức Trường và Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bát Ngọc, với tổng diện tích đăng ký phát triển vùng nuôi lên đến trên 2.608ha mặt nước biển.

Các dự án này sau khi được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh và tạo nguồn thực phẩm thu hút khách du lịch đến địa phương.

Ngoài ra, còn có các dự án đã triển khai, đang hoạt động hiệu quả, như Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú, Công ty TNHH MTV Hiền Công, với tổng diện tích khu vực biển được giao hàng trăm ha, để phát triển nuôi cá lồng bè, trồng rong biển và nuôi trai lấy ngọc.

Trong các đơn vị kể trên thì dự án của Công ty CP Tập đoàn Mavin là có quy mô lớn nhất, với quy mô diện tích cả ngàn ha mặt nước biển. Không chỉ có kế hoạch đầu tư nuôi biển quy mô lớn, Tập đoàn này còn ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại của châu Âu để sản xuất các loại cá biển chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển tại Kiên Giang mong muốn được gỡ khó khăn, vướng mắc về giao mặt nước biển để sớm triển khai dự án. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển tại Kiên Giang mong muốn được gỡ khó khăn, vướng mắc về giao mặt nước biển để sớm triển khai dự án. Ảnh: Trung Chánh.

Khi được triển khai và đi vào hoạt động, dự án tại tỉnh Kiên Giang của Công ty CP Tập đoàn Mavin có khả năng nuôi mỗi năm khoảng 30.000 tấn cá biển, với các  loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá vược, cá song, cá chim vây vàng… Đây là dự án nuôi biển đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nên Công ty CP Tập đoàn Mavin đặc biệt chú trọng vào việc kiểm soát môi trường nuôi và truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giúp việc xuất khẩu cá của dự án được thuận lợi, đáp ứng được đầy đủ các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Mavin còn có kế hoạch khảo sát và triển khai đầu tư dự án Trung tâm giống hải sản, Nhà máy sản xuất thức ăn thủy, hải sản và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.

Qua đó, giúp doanh nghiệp này có chuỗi nuôi trồng thủy sản khép kín, từ con giống, thức ăn thủy sản đến nuôi, chế biến hải sản xuất khẩu tại một địa phương, từ đó tối ưu hóa về quy trình sản xuất và chi phí sản phẩm. Điều này cũng sẽ góp phần đưa Kiên Giang trở thành một trung tâm về nuôi trồng và chế biến cá biển xuất khẩu thủy sản lớn trong khu vực.

Quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, để tận dụng tiềm năng lợi thế về phát triển kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản trên biển, tỉnh thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch, ban hành nhiều kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển. Trong đó, năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn đến năm 2030 nhằm phát huy tiềm năng lợi thế về vùng biển rộng lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn đến năm 2030 nhằm phát huy tiềm năng lợi thế về vùng biển rộng lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Đề án ra đời nhằm mục tiêu thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

Vùng nuôi biển của Kiên Giang tập trung quanh các đảo thuộc huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên. Năm 2020, toàn tỉnh có 4.000 lồng nuôi thủy sản, với sản lượng đạt 3.662 tấn. Đến năm 2023, tuy số lượng lồng nuôi giảm (3.870 lồng), nhưng quy mô lồng nuôi tăng và nhiều lồng nuôi truyền thống đã chuyển sang lồng nuôi hiện đại nên sản lượng thu hoạch tăng, đạt 3.910 tấn cá các loại. Các đối tượng nuôi chủ yếu là cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm...

Từ năm 2022 - 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE. Kết quả đã chuyển đổi được 69 lồng, với quy mô 3.531m3. Sử dụng lồng nuôi HPDE giúp cho nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở tỉnh Kiên Giang phát triển bền vững, hạn chế rủi ro, bảo vệ môi trường, nâng cao sản lượng và gia tăng lợi nhuận.

Tỉnh Kiên Giang hỗ trợ ngư dân chuyển từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HDPE, đồng thời thay thế thức ăn bằng cá tạp sang thức ăn công nghiệp nhằm giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang hỗ trợ ngư dân chuyển từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HDPE, đồng thời thay thế thức ăn bằng cá tạp sang thức ăn công nghiệp nhằm giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, Kiên Giang còn có lợi thế về nuôi thủy sản ven biển, ven đảo và trong bờ, với đối tượng nuôi đa dạng như nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trai cấy ngọc, tôm, cua, cá... Năm 2020, diện tích nuôi nhuyễn thể toàn tỉnh đạt gần 22.000ha, sản lượng đạt gần 63.000 tấn. Đến năm 2023, diện tích nuôi tăng lên trên 23.000 ha, sản lượng hơn 96.000 tấn.

Với các đối tượng nuôi như sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh và nghêu lụa, được phát triển nuôi ở các địa phương ven biển như: An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương và Hà Tiên. Hình thức nuôi là thả giống ngoài bãi triều và nuôi đăng quần, cắm cọc, treo giàn...

Sản lượng thủy sản năm 2023 của tỉnh Kiên Giang đạt hơn 798.300 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt trên 361.100 tấn, với giá trị sản xuất đạt khoảng 20.245 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực đầu tư nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, nuôi xa bờ, với nhiều ưu đãi thu hút đầu tư. Cùng với đó là triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, nuôi lồng bè truyền thống sang lồng bè hiện đại sử dụng thức ăn viên công nghiệp gắn với chuỗi giá trị nuôi biển bền vững.

Xem thêm
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Kiên Giang Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE giúp ngư dân hạn chế rủi ro, nâng cao sản lượng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...

'Để gỡ 'thẻ vàng' IUU vào tháng 9 này theo Chỉ thị 32, chúng ta phải cùng quyết tâm hơn nữa. Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...', Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.

Bình luận mới nhất